Written by Tự tình với... sách

Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam

Cuốn sách là một bức hoạ âu sầu nơi sự học hiện hữu không là chính nó, mà là chỉ như một sự trưng bày. Sự học được đặt trong một chiếc lồng kính, người đi qua, kẻ đi lại, chạy vòng quanh, ngắm nhìn và … bước đi. Chẳng có ai chạm tay vào nó, ngay ở đó, nhưng mà lại rất xa vời. 

Mình từng có dịp làm việc với giáo viên phổ thông trong vai trò là người “dự giờ” (mình không thích cái cách đặt tên đó một chút nào, vì mình bị đặt vào trong tình thế “soi mói” và “cho điểm” người khác, mình thích tên gọi là “người quan sát hơn”). Trong những tiết học mình có cơ hội quan sát, phân nửa là giáo viên và học sinh chạy xung quanh chiếc lồng kính, cố gắng ngắm nhìn nó với gương mặt háo hứng nhất, nhưng rút cuộc thì cũng vẫn … ngoài cuộc với việc học. Giáo viên chạy cố kiết cho hết giáo án của họ, học sinh mướt mải chạy theo thầy cô, tưởng là hiểu mà thực ra đâu có hiểu 🙁

Bài viết mà mình thích nhất là: “Giáo dục trường học có phải đang quá tải?” bởi cách tác giả đưa ra lý giải về sự quá tải và phản biện rằng “quá tải” nhưng thực ra lại “thiếu trầm trọng”. Tác giả chỉ ra hai điểm còn thiếu trong chương trình học ở nước ta: “Một là thiếu những gì thiết thực thuộc về đời sống…. hai là….thiếu vắng những nội dung “vượt ra ngoài đời sống””. (tr.96) Mình sinh ra ở thôn quê nên cái thiếu thứ nhất cũng được bù đắp phần nào, còn cái thứ hai thì…. bó tay vì không có giáo viên nào mình từng học đề cập đến những cái đó. Mãi tới một năm trở lại đây mình mới tiếp cận được với những thứ “vượt ra ngoài đời sống”, nó làm mình sống một cách bình tĩnh hơn và nhiều hạnh phúc hơn. 

Mình có biết một vài người soạn giáo trình, quan điểm của họ là phải “bảo vệ giáo trình tới cùng”, rằng là giáo trình mà họ soạn ra thì không thể có lỗi lầm nào được. Mỗi lần mình nghe thấy những lời phát biểu hùng hồn như thế mình rất sợ, vì biết đâu đấy sách của họ có điểm sai, và những người sử dụng giáo trình lại cứ khăng khăng để “bảo vệ”, vậy sẽ có bao nhiêu người học vô tình trở thành nạn nhân đây? 

Mình dần dần mất niềm tin vào trường học, nhưng cũng chính trường học là nơi cho mình một tia hi vọng le lói. Từ trải nghiệm cá nhân, mình biết không phải giáo viên nào cũng yêu thích sự học, thậm chí tệ hơn, bài trừ và mỉa mai sự học!!! Mình thương họ nhiều hơn là giận, nhưng mình rất e ngại về “nghề giáo” mà mình và họ đang đảm nhiệm. Liệu mình đã/đang/sẽ làm hại những con người nào nữa? Làm thế nào để bớt gây hại khi mà chính mình cũng không biết mình đang gây hại? 

Mình nghĩ cuốn sách này là cho tất cả mọi người, già trẻ lớn bé, vì ai ai dù ít dù nhiều cũng dính dáng tới sự học. Hãy đọc nó và soi chiếu xem mình có đang là một khán giả trung thành của triển lãm sự học không 🙁 🙁 🙁

Cảm ơn tác giả về một bức tranh giáo dục VN hết sức chân thực, và cũng cảm ơn một người giáo viên đã cho mình một tia hi vọng le lói nơi cuối đường hầm. 

Quềnh. 

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]