Written by Nghĩ về giáo dục

Thái độ phản biện: Liều thuốc giải tê

Như đã thảo luận trong bài viết ‘Học tập suốt đời’ như một cú gây tê [1], khi một người có thôi thúc để học một kĩ năng gì mới vì lo sợ mình tụt hậu trong guồng guay thần tốc của xã hội thì ấy là lúc họ rơi vào trạng thái gây tê và hoàn toàn không ý thức được bàn tay tư bản vô hình thao túng đời sống của họ. Một khi đã bị gây tê, mà đặc biệt là khi dính phải những thuốc gây tê mang lại khoái lạc như “học tập suốt đời”, “tự chủ tài chính và nghỉ hưu sớm”, “khởi nghiệp” hay “mukbang”, thì thực sự rất khó mà thoát ra được. Tuy vậy, có một liều thuốc giải tê mà tôi thấy hiệu nghiệm với chính mình và sẽ trình bày sau đây, ấy là: Thái độ phản biện (Critical attitude).

Chắc hẳn bạn đọc đã đâu đó nghe qua về “tư duy phản biện” (critical thinking), nhưng tôi chủ ý không dùng thuật ngữ này bởi, theo tôi, “tư duy” chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể thái độ sống có tính phản biện. Hơn nữa, “tư duy” cũng hàm ẩn một thế giới quan mà ở đó hoạt động của não bộ được xem là quan trọng nhất. Trong khi đó, não bộ không phải là một sức mạnh toàn năng để mô tả “đúng” nhất về thế giới, như thế thì có đáng tin cậy hay không? 

Thái độ phản biện, theo Ball [2] , là cách thức để

“defamiliarize the present practices and categories, to make them less self-evident and necessary, and to open up spaces for intervention of new forms of experience” (p. 266)

có nghĩa là tách mình ra khỏi lối sống mà mình cho đó là lẽ phải, quan sát nó và nhận biết toàn bộ các đặc điểm của lối sống ấy. (Ví thử như một con cá mãi bơi trong nước mà tự nhiên một ngày nó nhận diện được nước. Nếu nó trôi dạt lên bờ thì dễ mà thấy được nước rồi, nhưng cái khó hơn là làm thế nào để sống trong nước và biết mình ở trong nước.) Mục tiêu của thái độ phản biện, do đó, không phải là để chứng minh tôi đúng bạn sai mà để xem có khả thể nào về một lối sống khác không, từ đó mở rộng được trái tim và bao dung hơn với các lối sống không quen thuộc.

Để có thể xây dựng một lối sống phản biện, tôi nghĩ cần đến 3 yếu tố: (1) bỏ đi cách hiểu hẹp về phản biện là để tìm ra người đúng kẻ sai, (2) mở rộng hiểu biết của mình về các thế giới quan khác nhau, (3) tập cho mình thói quen truy vết lịch sử.

  • Bỏ đi ý định phân biệt đúng/sai

Trước khi viết bài này, tôi đi dạo quanh một vòng cõi youtube để xem mọi người định nghĩa phản biện là gì. Có không ít video nói về phản biện theo cách: một người phải tìm ra/xây dựng các lập luận chặt chẽ nhằm thuyết phục đối phương rằng luận điểm của mình là đúng, và đối phương nên tin vào điều đó. Một ví dụ hết sức gần gũi đó là dạng đề thi viết IELTS Task 2, khi thí sinh được giao cho một chủ đề có tính tranh cãi và phải trình bày quan điểm của mình sao cho thuyết phục. Nếu hiểu phản biện theo cách này tôi nghĩ cũng được, nhưng nó không chạm được đến mục tiêu tối thượng nhất của giáo dục là để diệt ngã và để cùng nhau chung sống trên trái đất này (Đọc thêm bài viết Liệu việc học có luôn tốt [3]). Thử hỏi nếu ai cũng muốn chứng minh là mình đúng thì rốt cuộc ai sẽ nghe ai, và làm sao có thể tránh được những cuộc cãi vã, xô xát.

  • Mở rộng hiểu biết của mình về các thế giới quan khác nhau
*thế giới quan ở đây được hiểu là lối sống (way of living) hoặc được hiểu là các hệ hình (paradigm)

Khi tôi còn học đại học, tôi cũng hay được các thầy cô khuyến khích đặt câu hỏi. Chẳng phải “tư duy phản biện” là nên đặt ra câu hỏi đó sao? Nhưng mỗi khi thầy cô hỏi có ai muốn hỏi gì không nhỉ, thì tôi lại cảm thấy vô cùng bối rối vì không biết mình phải hỏi gì đây. Cho tới 2 năm gần đây, khi đọc nhiều hơn về triết học, tôi mới hiểu tại sao hồi đó tôi thường cứng họng như vậy, bởi tôi và những thầy cô của tôi đều có cùng một lối sống mà, lấy gì tham chiếu để mà đặt được những câu hỏi xác đáng!

Triết học có vẻ như là một từ rất xa lạ, rất đáng sợ, nhưng thực ra rất là gần gũi bởi nó được thể hiện trong từng hành vi hằng ngày của mỗi người, là học về các lối sống, các cách nghĩ. Học triết thì sẽ thấy được mỗi người đang sử dụng lăng kính nào để nhìn cuộc đời. Để cho dễ liên tưởng, bạn nào học tiếng Anh thì có thể dựa vào hậu tố “ism” để nhận diện các lăng kính: positivism, Kantianism, Catholicism, post-structuralism, individualism, Maxism, capitalism, neo-liberalism …. Phần lớn là hoàn cảnh sống của một người sẽ quyết định người đó đeo loại kính nào, tuy nhiên cũng có những người được tiếp cận với các loại kính khác nhau và có quyền lựa chọn kính cho họ.

Nhận diện được các lăng kính này thì rất là thú vị. Ví dụ, một người đeo kính individualism (chủ nghĩa cá nhân) thì sẽ không thể nào tưởng tượng nổi một lối sống mà ở đó con người cần phải quan tâm lẫn nhau. Sự hỏi han là có đó, nhưng đa phần là phép lịch sự, và họ cũng không có nhu cầu xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, bền chặt. Hay khi một người đeo kính positivism (chủ nghĩa thực chứng) thì sẽ luôn tin vào các sự thật có thể kiểm chứng, và do đó không thể tưởng tượng được rằng đời sống tâm linh hay cảm xúc là có thực.

Thái độ phản biện là khả năng nhận diện bản thân mình trong những lăng kính này. Biết đích xác các đặc điểm của từng lăng kính, từ đó quy chiếu tới các hành vi, suy nghĩ, cảm nhận, trong đời sống hằng ngày của mình. Tương tự, nhận diện lăng kính của người khác, và từ đó hiểu cho các hành vi trên bề mặt của họ. Một khi đã hiểu là đã thương, như thế thì mục tiêu chung sống với nhau đã đạt được.

  • Tập cho mình thói quen truy vết hoàn cảnh lịch sử

Nếu để tâm suy xét, hành vi, tính cách của một người đều có thể được giải thích bằng hoàn cảnh người đó sinh ra và lớn lên, những người, môi trường mới mà họ có cơ hội tiếp xúc. Vậy nên, một người muốn trau dồi thái độ phản biện thì nên dành thời gian tìm hiểu lịch sử của đối phương, để hiểu tại sao họ lại cư xử như thế trong tình huống cụ thể nào đó. Có như thế thì mới giảm dần được những phán xét và dịu dàng hơn với mọi người xung quanh.

Kết lại: Để xây dựng được thái độ phản biện thì cần rất nhiều thời gian, công sức, thế nên là không nên vội, cũng không nên đổ lỗi cho bản thân là hiểu chậm, học chậm. Vả lại, đôi khi có những hoàn cảnh hết sức cụ thể xô đẩy thì mới có nhu cầu xây dựng thái độ phản biện, vì với riêng mình, ấy là một công cụ giúp mình gỡ được những mớ bòng bong siêu to khổng lồ.

Quềnh

————————-

Đọc thêm tại:

[1] https://donhuquenh.com/hoc-tap-suot-doi-nhu-mot-cu-gay-te/

[2] Ball, S. J. (1995). Intellectuals or technicians? The urgent role of theory in educational studies. British Journal of Educational Studies43(3), 255-271. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/00071005.1995.9974036

[3] https://donhuquenh.com/lieu-viec-hoc-co-luon-tot/

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]