Written by Nghĩ về giáo dục

Vì đâu mà giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường?

ĐẶT VẤN ĐỀ

Như các bạn có thể quan sát, bên cạnh việc luyện Toán – Văn – Anh để phục vụ cho việc thi cử thì ở Việt Nam cũng đang dần phổ biến các khoá học về cảm xúc và hành vi. Trẻ em được dạy để ý thức hơn về cảm xúc của mình và kiểm soát chúng. Nghịch lý là, các vụ bạo lực học đường trong đó giáo viên là nạn nhân cũng ngày càng gia tăng [1]. Vậy đâu là lý do?

VÌ ĐÂU MÀ GIÁO DỤC CẢM XÚC & HÀNH VI LÊN NGÔI?

Như đã đề cập trong hai bài viết “Tại sao người ta cứ cải cách giáo dục mãi vậy” [2] và “Giáo dục là gì và ý nghĩa” [3], nội dung giáo dục trong nhà trường đang dịch chuyển từ quá khứ sang tương lai nhằm đáp ứng với sự biến đổi (được cho là) nhanh chóng của xã hội. Thay vì truyền thừa cho thế hệ trẻ những tri thức dân gian (folk knowledge) và tri thức hàn lâm đã tích luỹ từ nhiều thế kỷ, giáo dục trong ba thập kỷ vừa qua tập trung vào việc truyền tải các tri thức ‘mới’ đến từ nghiên cứu khoa học, mà cụ thể là các tri thức đến từ ngành Tâm lý học Phát triển (TLHPT), nhằm cải thiện khả năng ứng phó ở trẻ trước các biến đổi xã hội.

Nở rộ từ những năm 1950 tới giờ, ngành TLHPT đã tạo ra rất nhiều tri thức mới về sự phát triển thể chất, cảm xúc cũng như não bộ ở trẻ, từ đó đưa ra những tham vấn trong giáo dục nhằm tối ưu hoá năng lực phát triển của học sinh [4]. Chính tại thời khắc này, mục tiêu của giáo dục đã dịch chuyển từ ‘truyền thừa các tri thức dân gian, giá trị văn hoá và tư tưởng’ thành ‘tối ưu hoá sự phát triển thể chất, cảm xúc, thần kinh ở trẻ’ [4].

Hai mục tiêu này khác nhau như thế nào? Nếu như mục tiêu thứ nhất có xuất phát điểm từ khung đạo đức-hiện sinh (ethical-existential), thì mục tiêu thứ hai có tính chất khoa học-công cụ (scientific-instrumental) [4]. Nếu như mục tiêu thứ nhất nhìn con trẻ như một thành viên trong một mạng lưới văn hoá-xã hội, góp phần duy trì sự sinh tồn của cộng đồng đó; thì mục tiêu thứ hai đối xử với con trẻ như một cá thể riêng biệt, mọi nguồn lực cần được huy động vì lợi ích của bản thân đứa trẻ đó (xem [5], tr. 102).

Theo Frank Furedi, giáo dục theo hoạch định của TLHPT có hai nội dung chính: Huấn luyện cảm xúc (emotional training) và quản lý hành vi (behavioral management). Lý do cho việc huấn luyện cảm xúc đến từ lập luận rằng những đứa trẻ không hạnh phúc khi còn nhỏ sẽ trở thành những người lớn không hạnh phúc ([5], tr. 95). Trong khi đó, trở thành một người lớn không hạnh phúc được xem là nguy cơ của những bất ổn, bạo loạn trong xã hội.

Đối với quản lý hành vi, nội dung này được chấp thuận đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường học vì hai trong nhiều lý do như sau: Thứ nhất, tính tình ‘dở dở ương ương’ của con trẻ luôn làm các bậc phụ huynh đau đầu; nếu giờ có thêm trường học và các chuyên gia tâm lý hành vi hỗ trợ thì các phụ huynh lấy làm hết sức hoan hỉ. Thứ hai, phát triển hành vi ở trẻ là một vấn đề đủ nan giải để các chuyên gia có đất dụng võ. Lẽ dĩ nhiên, họ sử dụng thời cơ này để củng cố vị thế của mình thông qua việc gia tăng các công trình nghiên cứu và phổ biến các kết quả nghiên cứu ([5], tr. 100)

Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục cảm xúc và hành vi trở thành xương sống của giáo dục hiện đại ở châu Âu (và lan dần sang châu Á). Tính ‘đúng đắn khách quan’ đến từ nghiên cứu khoa học (NCKH) như một ‘làn gió mới’ mang đến cho người làm chính sách một cảm giác đảm bảo và thành tựu. Đứng trước hàng loạt các bất ổn xã hội, chiến tranh và suy thoái kinh tế, người ta cảm thấy tuyệt vọng vào cấu trúc xã hội hiện hành và mong muốn cải tổ nó. Niềm hi vọng đặt ở không ai khác ngoài thế hệ trẻ. Phải giáo dục làm sao để chúng không kế thừa những ‘thất bại’ của thế hệ trước mà đại diện là ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, việc hiện thực hoá các ‘mốc trưởng thành khách quan’ mà TLHPT đặt ra ở trẻ em cũng tạo ra một cảm giác yên tâm ở những người thực hiện. Với tâm lý rằng ‘nếu làm đúng quy trình thì sẽ không có sai sót’, các chuyên gia, thầy cô và sau này là cả bố mẹ đều hưởng ứng theo phương pháp của TLHPT thay vì phản biện lại và chuốc lấy cảm giác hoang mang. Một điểm đáng lưu tâm nữa là các kết quả NCKH lại được thương mại hoá một cách nhanh chóng và trở thành cần câu cơm cho các dịch vụ, sản phẩm giúp phát triển năng lực cảm xúc, hành vi của trẻ, vậy nên TLHPT lại càng được ưu ái và phổ biến rộng rãi.

VÌ ĐÂU MÀ GIÁO VIÊN LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG?

Khi những tri thức mới của TLHPT lên ngôi thì cũng là lúc những tri thức dân gian bị coi khinh. Chúng không những bị xem là tụt hậu mà còn bị xem là có hại và chứa đựng nguy cơ kéo lùi sự phát triển của trẻ ([5], tr. 95). Đứng trước mối nguy hại này, các chuyên gia ra sức củng cố niềm tin rằng trường học là nơi chốn cuối cùng có thể cứu rỗi được trẻ và cần phải làm mọi cách để chúng không bị ảnh hưởng bởi sự ‘lỗi thời’ của ông bà cha mẹ. Đứa trẻ được đặt vào trung tâm của bức tranh, là nguồn lực của tiến bộ xã hội, và là hiện diện của cái mới như một chân lý. Vì lẽ đó, đứa trẻ có nhiều thẩm quyền hơn trong việc đưa ra quyết định với các vấn đề xã hội. Chúng cũng có thẩm quyền giáo dục ngược lại người lớn ở các khía cạnh như bảo vệ môi trường hay dinh dưỡng ([5], tr. 106-107). Quan trọng hơn cả, con trẻ có thẩm quyền ngang hàng và thậm chí còn mạnh hơn người lớn. Sức nặng của tổ tiên và di sản không làm chúng cảm thấy kính nể. Coi trọng bản thân và thể hiện bản ngã lúc này là ưu tiên hàng đầu, vì như thế mới là phù hợp với tinh thần tiến bộ và không ngừng phát triển.

Xã hội hoạch định bởi TLHPT đã gây ra một cảm thức rộng rãi ở trẻ em về bản ngã lớn lao đi kèm với thái độ khinh khi người lớn. Theo tôi, đây là nguyên nhân đáng kể khiến gây ra các hành vi chống đối học tập cũng như bạo lực giáo viên xảy ra ở Việt Nam, bên cạnh những lý do như ‘làm gương chưa tốt’ hay ‘bạo lực gia đình’ như Báo Tin Tức bình luận [1].

KẾT LUẬN

Mặc dù giáo dục cảm xúc/hành vi và hiện trạng bạo lực học đường với giáo viên thoạt đầu nghe có vẻ chẳng mấy liên quan, hoặc nếu có liên quan thì là liên quan theo hướng tích cực: Nếu học trò điều tiết được cảm xúc của mình thì sẽ không xúc phạm và tấn công giáo viên? Tuy vậy, thực tế là hai hiện tượng trên lại là hai mặt của một đồng xu. Khi thẩm quyền của giáo viên dựa trên tích luỹ kinh nghiệm sống của họ không còn được xã hội xem trọng thì cũng là lúc trẻ em được trao quyền tin tưởng bản thân và tin vào cái tôi duy nhất đúng đắn. Hệ quả là, cả hai bên đều mất phương hướng và căng thẳng với nhau; trong khi đó, mục tiêu chính của giáo dục là truyền thừa và tiếp thu các tri thức dân gian, giá trị văn hoá và tư tưởng thì bị ngó lơ và cho ra rìa.

Tài liệu tham khảo

[1] https://baotintuc.vn/xa-hoi/giao-vien-la-nan-nhan-cua-bao-luc-hoc-duong-dao-duc-cua-hoc-sinh-dang-suy-doi-20231209085857899.htm
[2] https://donhuquenh.com/tai-sao-nguoi-ta-cu-cai-cach-giao-duc-mai-vay/
[3] https://donhuquenh.com/giao-duc-la-gi-va-y-nghia/
[4] Ramaekers, S., & Suissa, J. (2012). What all parents need to know? Exploring the hidden normativity of the language of developmental psychology in parenting. Journal of Philosophy of Education, 46(3), 352-369.
[5] Furedi, F. (2009). Wasted: Why education isn’t educating. Continuum. (Chapter 4)

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]