Đặt vấn đề
Trong những thập kỷ gần đây, hệ thống giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đã trải qua nhiều lần cải cách lớn nhỏ, từ chương trình học cho tới sách giáo khoa, hình thức thi/xét tuyển tốt nghiệp, phương thức giảng dạy, hình thức đánh giá kết quả học sinh và cho điểm trên lớp. “Cải cách” dường như đã trở thành từ khoá phổ thông bởi nó phủ sóng bản tin thời sự, các mặt báo, những tranh luận học thuật, và xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội cũng như trong đời sống hằng ngày. Dẫu xã hội ghi nhận nỗ lực cải cách là để tạo ra một chương trình học tốt hơn cho thế hệ trẻ, đâu đó vẫn là những hoài nghi về chất lượng, hiệu quả, cũng như sự cần thiết. Vậy tại sao người ta cứ liên tục cải cách giáo dục như thế?
Câu trả lời
Cảm quan thay đổi (the sensibility of change) là tấm đệm nâng đỡ cho cải cách diễn ra. Xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX, cảm quan thay đổi có ngọn nguồn từ những biến chuyển mạnh mẽ mà cách mạng công nghiệp và cách mạng tư tưởng thời kỳ Khai Sáng tạo ra. Nó sau đó thôi thúc con người bứt mình ra khỏi những quy chuẩn của xã hội cũ và dần xem thường quá khứ. Ví dụ tiêu biểu nhất là những hoạ sĩ của trường phái Ấn tượng – những người chán ngán phong cách vẽ Cổ đại và cố gắng tìm cho mình một phong cách riêng, mới lạ. Tác phẩm của họ bị Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp từ chối trưng bày bởi chúng không được vẽ theo đúng kỹ thuật mà Viện Hàn lâm xem là mực thước [1]. Tuy bị trù dập, họ đã tự tổ chức ra những salon trưng bày tranh của riêng mình và đạt được tiếng vang nhất định. Cũng bởi những “làn sóng mới” như vậy mà cảm quan thay đổi gắn với thái độ xem thường quá khứ từ đó cũng lan dần ra.
Cảm quan thay đổi vẫn tiếp tục chi phối đời sống xã hội trong suốt một thế kỷ sau đó và còn bồi thêm nét nghĩa mới về tương lai bất định do những cuộc bạo động, biểu tình phản chiến, phong trào dân quyền, và các vụ ám sát chính trị xảy ra liên miên vào những năm 1960s. Dường như những kinh nghiệm từ quá khứ không hề giúp được gì cho việc bình ổn xã hội; trong khi đó tương lai thì quá mù mịt. Ý tưởng lúc này là thay đổi bản thân để thích nghi với thế giới, đại diện là mệnh lệnh “Không có lựa chọn nào khác (ngoài cải cách) đâu!” của Magaret Thatcher đối với vận mệnh nước Anh vào những năm 1980s.
Trào lưu cải cách giáo dục từ những năm 1980s tới giờ xuất phát từ cảm quan thay đổi nói trên. Được định hướng bởi thái độ coi thường quá khứ và xem trọng tương lai, cải cách giáo dục lấy tương lai thay vì quá khứ làm đích đến bởi tương lai được coi là bất định, là ngẫu nhiên đầy bí ẩn, là có thể ập đến bất cứ khi nào; trong khi đó quá khứ thì đã ngủ yên và kinh nghiệm từ quá khứ cũng không còn hữu ích nữa. Tri thức hàn lâm tự bao đời bị cho là không còn xác đáng với hiện thực đời sống; thay vào đó là trải nghiệm thực tế. Chương trình giáo dục cải cách cũng không còn tiếp nối các vấn đề siêu hình học vẫn còn dang dở của quá khứ mà nhấn mạnh vào các kỹ năng (giả định) cần thiết trong tương lai (ví dụ: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng hùng biện, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng sống xanh …). Cải cách xem trường học là vết tích của quá khứ, không tới mức phải loại bỏ nhưng cũng không còn giữ vai trò then chốt của giáo dục nữa vì, nhờ có công nghệ, người ta có thể, và cũngđược khuyên là nên, học ở mọi lúc mọi nơi.
Cảm quan thay đổi có sức ám ảnh giới làm chính sách tới mức châm ngôn bây giờ là nếu không tiến lên, nếu không học, học nữa, học mãi để thích nghi với sự thay đổi của xã hội thì đồng nghĩa với tụt lùi và “bỏ đi”. Nhưng mà học cái gì cơ? Như đã trình bày ở đoạn trước, học hỏi tri thức hàn lâm đã không còn là mối ưu tiên. Ngoài việc học kỹ năng thì sự học ở đây thực ra lại gắn với trau dồi năng lực tinh thần (mental capacity) nhằm chống trọi với sự thay đổi (được cho là) khôn lường của tương lai. Học không còn là để lý giải thế giới nữa mà là để thích nghi với cuộc sống. Đây cũng là lý do tại sao ngành Tâm lý học, mà đặc biệt là nhánh quản trị hành vi (behavioral management) và liệu pháp trị liệu (therapeutic techniques) lại có chỗ đứng vững chãi tới vậy trong giáo dục đương đại.
Một số bình luận
(1) Từ thế kỷ XVII tới thế kỷ XIX, thế giới đúng là thay đổi chóng mặt nhờ các phát kiến khoa học kỹ thuật và sự hình thành của các thế giới quan mới (ví dụ: the ontological turn, the linguistic turn), tuy vậy nếu coi thay đổi là đặc tính riêng của xã hội hiện đại và đương đại thì …hơi lố. Bởi lẽ thứ nhất là thế giới vẫn luôn vận hành không ngừng và con người, như là một phần của thế giới, cũng không ngừng tham gia và kiến tạo thế giới ấy. Lẽ thứ hai là tương lai không bao giờ có thể tự nhiên ập tới, mặc dù có các biến số ngẫu nhiên nhưng trong tương lai luôn có một phần nối tiếp của quá khứ và tạo tác của con người ở hiện tại. Lẽ thứ ba là không phải sự thay đổi nào cũng là đáng kể. Có những sự thay đổi chỉ trên phần ngọn (ví dụ như thay đổi về kỹ năng, kỹ thuật, …), một số ít ỏi là ở phần gốc (ví dụ như thay đổi về bản thể học, tri thức luận, …). Cảm quan thay đổi, do đó, không nên là một nỗi sợ, một nỗi ám ảnh mà từ đó chi phối những cải cách nhanh chóng và hời hợt. Đương nhiên việc học để nắm được các thay đổi trên phần ngọn vẫn là thiết yếu, tuy vậy không nên học trong tâm thế sợ hãi bởi sợ hãi có thể khiến người học trở thành miếng mồi béo bở cho các khoá học không cần thiết.
(2) Mục tiêu cải cách giáo dục để đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, mặc dù nghe có vẻ tù mù, thực ra là hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế và cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia dân tộc. Về lý thuyết mà nói, càng đào tạo ra nhiều nhân lực chất lượng cao thì khả năng tạo ra giá trị cho một nền kinh tế càng lớn và do đó tính cạnh tranh của một quốc gia càng được cải thiện. Tuy vậy, sự vận hành trên thực tế cho thấy, bên cạnh việc lực lượng lao động tạo ra giá trị thặng dư, thì bản thân của họ và thời gian của họ cũng biến thành hàng hoá. Việc mở rộng độ tuổi đi học tới trọn đời trọn kiếp (do diễn ngôn lifelong learning) thay vì chỉ có 12 năm học phổ thông và bốn năm đại học đã mở ra một thị trường rộng mênh mông cho hoạt động kinh doanh giáo dục. Thêm vào đó, hình thức học trực tuyến hay các content có định hướng giáo dục cũng thôi thúc mọi người nghe thêm gì đó, nhìn thêm gì đó, tranh thủ học thêm gì đó trong thời gian rảnh rỗi. Vậy là dù không có chủ ý nhưng (thời gian của) mỗi người đều đang được tận dụng triệt để để kiếm tiền… cho người khác.
(3) Cải cách giáo dục vì mục tiêu phát triển kinh tế thực ra không hề xuất phát từ nội hàm ý nghĩa của giáo dục (là người lớn trao truyền di sản trí tuệ, văn hoá cho thế hệ trẻ), do đó dù có cải cách liên tục những giáo dục vẫn phải đối diện với tình trạng kết quả học yếu kém, bạo lực học đường (cả ở phía học sinh đối với thầy cô) và các hành vi gian dối. Cũng vì lẽ này mà có rất nhiều câu hỏi về việc đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam (và nhiều nước khác) đã được đặt ra, tuy vậy vẫn chưa có câu trả lời nào là thoả đáng [2]. Cải cách giáo dục do đó vẫn rơi vào quẩn quanh và bế tắc.
Kết lại
Cải cách giáo dục (theo hướng phát triển kinh tế) là một hiện tượng xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XX, có gốc gác từ cảm quan thay đổi vào giữa thế kỷ XIX. Cải cách giáo dục theo hướng này mặc dù có mang lại lợi ích kinh tế, tuy vậy nó lại bỏ qua vai trò căn cốt của giáo dục là nuôi dưỡng trí tuệ và đạo đức cho người học. Hơn nữa, nó cũng bỏ qua một điều rằng giáo dục là nơi tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, là nơi gặp gỡ giữa các thế hệ và cũng là nơi người lớn thể hiện sự quan tâm với con trẻ. Nếu người lớn không trao truyền lại quá khứ cho con trẻ mà phó mặc cho chúng và trải nghiệm cá nhân (hạn hẹp) của chúng thì liệu tương lai liệu có vững chãi hay không?
Tài liệu tham khảo
Bài viết lấy chất liệu từ Chương 1 “Throwaway Pedagogy” của cuốn “Wasted – Why education isn’t educating” (tr.21-42) của Frank Furedi. Câu hỏi “Tại sao người ta cứ cải cách giáo dục mãi vậy?” không phải là luận đề của chương sách, tuy vậy bài viết này có chia sẻ nhiều luận điểm với Chương 1 và được lập luận theo cách mình hiểu về nội dung Chương 1.
[1] Nguyễn Đình Đăng (2018, 2023). Kỹ thuật vẽ sơn dầu. Nhà Xuất bản Đông A, trang 36. [2] https://tuoitre.vn/triet-ly-giao-duc-cua-vn-la-gi-20190108084116038.htm