Written by Nghĩ về giáo dục

Nghề giáo từ đâu, vì đâu, làm gì?

Cho tới cuối thế kỷ 16, ‘giáo viên’ chưa phải là một ‘nghề’ (profession) mà được xem là một ‘việc thủ công’ (craft). Công việc này do vậy chỉ diện ra ở quy mô nhỏ, giống với các lớp gia sư bây giờ, và người giáo viên cũng không cần phải trải qua trường lớp.

Mãi đến khi tri thức khoa học khẳng định được vị thế của nó vào đầu thế kỷ 17 (do phong trào Khai Sáng nở rộ ở châu Âu) thì bước chuyển biến từ craft sang profession mới diễn ra rộng khắp ở các lĩnh vực (y học, luật, giáo dục, …). Từ đó trở đi, bất cứ ai muốn hành nghề đều phải trải qua quá trình đào tạo bài bản ở các trường cao đẳng, đại học. 

Trường Sư phạm đầu tiên được thành lập trên thế giới là trường Ecole Normale ở Pháp vào năm 1685. Giáo sinh theo học trường Ecole Normale sẽ học trong 2 năm và khi tốt nghiệp thì có đủ năng lực dạy cho học sinh tiểu học. Dần dần theo thời gian, hệ thống trường Ecole Normale nâng cao và kéo dài thêm để có thể đào tạo giáo viên cho các cấp học lớn hơn. 

Ở một mặt, nghề giáo tham gia vào quá trình phổ biến tri thức khoa học đến với xã hội và do đó có những giá trị riêng của nó. Tuy vậy, ở một mặc khác, nghề giáo cũng là nghề hỗ trợ đắc lực nhất cho quá trình xã hội hoá (socialization), tức là làm sao đào tạo được một đứa trẻ trở thành một công dân mong muốn của một xã hội/nhà nước/quốc gia dân tộc. 

Cái mong muốn đó, chúng ta không biết là nó “đúng” hay “sai”, vì vậy nghề giáo đòi hỏi rất nhiều sự cẩn trọng. Người thầy sẽ cẩn trọng để nhận diện xem tri thức mình truyền đạt đến từ đâu, tri thức đó nếu được phổ biến thì có lợi cho nhóm người nào, có hại cho nhóm người nào. Người thầy sẽ suy xét xem mình có phải là một mắt xích trong chuỗi tái tạo những bạo lực hay không.

Để có nghề giáo viên quả thực không khó, chỉ cần tốt nghiệp trường sư phạm là thành giáo viên, mà thậm chí không cần tốt nghiệp trường sư phạm cũng thành giáo viên nếu một người sống ở thời đại tân tự do (neoliberal time). Tuy vậy, để trở thành một người thầy thì cực kỳ khó, bởi: 

“The crucial thing, though, is not why we become teachers in the first place, but what kind of teachers we become.” (Fendler, 2011, p. 469)

“Điều quan trọng không phải là tại sao chúng ta trở thành giáo viên, mà là chúng ta sẽ trở thành những giáo viên như thế nào.”

Tới đây, tôi muốn gửi lời chúc đến những người giáo viên, chúc bạn chân cứng đá mềm trên chặng đường trở thành người thầy. Và tôi cũng muốn gửi những lời tri ân sâu sắc nhất đến với những người thầy trong cuộc đời tôi mà trong đó có Mẹ tôi, có Anh bạn trai cũ, có người Cô trí tuệ vô song, có người Cô tỉ mỉ, có người Thầy đứt gãy, có người Thầy thiên thần 1m9 chu đáo, và có người Thầy vĩ đại nhất của tôi: Bụt. 

Quềnh.

———————

Tài liệu tham khảo

Fendler, L. (2011). Edwin & Phylis. Stud Philos Educ 30, 463-469.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]