Written by Nghĩ về giáo dục

Điều kiện của sự học (study, not learn)

Như đã đề cập trong bài viết ‘Learn khác gì với Study’ [1], study hàm chứa khả năng giáo dục và chuyển hoá học trò trở thành con người có khả năng làm chủ cuộc sống của mình. Ngược lại, chức năng chính của learning là đào tạo ra những mắt xích trong một guồng máy xã hội, và như thế con người không bao giờ có khả năng làm chủ đời sống (mặc dù những cú gây tê [2] âm thầm khiến họ tin rằng chính họ mới là người đưa ra quyết định chứ không phải một “ai” đứng đằng sau “giật dây”.)

Learning thì bủa vây khắp nơi trong khi study thì khan hiếm như vàng ròng. Để tinh chế được vàng ròng, người thợ thủ công phải nắm được rất nhiều thuộc tính của vàng cũng như các điều kiện khả dĩ; tương tự, để tạo được ra study, chúng ta cũng cần nắm được một số điều kiện (mà cá nhân tôi cho là) quan trọng như sau:

  • Thời gian phi kinh tế (Free-from-economic time) [3]

Kinh tế ở đây được hiểu là các hoạt động tạo ra của cải vật chất giúp duy trì đời sống hằng ngày. Hoạt động này là vô cùng cần thiết và do đó thường được xem là mục tiêu của cuộc đời. Nếu hoạt động học hướng tới cái đích này thì ấy là biểu hiện của learn.

Muốn nhảy ra khỏi guồng quay của lối sống này, điều kiện căn bản nhất là phải tạo ra một không-thời gian mà nơi đó học trò có thể ngắt ra khỏi nỗi bận tâm về cơm áo gạo tiền. Trường học có thể được coi điển hình của không-thời gian này. Trong khoảng thời gian tới trường, học trò được tự do khỏi các hoạt động phụ giúp công việc nhà hay công việc làm ăn, vậy nên các em có thể toàn tâm toàn ý cho nội dung học tập và khám phá thế giới như nó-đang-không-là.

Thế giới như nó-đang-không-là nghĩa là gì? Ví dụ, khi học trò học về đồng tiền ở trường học thì sẽ khác với khi học về đồng tiền ở nhà. Ở nhà, các em được dạy về tiêu xài – đúng với chức năng của tiền, nhưng khi ở trường các em được học về tiền như một subject matter, có thể học về lịch sử ra đời của tiền, các loại tiền và hình dáng, đặc điểm của nó. Nhờ việc tách ra khỏi không gian kinh tế mà các em có khả năng nghĩ theo một cách khác đi (ôi chao, tiền có thể không phải để tiêu!) và có thêm một lựa chọn mới về cách nhìn. Nhìn được rộng, được sâu, thì mới biết mình đang làm gì và không bị làm-gì chi phối.

  • Sự tò mò (curiosity) [4]

Chiếu theo từ điển nguyên học, gốc gác của curiosity là “care” – sự quan tâm, sự chú tâm. Chỉ khi học trò chú tâm vào việc gì đó thì ấy mới là điều kiện của một cái thấy mới.

Cũng vẫn ví dụ về đồng tiền như ở trên, nếu học trò không thực sự chú tâm vào bất cứ một chi tiết nào của đồng tiền như là một subject matter thì các em sẽ bị dội lại ngay với chức năng tiêu xài của đồng tiền. Và như thế, điều kiện của study mặc dù đã nhen nhóm ở nơi không-thời gian trường học, vẫn chưa đủ để giúp học trò ngắt ra khỏi lối nhìn thường lệ.

Trái lại, nếu học trò để tâm và theo đuổi sự tò mò ấy được dài lâu thì rất có thể chuyển hoá chỉ là chuyện sớm hay muộn. Bất cứ vấn đề nào, bất cứ chi tiết nào, miễn là có sự chú tâm dài lâu thì đều tạo ra được đứt gãy (discruption, [5]).

Kết lại: Giáo dục tại trường học vốn dĩ đã có thể tạo ra điều kiện của study, nhưng dưới làn sóng của tân tự do (neoliberalism) mà bị thuần hoá vào các mục tiêu kinh tế và trở thành địa hạt của learn. Do vậy, nếu vẫn muốn tạo ra không-thời gian của study thì rất có thể sẽ phải là một nơi nào đó bên ngoài trường học, nhưng chắc chắn không phải là các lớp luyện thi. Không gian ấy, rất có thể, lại là một phòng học tại nhà – nơi chỉ có bàn, ghế, bảng đen, giá sách chứ không phải một căn phòng tích hợp bàn học với giường ngủ, tủ quần áo và ti vi.

Quềnh

—————————-

Tài liệu tham khảo:

[1] https://donhuquenh.com/learn-khac-gi-voi-study/
[2] https://donhuquenh.com/hoc-tap-suot-doi-nhu-mot-cu-gay-te/
[3] Masschelein, J. & Simons, M. (2013). In defence of the school. A public issue. E-ducation, culture & society publishers. Download
[4] Simons, M., & Masschelein, J. (2019). School, pedagogy and Foucault’s undefined work of freedom. Materiali foucaultiani, VII (13-14), 113-133. Download
[5] Disruption: https://donhuquenh.com/nguoi_thay_p1/

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]