Written by Nghĩ về giáo dục

Lên tiếng như thế nào và tranh luận ra làm sao?

Tháng trước, giữa các đợt tranh luận như bão táp trên mạng xã hội về việc học trường chuyên hay không, về giới nhân học có cần lên tiếng trước các sự vụ liên quan đến cộng đồng dân tộc thiểu số hay không, thì mình vẫn đang ngụp lặn trong một bể chữ nghĩa và sau đó thì dành toàn bộ thời gian để… thở và …ngủ. Có người em nhắn tin bảo mình là chị lên tiếng đi chị ơi, đúng lĩnh vực chuyên môn của chị này, nhưng đúng là mình không có thời gian để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề và vì thế cũng không đủ tự tin để lên tiếng.

Việc lên tiếng thực ra không hề dễ dàng bởi vì lời nói mang trong nó trọng trách với “sự thật”. “Sự thật” được để trong ngoặc kép bởi nó không có nghĩa là “chân lý tuyệt đối”. “Sự thật” này luôn có tính chủ quan vì bản thân người nói đã là một “subject” và cái họ nói ra không thể nào chạy trốn hoàn toàn khỏi tính “subjective”, do vậy, tính chủ quan này là thực tế cần phải đối diện chứ không phải một yếu tố cần gạt bỏ. Ta đạt được “sự thật” khi thừa nhận tính chủ quan trong điều kiện lập luận nghiêm ngặt, mà điều kiện lập luận nghiêm cần ở đây bao gồm khả năng khu biệt vấn đề trong một bối cảnh hết sức cụ thể, tỉ mỉ và cam kết đưa ra kết luận chỉ trong bối cảnh đó, chứ không phải kiểu kết luận mang tính phổ quát.

Muốn lên tiếng mà có cam kết với “sự thật” thì phải bỏ công ra mà tìm hiểu. Ngay cả khi một người có chuyên môn về lĩnh vực nào đó thì cũng phải tìm hiểu bối cảnh bởi với mỗi sự việc là mỗi bối cảnh khác nhau. Mình lấy ví dụ về tranh luận học trường chuyên X hay là không, thay vì nói về điểm tốt/xấu của trường chuyên thì cái mà một người lên tiếng có trách nhiệm cần quan tâm là câu hỏi “Bối cảnh ra đời của hệ thống trường chuyên và bản thân trường X là gì?”, “Sự tồn tại của trường chuyên ở vùng này có khác với sự tồn tại của trường chuyên ở vùng khác hay không? Khác như thế nào?”, “Tại sao những năm trước không có những tranh luận như thế mà tại sao bây giờ mọi người lại bắt đầu đặt câu hỏi?”, “Nếu những năm trước có tranh luận thì vấn đề được tranh luận có khác với năm nay hay không và tại sao lại như thế?”, “Theo học trường chuyên thì những nét nghĩa kèm theo đó là gì?”, “Nhóm người đang lên tiếng về việc (không) cần học trường chuyên là nhóm người nào trong xã hội?”, “Quyền lợi của con cái họ có bị ảnh hưởng khi (không) học trường chuyên hay không?”,…. Mình nghĩ khi trả lời được những câu hỏi như thế này rồi thì người muốn lên tiếng sẽ không bị sa đà vào việc chỉ ra các điểm tốt/xấu trên bề mặt của vấn đề nữa.

Liên quan chặt chẽ với việc lên tiếng là khả năng tranh luận. Tranh luận không hiểu theo nghĩa là phân định thắng/thua mà tranh luận là để tiệm cận với “sự thật”. Tiếng nói từ các điểm nhìn khác nhau (nhưng nhớ là phải cùng trên một bối cảnh) sẽ làm cho vấn đề được bóc tách cặn kẽ hơn. Tranh luận chỉ quan tâm đến độ chặt chẽ của lập luận để tìm tới “sự thật”, do vậy cam kết căn bản nhất khi tham gia lập luận là **không được tấn công cá nhân**. Đây cũng là điều mà mình cảm nhận rất rõ khi tham gia tranh luận với một số Giáo sư ở trường. Những gì mình nói ra đều được tôn trọng tuyệt đối, ghi chép lại và phản biện, những lời phản biện có thể vô cùng gay gắt nhưng chỉ xoay quanh lập luận của mình thôi, chẳng ai quan tâm đến việc mình có tư cách hay không.

Khi theo dõi tranh luận của Nguyễn Quốc Tấn Trung và Nguyễn Ngọc Trân về việc giới nhân học cần lên tiếng, mình thấy cả 2 bên đều đã không giữ được bình tĩnh mà rồi quay ra đả kích nhau, hai bên đều nói rằng bên còn lại không đủ tư cách để trình bày vấn đề. Đả kích như thế khiến cho tranh luận rơi vào ngõ cụt vì ai cũng thấy ấm ức, mà bản thân cái vấn đề nó cũng ấm ức cơ, vì lẽ ra nó sẽ được nâng niu và bóc tách thì nó lại bị quẳng sang một bên. Những phản biện tốt thì không được ghi nhận, thay vào đó người ta chỉ còn nhớ những ngôn từ không đẹp và những màn sầu bi.

Chốt lại thì mình thấy việc lên tiếng trên mạng xã hội thiệt là khó nhằn với mình, gần như là không thể tham gia nổi. Bởi một vấn đề chỉ hot hit trong có vài ngày, mấy ngày đó mình còn đang bận việc khác, tới lúc có thời gian tìm hiểu thì vấn đề đã rơi vào dĩ vãng, hoặc khi trả lời xong một vạn câu hỏi vì sao thì tâm đã quá tịnh, không còn hứng tranh luận gì nữa. :))))) Tuy vậy hai điểm mình nói ở trên có lẽ là sẽ cần ghi nhớ trong tất cả các tranh luận và cân nhắc lên tiếng sau này, vì vậy vẫn viết ra để nhắc nhở bản thân và mời gọi bạn độc quan tâm tới “sự thật” nhiều hơn là thắng/thua.

Cheers,

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]