Written by Tương giao với đời

Sao con người lại sợ chết đến thế?

7h tối, bác chạy hồng hộc lên hỏi cháu Quỳnh xem cháu đã biết vụ nhiễm covid mới nhất ở HN chưa. Bác bảo là bác lo lắm, chẳng biết dịch bệnh có ghé thăm nhà bác không, liệu bác có mệnh hệ gì không. Mẹ cũng cứ gọi điện tới tấp cho mình, bảo rằng về nhà đi, có biết là thế giới đang chết dần chết mòn rồi không? Mẹ còn bảo là: “Chí ít thì được chết bên cạnh gia đình cũng là một nỗi an ủi lớn.”

!!!

Mình không hiểu sao con người nói chung lại sợ cái chết đến vậy. Nếu biết được rằng giây phút được sinh ra cũng là giây phút cái chết bắt đầu (chứ không phải theo lối sống tới 40 tuổi rồi mới sang dốc núi bên kia như mọi người vẫn thường nghĩ) thì liệu mọi người có bình thản hơn với cái chết không? Vì vốn dĩ sống-chết đã luôn cận kề, một giây đang sống cũng là một giây đang chết rồi mà.

Thực ra cái lòng ham sống cũng không phải không có lý do, người ta còn phải sống để “cống hiến” cho xã hội chứ: đã làm được gì đâu, đã lên được vị trí này nọ đâu, đã giúp được ai đâu, mới mua được một căn nhà mà, đã mua được căn thứ hai đâu, con mình còn chưa lấy vợ mà, đã lo được chuyện trăm năm cho nó đâu, đã báo hiếu được bố mẹ gì đâu,… Tựu chung là còn nhiều việc dang dở lắm. Nếu suy xét về con người theo lối “đóng góp” cho xã hội như thế thì quả thực cái chết là chấm hết chứ còn gì nữa. Nhưng chờ chút, thử suy nghĩ lại xem ta có đang nhầm tưởng hay không. 

Ta đóng góp được gì? Khi mà những thứ con người – như một giống loài bình đẳng với loài chó và loài mèo – cần “chỉ” là những nhu yếu về đồ ăn, nước uống và một giấc ngủ an toàn.

Những tiến bộ về kĩ thuật? – Ừ đúng, cuộc sống con người có vẻ tiện nghi hơn, nhưng những tiện nghi đó lại đang hút kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến trái đất thành một bãi hoang tàn khô khốc.

Những giao dịch về kinh tế mang lại số tiền khổng lồ? – Ừ đúng, có lợi cho nền kinh tế, nhưng những giao dịch tiền điện tử, những lô hàng sản xuất thừa bứa, mấy chục công đoạn vận chuyển cũng chẳng phải đang tạo ra vô khối rác thải và CO2 hay sao? Cả bộ máy vận hành mang tên kinh tế chẳng khác nào là một siêu trò chơi, tạo ra một cuộc truy đuổi mà mỗi người phải cầm lấy cái bàn phím cuộc đời ngay cả trước khi có nhận thức đầy đủ về thế giới. 

Những bài báo khoa học? – Cái này thì đúng là một khối tri thức khổng lồ truyền từ đời này sang đời khác, mình chưa phủ nhận dược, duy có điều là những tri thức vĩ đại đến từ những trí thức vĩ đại – nhóm này cực cực ít so với tổng dân số. 

Ấy là chuyện những người có khả năng “đóng góp” “cao” cho xã hội mà cũng chẳng biết được là họ có đang làm chuyện phù phiếm hay không, còn những người chẳng “đóng góp” gì, giả dụ rằng dịch bệnh không ghé thăm, thì họ cũng sẽ dành nốt phần đời còn lại để ôm ấp những chiếc TV, những bộ phim truyền hình dài tập ngốn nước mắt, hay những buổi tập dưỡng sinh với hội người cao tuổi,…và chờ chết. 

Nói như thế không có nghĩa là mình coi thường sự sống. Mình trân trọng nó chết đi được ấy! Mình chỉ băn khoăn là mình có thực sự đang SỐNG không, hay chỉ đang ảo tưởng rằng việc lớn khôn, có việc làm, hay kiếm tiền đang là SỐNG.

Nếu SỐNG mà không thực sự sống một phút giây nào, không tỉnh thức, cũng không tu thân, thì việc chết trong một hình-hài có thực và chết trong phi-hình-hài thì có khác gì nhau?

Hôm trước mình nói với thầy là “Không làm gì có lẽ là việc làm tốt nhất”, thầy ngơ ra không hiểu, cho rằng mình nói linh tinh, nhưng mà nếu không có ai đó đổ một đống bê tông cốt thép lên mặt đất thì có phải cây cối đã tự chúng xanh tươi rồi đấy thôi…

Mình.
Q.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]