Written by Nghĩ về giáo dục

Nhận lấy trách nhiệm người thầy [Phần 5]

Sự kết nối

Tôi được đào tạo để dạy thực hành tiếng Anh, tức là bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Khi mới chập chững vào nghề, tôi đã đọc đủ thứ báo về các kỹ thuật dạy trên trời dưới bể để giúp cho việc dạy học trở nên hiệu quả hơn. Ấy vậy mà tôi vẫn cảm thấy có gì đó không đủ và không ổn. Tôi quan sát thì thấy là ai học thì cứ học, mà ai không học thì có làm kỹ thuật nào đi chăng nữa cũng không xi nhê gì. Lòng tôi rối như tơ vò.

Giữa lúc ấy, tôi được nghe bài thuyết trình của cô tôi về “phát triển bền vững” và “nâng cao khả năng giải quyết vấn đề thông qua giáo dục”, tôi như bừng tỉnh. Bài phát biểu đề cập đến một hành trình lịch sử rất dài của diễn ngôn “giáo dục như một giải pháp cho xã hội”, tuy vậy tôi sẽ chỉ nhắc đến một câu nói mà tôi khắc cốt ghi tâm “Mục tiêu của giáo dục bền vững không phải là năng lực mà là tính kết nối giữa con người với con người.”

Vâng, ấy là tính kết nối giữa con người với con người.

Cùng thời điểm đó, tôi đang nhận dạy một lớp các bạn lớp 7 học lực rất yếu. Nếu đúng ra thì tôi đã phải ép các con học lên học xuống để sao cho bắt kịp với chương trình học nhưng tôi đã không làm thế. Tôi nghe lời cô tôi. Tôi vẫn giao bài tập về nhà cho các con nhưng trong thâm tâm tôi không kỳ vọng các con sẽ phải làm hết. Dù tụi nó có lười đến đâu và học chậm thế nào tôi cũng không thấy đó là áp lực của mình. Thay vào đó, tôi tạo dựng một sự kết nối với từng đứa, tôi làm cho chúng hiểu rằng nhận thực chậm chẳng có gì là tội lỗi cả. Ngay cả “học dốt” cũng không đúng để mô tả các con đâu. Tôi không ép chúng phải đi nhanh.

Hết một học kỳ, có đứa khoe tôi là cô ơi điểm con tăng nhiều so với đầu kỳ đấy! Con thấy học với cô không áp lực tí nào nên con lại đâm ra chăm học, con học ít ít thôi nhưng đều đặn. Tôi sướng rơn trong lòng. Tôi vẫn duy trì lối dạy như thế trong hai năm tiếp theo, cho tới khi tôi phải đưa ra quyết định nghỉ dạy tụi nó vì lý do cá nhân. Lòng tôi lo lắng không yên bởi tôi không biết người phụ trách lớp thay tôi có còn bận tâm đến chuyện kết nối nữa hay không hay chỉ ép chúng học cho nhanh nhanh tiến bộ. Một tháng sau thì lớp đó tan rã, tụi nó nhắn tôi là cô ơi con không học được với giáo viên mới. Tôi biết chuyện gì đã xảy ra…

Bẵng đi một thời gian, hôm kia vừa có đứa nhắn tôi là đã đỗ Chuyên ngữ và quan trọng hơn là “con chờ cô về cô nhé!”. Dễ thương quá đi mất! Phải rồi, giáo dục bền vững chính là sự kết nối đó đó. Nếu không có kết nối thì mọi sự dạy và học trên lớp có chăng chỉ là một màn kịch diễn đi diễn lại? Vả lại, sự tồn tại của kết nối giúp ta biết ơn rằng ta vẫn là gì đó trong trái tim họ và làm trái đất này bớt đi nhiều bạo lực (- hệ quả của gia tăng bất bình đẳng dựa trên cơ chế phát triển năng lực), nhỉ?

Quềnh

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]