Written by Nghĩ về giáo dục

Nhận lấy trách nhiệm người-thầy [Phần 1]

Hồi tôi mới nhận công việc giảng dạy đầu tiên, tôi rất sợ ai đó gọi tôi là “cô giáo”. Thời điểm đó thì tôi mới lờ mờ cảm thấy sức nặng của người-thầy thôi chứ chưa hiểu thực sự thế nào thì là một người-thầy đúng nghĩa, tuy vậy, ngay cả cái cảm giác lờ mờ đó cũng khiến tôi hoài nghi về khả năng của bản thân mình và giật mình thon thót mỗi khi nghĩ về mình như một “cô giáo”. Cũng bởi lý do đó mà tôi không mấy khi xưng danh là “cô” trừ phi là các bạn cực kỳ nhỏ tuổi, tôi hay xưng hô là “mình-em” như một cách trút bớt cái sức nặng mà từ “cô” mang lại. Tôi nhẹ nhõm hơn được một chút.

Thời điểm này, sau ba năm rưỡi, tôi nhận thấy mình bắt đầu sẵn sàng đón nhận lấy cái trách nhiệm của người-thầy. Trở thành người-thầy không phải là một chuyện một sớm một chiều. Sinh viên không phải cứ tốt nghiệp ngành sư phạm là có thể trở thành người-thầy. Sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm có thể trở thành giáo-viên, có thể trở thành thợ-dạy (như cái cách mà ngày xưa tôi và các đồng nghiệp hay tếu táo với nhau), nhưng chưa thể nào trở thành người-thầy ngay được. Với tôi hiện giờ, một người-thầy đúng nghĩa thì trước hết cần phải quan tâm đến con người – như đã được định nghĩa ngay trong tên gọi người-thầy – và sau đó là những phẩm chất sau đây:

1. Dialogue (+Disruption) (Đối thoại + gián đoạn)Disruption là sự gián đoạn được nhìn trong vị trí đối lập với tính liên tục và mở ra điều kiện cho đối thoại. Tính gián đoạn chuyên trở trong nó “tính giáo dục” vì tại thời điểm không-thời gian (có cảm giác) bị ngưng lại thì chính là lúc một người không hành động theo thói quen hay theo một lập trình định sẵn như một cái máy nữa mà bắt đầu dừng lại để suy ngẫm về (cách vận hành) của thế giới xung quanh. Trong bối cảnh daỵ-học, nếu người thầy có thể làm gián đoạn hay làm thảng thốt một lòng tin/một lỗi suy nghĩ sâu rễ bền gốc của người học thì ấy là một khoảnh khắc mang tính giáo dục. Và nếu người học có thể suy ngẫm về điều đó và đối thoại trở lại với người thầy thì hành động ấy lại càng tăng thêm giá trị cho “tính giáo dục.”

Bức tranh về giáo dục đại học gần đây ưa chuộng những trải nghiệm vui-nhộn, nhưng sự vui-nhộn thì nguy hiểm bởi nó làm cho người ta quên đi thời gian và không gian, làm cho mọi thứ trôi tuột đi ngay tức khắc. Người học ưa chuộng vui-nhộn thì sẽ khó mà ngồi lâu thật lâu để mà suy ngẫm được cái gì cho thấu đáo, bởi với họ thời gian cần được lấp đầy bởi những hoạt động, chứ không phải là một thứ giờ gian ‘tĩnh’ để phản tư.

Trở lại với trải nghiệm giáo-viên của tôi, những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy hạnh phúc là khi một số bạn inbox hỏi tôi những câu hết sức hóc búa ví dụ như “Cô ơi, giá trị của một con người nằm ở đâu?”, hoặc “Cô ơi làm sao mình biết quyết định trở thành giáo viên là một quyết định đúng đắn?” Tôi cảm thấy những bài giảng của mình không trôi tuột đi như phố xá Hà Nội giờ cao điểm – thời điểm chỉ có dòng người rú ga ầm ĩ cốt để đi tới nơi thật nhanh. Tôi cảm giác thời gian ngưng lại và mọi thứ dường như được bày biện trên một chiếc bàn để được lần lượt nhấc lên hạ xuống, để suy tư về những đúng/sai và những chẳng-đúng/chẳng-sai.

Ngược lại thì cũng có những tháng ngày tôi cảm thấy nỗi bất lực xâm lấn bản thân tới vô hạn khi mỗi lần tôi toan định trình bày một ý tưởng hay ho mà tôi nghĩ sẽ làm người học phải suy nghĩ thì ngay lập tức tôi bị dội lại bởi sự thờ ơ và những gương mặt vô cảm. Hoặc là khi tôi rất hào hứng gửi những bài báo mà tôi vô cùng xúc động cho những người đồng nghiệp và hết lòng mong mỏi họ sẽ có bình luận gì đó hơn là những lời cảm ơn, vậy mà rút cục thì tôi vẫn phải tự độc thoại nội tâm với những rung động nho nhỏ. Nói ra như vậy để thấy rằng ai cũng yêu quý giáo dục, ai cũng đặt niềm tin vào sức mạnh của giáo dục trong việc mang tới một xã hội tốt đẹp hơn, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng để đọc và nghĩ (về giáo dục).

[Còn tiếp]

Quềnh

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]