Written by Nghĩ về giáo dục

#4 Nhận lấy trách nhiệm người thầy [Phần 4]

Lòng dũng cảm

Tôi nghĩ rằng một người giáo viên cần rất rất nhiều dũng cảm để trở thành một người thầy. Cái dũng cảm đó là dũng cảm để gồng gánh trên vai mình những mảnh đời khác, cưu mang lấy những đứa trẻ và đồng hành cùng chúng trong một quãng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời.

Tôi có may mắn nhận được nhiều sự chăm sóc từ những người thầy mà trong đó người thầy đầu tiên là mẹ tôi. Mẹ tôi học cùng tôi suốt những năm tháng tiểu học. Tôi ngồi vào bàn học là mẹ cũng ngồi học, sáng tôi cần dậy học thì mẹ sẽ dậy cùng với tôi. Mẹ cũng làm tất cả công việc nhà để tôi có thể ngồi vào bàn học đúng giờ mỗi ngày. Mẹ tôi hay nhắc về chuyện đó như một sự hi sinh, tôi nghĩ từ đó cũng tàm tạm bởi hi sinh thì có hàm ý là mẹ nhận về mẹ sự thiệt thòi để đạt được một lý tưởng nào đó. Có thể là mẹ tôi nuôi dưỡng trong mình một lý tưởng cao đẹp để rồi cống hiến cho nó, nhưng tôi thì nghĩ về những điều mẹ làm như một sự trao tặng. Trao tặng thì đẹp hơn (hi sinh), như một món quà vậy! Tôi có ý thức về sự trao tặng đó chắc từ cấp 2 – khi mà tôi hỏi đám bạn là bố mẹ các bạn có học cùng với các bạn không thì các bạn đều trả lời là không – nhưng đến giờ tôi mới gọi tên được nó và biết ơn nó một cách đàng hoàng.

Sau này tôi cũng gặp được những người thầy khác nữa. Cụ thể là 2 cô giáo hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp cử nhân và luận văn thạc sĩ cho tôi. Sau khi hoàn tất luận văn, tôi nhìn lại chuỗi email, mỗi chuỗi đều trên dưới 100 emails – tức là trong một năm ròng rã gần như tuần nào tôi cũng liên lạc với 2 cô để hỏi cái này cái kia, để nộp và sửa bài. Các cô giáo của tôi mới đầu cũng chẳng rõ là tôi sẽ phát triển ý tưởng của mình ra sao, sẽ viết gì đó “nên hồn” hay không, nhưng rồi vẫn dũng cảm nhận lấy trách nhiệm nặng nề: đóng góp và giúp tôi hoàn thành những bài tập siêu to khổng lồ. Tôi biết là tôi có người để dựa dẫm, tôi biết là dù cho có bao nhiêu “nanh vuốt” ngoài kia thì các cô giáo của tôi sẽ chìa nay tấm lưng ra mà “đỡ đạn” cho tôi. Ấy là lòng dũng cảm của người thầy.

Hiện giờ khi tôi đang có cơ hội học tập trong môi trường giáo dục phương Tây, tôi mới hiểu ra tại sao nghề giáo ở Việt Nam lại là một nghề cao quý. Đương nhiên là các giáo sư bên này cũng rất tâm huyết với học trò nhưng làm nghề giáo ở Việt Nam có một cái gì đó… tình thân mến thân hơn, mà cũng bởi cái tình thân đó mà người thầy rút hết ruột gan mà trao tặng sức lực, thời gian, sự chăm sóc cho học trò. Tôi nghĩ đến những người thầy ở Việt Nam thức đêm thức hôm chạy deadlines cùng học trò mà tôi thấy họ đẹp thế. Họ đơn giản là… lấp lánh.

Tôi trích dẫn ra đây một đoạn trong sách “Teachers as Cultural Workers.: Letters to Those Who Dare to Teach” (Người thầy là những người thợ văn hoá: Lá thư gửi những người dám dạy)của Paulo Freire như một lời kết cho bài viết:

“We must dare so that we can continue to teach for a long time under conditions that we know well: low salaries, lack of respect, and the ever-present risk of becoming prey to cynicism. We must dare to learn how to dare in order to say no to the bureaucratization of the mind to which we are exposed every day. We must dare so that we can continue to do so even when it is so much more materially advantageous to stop daring.” (Freire, 2005, p. 6)

(Tạm dịch: Người thầy phải dũng cảm để có thể tiếp tục giảng dạy lâu dài trong những điều kiện tồi tàn như: lương thấp, thiếu sự tôn trọng, và nguy cơ trở thành tâm điểm của hoài nghi. Người thầy phải dũng cảm để học cách nói không với sự quan liêu hóa mà họ đang tiếp xúc hàng ngày. Người thầy phải dũng cảm để tiếp tục [giáo dục] ngay cả khi việc ngừng [giáo dục] mang lại rất nhiều lợi ích vật chất.)

Quềnh

Tài liệu tham khảo: Freire, P. (2005). Teachers as Cultural Workers. Letters to Those Who Dare to Teach. Cambridge Massachusetts: Westview Press.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]