Written by Tương giao với đời

Hãy cứ tỉnh táo mà yêu đi…

Lưu ý: “Tình yêu” với tôi là một khái niệm rộng rãi do vậy trong bài viết này tôi sẽ dùng từ “yêu đương” thay cho “tình yêu” để chỉ tới một mối quan hệ lãng mạn giữa 2 người (dị giới hoặc đồng giới).

Tới giờ này thì tôi có thể dám chắc rằng tôi không phải là một người sợ yêu đương. Bạn bè tôi, và cũng có thể là nhiều người khác nữa, hơi rụt rè khi quyết định yêu ai đó vì họ còn sợ nhiều chuyện, mà cái sợ nhất là sợ tổn thương khi chia tay… Tôi cũng có nghĩ tới viễn cảnh khóc lóc ướt nhẹp khi chia tay nhưng kì lạ là (thực ra cũng không kì lạ lắm, tôi nghĩ là do tôi có nhiều sự yểm trợ từ tình thương của Bụt, từ cái biết rằng chỉ có đi vào yêu thì mới nới rộng được trái tim) tôi vẫn rất khảng khái để đi vào trong yêu. 

Ngẫm đi ngẫm lại thì đâu có môi trường nào lý tưởng hơn môi trường yêu đương để soi tỏ lại bản thân mình đâu. Tình thân thì an toàn quá vì tình thân cho phép một người (ví dụ người con) làm tổn thương người còn lại (người mẹ) mà người mẹ vẫn sẽ tha thứ và thương con thật nhiều. Tình bạn (hiểu theo nghĩa hẹp) thì lại hời hợt quá, vì người ta có thể không đủ can đảm để bộc bạch hết con người mình cho người kia. Theo logic thông thường thì giữ lại được một chút gì đó cho mình có lẽ là một cách tốt để giảm độ sát thương trong bất cứ trường hợp đổ vỡ/xích mích nào xảy ra. Chỉ có khi yêu đương thì người ta mới bị đặt vào một trạng thái hết sức tự nhiên là mong muốn bộc lộ những cái xấu xí để mong người kia chấp nhận được mình. Muốn yêu đương được thì cần sự thành thật và sự tin tưởng, nếu không đủ tin người kia để mà phơi bày “bộ mặt thật” của mình ra thì đấy đâu thể gọi là yêu. Mà để phơi bày được “bộ mặt thật” thì lại cần phải hết sức thành thật.

Ấy là lý do tại sao người ta yêu vào thì hay giận dỗi, hội choai choai thì giận nhau là để tìm kiếm sự chú ý thôi nhưng mà cái hội trưởng thành mà một khi đã giận thì là họ đang ở trong trạng thái mong manh lắm lắm. Mong manh bởi hai lý do: lý do thứ nhất là vì cái “bộ mặt thật” vừa nói ở trên hình như bị phủ nhận (đang yên đang lành mặc quần áo bình thường mà giờ có cảm giác bị lột trần thì có khủng khiếp không!); lý do thứ hai là sự trao quyền, bình thường thì mình là người nắm giữ hạnh phúc của mình mà bây giờ lại đi trao cho người khác cái quyền định đoạt nỗi vui nỗi buồn của mình thì há chẳng phải là chơi trò mạo hiểm hay sao. 

Mong manh (vulnerable) là một trạng thái không dễ chịu gì, đúng như cái âm thanh vọng ra từ hai con chữ đó. Nhưng mong manh cũng là một trạng thái cực kỳ tốt để trở nên tỉnh táo, để cảnh giác với từng thay đổi dù là nhỏ nhất trong thân thể, để quay lại đối diện với chính mình, như thể cái nghi thức soi gương mỗi buổi sáng. Mong manh có thể ví như một sự đứt gãy (disruption) trong triết học, sau đứt gãy là begin anew – nghĩa là sống một cuộc đời khác đi. Vì thế mà mong manh trở nên có ý nghĩa. 

Nỗi buồn khi kết thúc một mối quan hệ không hẳn đến từ việc phải tạm biệt người kia mà có thể đến từ nhiều lý do ẩn ấp sâu sâu hơn dưới lớp vỏ bọc bên ngoài. Nỗi buồn có thể đến từ việc bị tước đi cái quyền chăm sóc và trìu mến với họ. Nỗi buồn có thể đến từ việc mất đi một khán giả trung thành cho cái bản ngã “xinh xắn” của mình chẳng hạn. Mà mặn đắng hơn là nỗi buồn khi mình nhận ra mình vốn hạn hẹp (do bị giới hạn bởi quá nhiều bởi bối cảnh lịch sử) mà mình thì cứ khăng khăng rằng mình sống cởi mở và rộng rãi lắm. 

Dù vì bất cứ lý do gì thì có lẽ nỗi buồn vẫn luôn là một điều cần thiết cho cuộc sống này. Nếu trong tận cùng của nỗi đau mà mình nhận ra được mình là ai thì há chẳng phải là một cơ hội quý giá để thấy ra sự thật (chân đế) đó hay sao. (Ôi, viết xong dòng này thấy nỗi buồn sao mà nhẹ bẫng, thực tế thì nó nặng như quả tạ vậy. Nhưng mà thôi không sao, quả tạ sẽ dần một bé đi, vì đến lúc mình trần trụi với mình rồi thì mọi thứ sẽ trở thành hư vô.)

Chốt hạ thì hãy cứ yêu đi nhưng đừng dại khờ. Can đảm bước vào tình yêu là can đảm đối diện với chính mình và đi tìm xem mình là ai, vậy thôi.

Thương mình-người,
Quềnh.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]