Written by Nghĩ về giáo dục

Người thầy có thể làm gì để giáo dục đạt được tính trưởng thành?

Như đã đề cập tới trong bài viết trước, tính trưởng thành là khả năng một người có thể sống chan hoà với chính họ và tạo dựng được không gian sống cho những người/vật xung quanh. Nói một cách khác, tính trưởng thành quan tâm đến mối quan hệ (relationship) giữa người-người-vật thay vì những mục tiêu học tập (learning outcomes) được ấn định sẵn. 

Để giáo dục đạt được tính trưởng thành, người thầy cần/nên đặt ra câu hỏi sau cho học trò: 

Tại sao con lại muốn thứ con muốn?” (Why we desire what we desire?) [1]

Tại sao con lại muốn đạt điểm cao? Tại sao con lại muốn học cao? Câu trả lời đương nhiên không nằm ở chuyện “Con muốn vào trường tốt.” hay “Con muốn có công việc ổn định.” Những cái đó không làm cho một người trưởng thành hơn. 

Khi đặt câu hỏi trên, Gert Biesta muốn tạo ra sự gián đoạn (interruption) trong cuộc đua không có hồi kết về điểm số và thành tích. Nó như một tiếng chuông chánh niệm gióng lên để bất cứ ai cũng phải giật mình quay về giây phút hiện tại và tự hỏi “Tôi đang làm cái gì đây?”, “Tôi đang nghĩ miên man cái gì vậy?”.

Bản thân câu hỏi đã gây ra nhiều nỗi hoang mang cho người được hỏi. Sau hoang mang là gì? Không có đáp số chung, vậy nên mới càng khó. Nhưng chắc chắn sau hoang mang sẽ là một cuộc lột da, thay máu. Đau nhưng hoan hỉ. 

Để trả lời được câu hỏi trên, học trò cần rất nhiều không gian và thời gian riêng tư để suy nghĩ, chiêm nghiệm. Nó đòi hỏi sự (tạm) vắng mặt của người thầy. Người thầy có ở đó, nhưng không nhất thiết phải kè kè bên học trò để đốc thúc con học cái này đi, học cái kia đi. 

Việc đốc thúc, theo Gert Biesta, là hành vi đi ngược lại với tính trưởng thành. Bởi, đốc thúc khiến đứa trẻ nghĩ rằng nó là trung tâm của thế giới, lúc nào cũng có ai đó kèm cặp và chạy theo nó; trong khi đó, tính trưởng thành thì lấy thế giới làm trung tâm. Hơn thế, việc đốc thúc giới hạn giáo dục trong các kết quả ngắn hạn (như điểm số, qua môn, thi đậu); trong khi đó, tính trưởng thành hướng đến kết quả dài hạn trong cả một đời người. 

Mặc dù câu trả lời cho bài toán trưởng thành đã có sẵn ở hai từ khoá relationship (mối quan hệ) và interruption (sự gián đoạn), không phải giáo viên nào cũng sẵn lòng lội ngược dòng nước thành tích để hướng về mục tiêu trưởng thành. Mà kể cả khi họ có sẵn lòng thì sức ép của tư bản và tân tự do cũng bóp nghẹt và nhấn chìm họ trong những nỗi lo học sinh thi rớt, thi đậu, đánh giá giáo viên, và miếng cơm manh áo. 

Tuy vậy, khó làm không có nghĩa là không làm được. Cứ phải THỬ đã!

Quềnh.

P/s: Trong bài kế tiếp, tôi sẽ lấy ví dụ về một gián đoạn mà tôi trải qua ở tuổi 23. Có lẽ như thế thì dễ hình dung hơn về cuộc lột da, thay máu này. 

————————————————

Tài liệu tham khảo:

[1] Gert Biesta (2015). “Being at home in the world”. https://www.youtube.com/watch?v=qUXSxGD8WmE (từ phút thứ 24:30 trở đi).

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]