Written by Nghĩ về giáo dục

#38 Giáo dục lấy thế giới làm trung tâm là gì?

ĐẶT VẤN ĐỀ

Đối với mỗi học trò (Việt Nam), có lẽ hình ảnh quen thuộc nhất trong trí nhớ về trường học là hình ảnh thầy cô đứng trên bục giảng, cùng với phấn trắng, bảng đen, đang say sưa làm rõ một vấn đề nào đó. Hình ảnh này, đi kèm với giả định rằng ‘thầy cô chỉ nói, học trò chỉ chép’ đã được gắn mác là ‘giáo dục lấy giáo viên làm trung tâm’ (teacher-centered education). Hình thái giáo dục này đã bị phê phán với lập luận rằng nó biến học sinh trở thành những người học thụ động và ngăn cản học sinh phát triển khả năng tư duy độc lập. Để tăng cường tính chủ động của học sinh, các nhà giáo dục trong thế kỷ XX đã khai sinh ra xu hướng ‘giáo dục lấy học sinh làm trung tâm’ (student-centered education). (Xem thêm Chương 1, [1])

Trong vài năm trở lại đây, ‘giáo dục lấy học sinh làm trung tâm’ đã biến thể thành ‘giáo dục cá nhân hoá’ (personalized education). Giáo dục cá nhân hoá được tán thưởng và hoan nghênh bởi nó tập trung vào việc tối ưu hoá quá trình học tập cho từng người và hướng trẻ vào những lĩnh vực mà chúng được cho là có thế mạnh. Tuy nhiên, với các nhà triết học giáo dục, personalized education đang thu hẹp tương lai của con trẻ vì nó ấn định con trẻ vào một con đường “đúng” duy nhất. Trong khi đó, nỗ lực lớn nhất của giáo dục là để cắt ngang (interrupt) sự an bài của quá khứ và áp lực rập khuôn của tương lai (thể hiện qua các mục tiêu học tập cũng như quy trình kiểm tra đánh giá khắt khe); mục tiêu của giáo dục là để tạo ra một khởi đầu mới (to begin anew), tạo ra một không-thời gian mà logics của cuộc sống thường nhật không thể chi phối.

Để đương đầu với trào lưu giáo dục cá nhân hoá này, GS. Geert Biesta đã đưa ra lý thuyết về ‘giáo dục lấy thế giới làm trung tâm’ (world-centered education), đặc biệt trong cuốn sách World-Centered Education: A View for the Present xuất bản năm 2021 [2]. Bài viết này sẽ trình bày một cách sơ lược nhất về ‘giáo dục lấy thế giới làm trung tâm’; nội dung dựa trên Chương 7 – cũng là chương cuối cùng của cuốn sách.

GIÁO DỤC LẤY THẾ GIỚI LÀM TRUNG TÂM

Có nhiều cách hiểu về ‘thế giới’. Đối với GS. Vlieghe, như đã đề cập trong bài viết “Tại sao không gian học tập trực tuyến lại đe doạ ‘tính sư phạm’?” [3], thế giới được hiểu như là các học-vấn (subject-matters); những môn học như toán, văn, sử, địa, công nghệ đều là những subject matters mà có thể mời gọi sự chú tâm của con trẻ và khiến chúng thích thú, tìm tòi. Đối với GS. Biesta, ‘thế giới’ được hiểu theo một cách sinh thái hơn. Thế giới chính là con người, cỏ cây, hoa lá, gạch đá, núi ngon mà chúng ta đang cùng sinh sống. Khi ta nói về sự tồn tại của loài người thì bản thân nó cũng đã bao hàm sự tồn tại của con người “trong” và “cùng với” thế giới rồi (tr. 90). Ngay cả khi con người đăng xuất thì thế giới vẫn ở đó và tồn tại như nó vẫn là. Trong mối quan hệ với loài người, thế giới cũng có bản thể riêng và cũng đặt ra những ranh giới mà con người không nên vượt qua nếu muốn duy trì một mối hoà hữu lâu dài (tr. 91). Thay vì cố gắng đòi hỏi nhiều hơn thì thế giới, con người cũng cần đặt ra câu hỏi rằng “Thế giới cần gì ở mình?” (tr. 91).

Trong quá trình sinh sống cùng thế giới, con người không chỉ cố gắng ‘hiểu’ về thế giới mà còn ‘tạo nghĩa’ cho nó (tr. 92). Tạo nghĩa là một quá trình có chủ ý. Nhưng nếu chỉ với chủ ý đó thì bức tranh mà con người đưa ra về thế giới liệu đã đầy đủ chưa? Câu trả lời là: Làm sao có thể đủ được! Ở đây tác giả đưa ra một ví dụ về hành động ‘chạm’. Thông thường mọi người vẫn nghĩ rằng ý định chạm có trước hành động chạm, nhưng thực tế là trước khi có ý định chạm thì cái tay và cái mắt phải biết rằng chúng có thể di chuyển được đã (tr. 95). Do vậy, ý định là do trời cho chứ không phải do con người tự ý mà thành. Và cũng với logic ấy, để không bị giới hạn trong chủ ý của mình, con người cần thả lỏng tự nhiên để đón nhận và xúc chạm với thế giới (tr. 93).

Liên hệ tới chuyện đi học, ta không thể yêu cầu học sinh tạo nghĩa cho bất cứ điều gì khi mà học sinh chưa được tiếp xúc với vấn đề đó. Vậy thì việc học rõ ràng không phải do chúng ta quyết định từ ban đầu mà là do chúng đã được thế giới gợi mở (tr. 93). Chúng ta không ở đó để diễn giải thế giới mà là để đối thoại và hồi đáp những lời mời gọi từ thế giới (tr. 96). Thế giới xuất hiện với tâm thế chủ động, con người là bị động. Thế giới mới là trung tâm chứ không phải là con người.

KẾT LẠI

Vì lý do sinh tồn, con người vẫn luôn muốn có những sự kiểm soát nhất định với thế giới. Tuy vậy nếu chỉ khư khư nắm giữ thế giới trong vùng an toàn thì ta chỉ có thể hiểu về thế giới chút đỉnh (tr. 97). Thông điệp lúc này là hãy ‘trần trụi’ với thế giới, để được mời gọi, để lắng nghe và cũng để hành xử có trách nhiệm như những gì thế giới mong đợi ở chúng ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hoidn, S. & Klemencic, M. (Eds) (2021). The Routledge international handbook of student-centered learning and teaching in higher education. Routledge. Free access at https://www.researchgate.net/profile/Sabine-Hoidn/publication/338921121_Foundations_of_student-centered_learning_and_teaching/links/6300dbfcaa4b1206fac5d41f/Foundations-of-student-centered-learning-and-teaching.pdf
[2] Biesta, G. (2021). World-centered education: A view for the present. Routledge.
[3] https://donhuquenh.com/tai-sao-khong-gian-hoc-tap-truc-tuyen-lai-de-doa-tinh-su-pham/

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]