Written by Tương giao với đời

Quét nhà không nước mắt và những niềm thương

Trong tất cả các thể loại việc nhà, mình ghét nhất là quét nhà. Lau nhà thì mình có thể vui vẻ làm ngay, nhưng cứ nghĩ đến việc quét nhà là phụng phịu muốn trì hoãn tới muôn đời muôn kiếp. Thế nên là, mình đã từng sống khá luộm thuộm. Giờ thì tiến bộ nhiều rồi, quét nhà lau nhà đã trở thành niềm vui mỗi tuần. Cọ nhà tắm và toilet cũng mang lại nhiều sự thư giãn. Niềm hạnh phúc có được trong khi quét nhà không kém gì niềm hạnh phúc khi ngồi đọc một cuốn sách, hay ngồi viết lách. 

Tất cả là nhờ thiền. 

Trong tưởng tượng của một số người, thiền chắc hẳn là một cái gì đó rất cao siêu và xa lạ với đời sống “trần tục”. (Mình để từ “trần tục” trong ngoặc kép để phân biệt cái trần tục và không trần tục trong trí tưởng tượng của một số người. Thực tế là đâu có sự phân biệt giữa cái trần tục và không trần tục đâu, tất cả đều là cuộc sống mà.) Có thể họ nghĩ đúng, nhưng mình không chia sẻ quan điểm này với họ. 

Thiền, với mình, là một thực hành hết sức gần gũi. Nó không là gì khác ngoài việc quán sát thân thể và cảm xúc, và chú tâm trong từng hành động. Để quán sát được thân thể và cảm xúc, ta cần một trạng thái tĩnh lặng nhất định, khi ngừng tất cả các việc bên ngoài thì ta mới thực sự có không gian đối diện với chính bản thân mình, ấy là một lý do mà việc thực tập ngồi thiền ra đời. Ngồi là trạng thái vững chắc nhất để thực hành thiền. Nhưng không phải chỉ có ngồi thì mới thiền được, khi mình ăn, khi mình ngủ, khi mình ị, mình đều có thể thực tập thiền. Khi ăn thì không dùng điện thoại, không nghe nhạc, nếu tốt hơn thì nên ăn một mình, cảm nhận mùi vị của thức ăn và nhai chầm chậm, từ tốn, cơ thể phát ra tín hiệu no là mình biết dừng lại. Nếu mình dùng điện thoại hay nói chuyện với bạn trong lúc ăn thì mình sẽ mất đi sự tỉnh táo với thân thể. Tương tự như thế, khi cơ thể này buồn ngủ, mình nên cho nó được nghỉ ngơi, chứ không bắt nó phải thức; hay khi đi ị, tuyệt đối là không mang sách báo hay điện thoại, hãy chú tâm vào việc ị. Như thế thì sẽ có rất nhiều hạnh phúc. 

Mình học được từ thiền lối sống sạch. Khi quét nhà thì lấy đó làm cơ hội thực tập, quét từng chút một và thật để tâm vào cán chổi. Khi lau nhà thì chú ý xem dẻ lau đã được sạch sẽ chưa, lau được mấy viên gạch thì giặt khăn một lần. Mình thích dùng khăn lau nhà hơn dùng chổi, việc chạm vào sàn nhà tạo cho mình cảm giác mình đang lau mặt cho chính mình. Chỗ này là quả trán sân bay nè, chỗ kia là mũi nè, chỗ kìa là má nè, cứ như thế mình như một con ốc sên rờ rờ chơi đùa với từng viên gạch. Mình đã chậm như rùa, nay lại càng chậm 😀 Sạch sẽ là một kết quả vui vẻ tất yếu, nhưng niềm vui đã có từ trước đó lâu rồi. 

Thực hành thiền như vậy, mình cũng xây dựng được rất nhiều niềm thương với những vật dụng hằng ngày. Cái gối này đây, nếu không được vuốt phẳng phiu và ngay ngắn chắc là nó sẽ không hạnh phúc. Cái chăn này đây, nếu không được gập vuông rìa sát cạnh thì chắc sẽ buồn nhiều. Cả con gấu bông này nữa, nên được đặt ở đây hay ở kia thì nó sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn? 

Nói đến niềm thương, mình nhớ tới những người mẹ – những người có nhiều từ bi nhất cho những đứa con. Bởi vì đã cùng đập một nhịp đập với đứa bé trong 9 tháng ròng rã, bởi đã đứt ruột đứt gan để sinh ra em bé, họ là những người cảm nhận sâu sắc nhất sự gắn kết và hoà trộn giữa cuộc đời họ và cuộc đời đứa nhỏ. Mình đã không hiểu tại sao mẹ nói: “Thế con tưởng con buồn rầu mà lòng mẹ vui được à?” mỗi lần mình kiên quyết gào to là: “Đời con để con tự chịu trách nhiệm!” Mới hôm nay thôi, mình đã hiều ra ý nghĩa của câu nói đó, một chút. Trước đó là hoàn toàn không hiểu. Những người mẹ nên cảm thấy hạnh phúc vì điều đó, một cách hết sức tự nhiên, họ có được lòng từ bi và có cơ hội nuôi dưỡng được lòng từ bi qua năm tháng. Những đứa con nên cảm thấy biết ơn sâu sắc, vì cũng hết sức tự nhiên, họ được trao tặng tất cả lòng từ bi đó mà không phải nỗ lực gì cả. Từ bi theo nghĩa hiểu về một niềm thương thuần khiết như vậy quả là đáng quý. (Lòng từ bi mà bị điều kiện hoá thì mình xin phép nói tới trong một bài viết khác.) 

Gần đây mình nhận ra mình có niềm thương khi tiếp xúc với Tảng Băng. Tảng Băng rất vui tính, một ngày vẩn vơ tự dưng chuyển phát nhanh cho mình vài thùng đá lạnh loại lớn, hoặc nếu không thì cũng chòng ghẹo bảo mình xoè tay ra rồi nhét cho vài cục đá lạnh buốt, bảo mình nắm tay lại. Mình đã không nghĩ mình có thể chịu được vài tạ đá như vậy, nhưng kì lạ là mình chưa bao giờ cảm thấy từ “chịu đựng” mô tả đúng cảm xúc của mình, mình chỉ là nhẹ nhàng đón nhận, chờ đá tan, chờ cơ thể ấm lại, và mỉm cười. Khi nghĩ về Tảng Băng, mình luôn có cảm giác mình như một người mẹ có một đứa con nghịch ngợm. Con nghịch gì cũng được, mẹ vẫn ở đây che chở cho con. Mình hiểu Tảng Băng có những nỗi đau riêng (mà ai cũng có), mình hiểu Tảng Băng cũng đang vật lộn với trò chơi của chính Tảng Băng, mình không giận chút nào. Mình bảo Tảng Băng là: “No matter what happened/happens/will happen, you have always had my warm embrace.” Những cục đá lạnh buốt làm tay mình nóng bỏng, nhưng dòng nước mát tan ra đã chữa lành tất cả. Ấy là một niềm thương có tự do, mình nghĩ vậy. 

Niềm thương có thể được vun đắp từ mọi hành động, nếu mình thương cái nhà của mình thì nhà mình sẽ chẳng bao giờ bẩn, nếu mình thương cái không gian mình đang sống thì mình sẽ biết cách làm cho nó xanh tươi, và nếu mình thương chính mình thì mọi sự đều được thương hết thảy. 

Quềnh. 
Tại căn phòng Hướng Dương, ngày 12.05.2019
Viết cho ngày Lễ Phật Đản sắp tới và viết để cảm ơn Bụt.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]