Written by Nghĩ về giáo dục

Nhận lấy trách nhiệm người thầy [Phần 2]

Với tôi thì attention (sự chú tâm) và care (sự quan tâm) là hai từ song hành với nhau và là điểm khởi đầu để tạo dựng một mối quan hệ thầy-trò thực thụ. Attention là sự chú tâm, muốn chú tâm được thì phải make effort to attend (nỗ lực để chú tâm), và đang chú tâm thì nghĩa là đang dành sự quan tâm cho người đối diện rồi, chứ không thể nào có chuyện nói là mình quan tâm đến người khác nhưng lại không present (có mặt) và không make effort (nỗ lực) để lắng nghe họ cả.

Thực ra thì chuyện duy trì attention là một chuyện vừa dễ lại vừa khó. Bởi nếu chú tâm được thì mình biết ngay là người đối diện đang ở trong trạng thái như thế nào, họ đang cần gì và mong muốn được quan tâm ở phương diện nào. Nhưng attention cũng lại là một thứ rất khó, bởi tâm trí của con người luôn có thể đang rong chơi ở đâu đó, đang bận suy nghĩ về một chuyện gì đó tiếp theo chứ không hề tập trung vào giây phút hiện tại, mà khi không tập trung vào giây phút hiện tại thì có nghĩa là đang bỏ lỡ sự tiếp xúc thân mật với đối phương.

Tôi may mắn có được sự chú tâm của cô tôi. Cô tôi biết là tiếng Anh của tôi rất củ chuối, thi thoảng cô cũng nói với tôi cái sự thật là tiếng Anh viết của tôi thì tệ kinh lên được. Tôi cũng buồn, nhưng cũng chỉ biết cố gắng thôi chứ không biết được là phương thuốc nào chữa trị nổi không. Một ngày cô nhắn tin cho tôi, nói tôi đi học cái lớp tiếng Anh viết này đi bởi cô nghĩ nó sẽ có ích cho tôi. Tôi hơi chần chừ, không phải là vì tôi không muốn học mà bởi tôi …hết tiền. Vậy là cô nhắn tôi: “Em cần bao nhiêu? Mình sẽ rút tiền tiết kiệm ra cho em vay!” Tôi ôm cái màn hình laptop rơm rớm nước mắt, tôi biết cô tôi chẳng dư dả gì, ấy vậy mà sẵn sàng rút tiền tiết kiệm ra cho tôi vay, như vậy đủ biết là cô quan tâm tôi tới mức nào. Cái hành động đẹp đẽ ấy làm rung động trái tim tôi và trở đi trở lại như một lời an ủi ấm áp nhất trong những tháng ngày tôi vò đầu bứt tai với câu hỏi rằng tôi đang làm cái quái quỷ gì với công việc giáo viên thế này.

Tôi cũng may mắn có được sự chú tâm trọn vẹn của một vài bạn học trò cũ (trong hàng trăm bạn mà tôi có cơ hội tiếp xúc), các bạn ấy thi thoảng gửi tôi những lá thư và có nhắc lại một vài câu nói của tôi khi ở trên lớp học. Phải nói thực là tôi cảm thấy rất bất ngờ và hạnh phúc, vì tôi không nghĩ rằng các bạn ấy quan tâm đến bài học và những lời tôi nói tới mức mà ghi nhớ và thực hành chúng trong một khoảng thời gian dài như vậy.

Tôi nghĩ rằng một người thầy thực thụ không bao giờ cần viện tới learner autonomy (sự chủ động của người học) – một diễn ngôn cực kỳ hot trong lĩnh vực nghiên cứu việc dạy và học ngoại ngữ. Một khi bản thân người thầy toả ra attention thì học trò sẽ tự thế mà cảm thấy được tôn trọng và muốn tham gia vào sự học. (Hic, nói vậy nhưng cũng có nhiều kỷ niệm buồn với attention, là những lần tôi nỗ lực hết sức để attend trong khi những người ngồi trước mắt tôi trì trệ tới mức không có một tia sáng nào trong đôi mắt họ.) Đây mới là attention với học trò, attention to subject matters là cái còn quan trọng hơn. Tôi sẽ viết trong bài kế tiếp.

Quềnh

Tài liệu tham khảo: Masschelein, J. & Simons, M. (2013). In defence of the school. A public issue. E-ducation, culture & society publishers.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]