Written by Tương giao với đời

Thực tập chánh ngữ

1. Thực tập chánh ngữ là thực tập bỏ đi cái tham vọng (tôi) đúng (bạn) sai.

Cô bạn tôi dạo gần đây phát hiện mình có những dấu hiệu của (bệnh) rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Bạn tôi mang chuyện đó ra kể với bạn X với mục đích ban đầu chỉ là thổ lộ một chút “bí mật” về cuộc sống của bạn ấy, mà cũng vì tin tưởng bạn X nên mới nói ra. Ấy vậy mà bạn X phản ứng cực kỳ… “khoa học”, bạn X khăng khăng nói với cô bạn tôi là đừng có đi làm mấy cái bài test vớ vẩn trên mạng rồi cho rằng mình có bệnh, phải đi khám bác sĩ, phải có “bằng chứng cụ thể” thì mới đưa ra kết luận được. Cô bạn tôi biết là X nói có “khoa học”, nói “đúng”, nhưng chẳng hiểu sao vẫn cứ thấy buồn nhiều thế, thậm chí không còn muốn làm bạn với X nữa.

Cảm xúc buồn là một dấu hiệu để nhận biết có điều gì đó “sai sai” và tiến hành sửa chữa thân và tâm. Vì cũng đã có trải nghiệm tương tự, tôi hiểu ngay ra đây chính là một ví dụ của tà ngữ. Không phải cứ nói lời cay độc, bậy bạ mới là tà ngữ. Tà ngữ có thể là những lời nói rất chính xác về mặt thông tin, có thể rất “khoa học”, nhưng sai về mục đích giao tiếp. Trong trường hợp của bạn tôi, bạn tôi chỉ muốn bộc lộ bản thân và mong nhận lại một sự đồng cảm, một sự công nhận nhẹ nhàng rằng “à, hoá ra bạn có thể đã mắc chứng ADHD, hẳn nào mình thấy bạn có những biểu hiện như này như này blah blah” thì kết nối tình bạn ngay lập tức được thiết lập. Nhưng đằng này bạn X đã không hiểu được mục đích giao tiếp của cô bạn tôi mà chỉ tập trung vào tính đúng đắn của thông tin, vô tình gây tổn thương cho đối phương. Ngay cả khi cô bạn tôi bảo là không muốn nói về vấn đề này nữa thì bạn X vẫn vừa nói lời xin lỗi là “ôi mình xin lỗi nếu mình làm bạn buồn” nhưng (!!!) vẫn tiếp tục nói để chứng minh là X đúng.

Thực tập chánh ngữ luôn song hành với thực tập lắng nghe. Mình phải chú tâm để nghe xem người thương đang muốn nói gì với mình nhỉ. Là bề mặt của thông tin hay còn có nhắn gửi gì đằng sau đó? Mà nếu người thương nói “sai” thì sao? Điều đó có quan trọng không nếu như mọi nỗ lực chứng minh mình “đúng” khiến cho người thương buồn nhiều? [Nếu thực sự là người thương nói sai thì trước tiên là vẫn phải hiểu cho nhắn gửi của người thương đã, rồi CHỜ một thời gian sau mới nên mang cái đúng/sai của thông tin ra mà thảo luận, như thế người thương sẽ không bị tổn thương. Tuy vậy thì CHỜ cũng là việc khó và lại càng cần nhiều chánh niệm hơn nữa.]

2. Thực tập chánh ngữ là thực tập ngừng nói một khi thấy người đối diện đang không trong trạng thái lắng nghe.

Chuyện này thì xảy ra với tôi khi tôi thảo luận với bạn tôi về một số thuật ngữ hàn lâm. Tôi thấy tác giả A khi dùng thuật ngữ A thì hiểu theo cách A chứ không hiểu theo cách hiểu B mà tôi và bạn tôi thường nghĩ. Nhưng bạn tôi nhất định nói rằng thuật ngữ A phải hiểu theo cách B thì mới đúng được. Tôi nói lại là tôi hiểu ý bạn nhưng các tác giả ở đây không dùng với nghĩa như vậy. Bạn tôi bắt đầu tăng thanh âm, quả quyết là phải hiểu theo nghĩa B mới hợp lý. Bằng tất cả sự nhạy cảm của mình, tôi… ngừng nói và lèo lái cuộc hội thoại sang một câu chuyện khác bởi tôi biết là dù tôi có cố gắng nói tiếp thì bạn tôi cũng sẽ không đồng ý với tôi vì bạn đang “tạm thời không lắng nghe được”. Sự im lặng của tôi khiến cả hai đều vui vẻ.

Nói hay không nói? Nói gì? Khi nào nói? Nói thế nào? vì thế mà trở thành những câu hỏi mà tôi cho là then chốt khi thực tập chánh ngữ.

Vì đã có kinh nghiệm sống, đôi khi người lớn rất muốn ngăn cản con trẻ làm điều nọ điều kia vì người lớn biết điều đó sẽ làm đau đứa bé, nhưng đứa bé sẽ không nghe đâu vì người lớn càng ngăn thì nó càng muốn làm. Việc tử tế nhất là CHỜ, đứa bé sẽ tự đi khám phá cuộc đời của nó, đến khi nào nó có câu hỏi nó sẽ dừng lại và hỏi, lúc đó thì người lớn hẵng nói. Lúc đó bất cứ lời nói nào của người lớn cũng trở thành “lời vàng ý ngọc”, cũng trở thành một dòng suối mát tưới tẩm cho những niềm đau trong đứa trẻ và đứa trẻ sẽ trân trọng bạn biết bao. Nếu người lớn không thể chờ, mọi lời nói sẽ là “khoe khoang” với đứa bé, khoe khoang thì là tà ngữ, chẳng có cơ hội cho bất cứ cuộc hội thoại nào tử tế giữa hai người và vì thế cơ hội để xây đắp tình thương sẽ (lại) vụt mất.

Vì vậy, thực tập chánh ngữ là thực tập im lặng, thực tập chờ đợi, thực tập lắng nghe, thực tập yêu trong mối tương tại – Interbe.

Quềnh

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]