Written by Nghĩ về giáo dục

Giáo dục có phải là sự trao truyền chân lý?

Phúng dụ về chiếc hang (The allegory of the cave) [1] chắc hẳn là một hình tượng không xa lạ trong các cuộc bình luận về triết lý giáo dục, ám chỉ rằng người thầy chính là người đã “bước ra khỏi hang”, đã được “khai sáng” và sau đó quay trở về hang để “trao truyền chân lý” và “sự thật”. 

Tuy vậy, không phải học giả nào cũng đồng ý với cách diễn giải như vậy. Trong cuốn sách International Handbook of Philosophy and Education, một học giả [2] đã viết nên một cách hiểu khác về chiếc hang và gọi nó là “educational cave” (chiếc hang giáo dục) thay vì “philosophical cave” (chiếc hang triết học). Cũng cần lưu ý thêm là hai chiếc hang này không đối lập nhau về nghĩa, mà căn bản là hai cách diễn giải khác nhau. 

Nếu như philosophical cave gán nghĩa cho cái hang là một nơi ẩm thấp, đen tối, bí bách thì educational cave tạo nghĩa mới cho cái hang là nơi mà thời gian và không gian ngưng lại (suspension). Ngưng lại có nghĩa là con người không tham gia vào các hoạt động tạo ra của cải vật chất và không phải tuân theo một thời gian biểu sáng trưa chiều tối khi ta thu hoạch một vụ mùa. Thời gian ngưng lại là thời gian để suy tưởng (contemplate), mà có suy tưởng thì có tính giáo dục. 

Nếu như philosophical cave cho rằng người thầy cần quay lại hang để trao truyền chân lý thì educational cave cho rằng vai trò của người thầy khi quay lại hang là để chia sẻ với những người ở trong hang về một thế giới mới, một thế giới mà họ đã thực nghiệm, nhưng không có nghĩa rằng thế giới đó là cái đúng duy nhất và là cái thấy duy nhất. Người thầy quay lại để cùng nghĩ, cùng tạo dựng một khởi đầu mới, để khuyến khích người học cứ thử đi (try, try again, try again and again). 

Người thầy quay lại hang để KẾT THÂN (companionship) và ĐỒNG HÀNH (accompany). 

“Education is about the issue of ‘companionship’, being in company with others and with things (i.e., opening and disclosing the world), about enabling and exposing.” (Giáo dục là vấn đề của sự ‘kết thân’, là đồng hành cùng với người/vật khác (ví dụ, là mở ra và khai mở thế giới), là tạo khả và bộc lộ.) [2]

Với cách hiểu này, educational cave đã giải phóng người thầy khỏi những gánh nặng về mặt tri thức rằng mình luôn phải đúng, luôn phải là một hình tượng hoàn hảo đẹp đẽ để học trò nhìn vào. Người thầy và người trò luôn có thể kết thân để cùng nhau khai phá những thế giới mới và sống một cuộc đời khác đi. 

Quềnh.

Tài liệu tham khảo:
[1] Tìm hiểu về The allegory of the cave ở video này: https://www.youtube.com/watch?v=SWlUKJIMge4
[2] Masschelein, J. (2018). The educational cave fable. On animals that go to school. In: Smeyers, P. (Ed.) International Handbook of Philosophy of Education. (pp. 1185-1200) Singapore, Springer.

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]