Written by Tương giao với đời

‘Sống hạnh phúc’ và ‘Sống giác ngộ giải thoát’ khác gì nhau?

Trong suốt thời gian thực tập lối sống kiểu Bụt, tôi vẫn cứ lấn cấn về chuyện tại sao pháp môn của sư ông Nhất Hạnh lại lấy ‘Sống hạnh phúc’ làm kim chỉ nam. Tôi thấy như thế là không “đúng,” vì rõ ràng Buddha là “người tỉnh thức,” tức là người sống giác ngộ giải thoát cơ mà.

Tới hôm nay thì tôi có câu trả lời cho mình, trong lúc đang đọc một bài viết thu thập lại những tự sự của Thầy sau khi Thầy viên tịch.

Sống giác ngộ giải thoát đúng là con đường chân tu, nhưng ấy không phải là con đường của số đông. Trong hàng tỉ người sinh ra trên trái đất này, chỉ có một nhóm ít ỏi có được đặc quyền không phải lo về cơm áo gạo tiền, và như thế có được toàn bộ thời gian suy ngẫm về cuộc đời. Trí tuệ lớn lao bao nhiêu thì nhìn được bấy nhiêu tầng tầng lớp lớp vô minh của đời sống này, nỗi đau (và sự giác ngộ) cũng theo đó mà trở nên sâu sắc.

Sống giác ngộ giải thoát thì đau, vì đúng là phải “nhận ra sự buốt đau tận cùng của sự sống”`thì giác ngộ mới nở hoa. Sống giác ngộ giải thoát thì khó, vì làm thế nào để quay về chú tâm quan sát từng mảnh vỡ của trái tim khi mà nó đang vỡ ra và máu chảy te tua? Làm thế nào để “đi trong niềm cô đơn thầm lặng của chính mình” mà không gào thét lên vì sợ hãi? Làm thế nào để không đổ cơn tức giận lên người khác khi mình chính là nạn nhân của bạo lực?

Sống hạnh phúc thì có thể chạm đến số đông được và thực tình là để xoa dịu những niềm đau nỗi khổ cho con người tứ xứ trong những tháng ngày mưa bom bão đạn. (Hậu) Chiến tranh có lẽ chính là hoàn cảnh mà tinh thần “sống hạnh phúc” và “Đạo Phật vì hoà bình” nảy nở. Trong hoàn cảnh chiến tranh leo thang, hận thù rung lên bần bật trong tim mỗi người thì còn gì quý giá hơn là giúp họ vơi đi thù hận và nuôi dưỡng được chút hi vọng mong manh vào đời sống này. Thầy Nhất Hạnh đã làm được điều đó với Dòng tu Tiếp Hiện, há chẳng phải cũng là một bước đi lớn của từ bi đó sao?

Hiểu ra được điều này tôi như cởi được một bám chấp lớn.

Ai đi tìm con đường giác ngộ thì sẽ hiểu lời dạy của Thầy theo hướng giác ngộ, còn ai chưa có căn cơ thì cứ hiểu Thầy theo kiểu sống hạnh phúc. Chỉ có điều, nên cẩn trọng trong lời nói hành động vì ‘sống hạnh phúc’ không hướng trực tiếp đến ‘sống giác ngộ’, mà có đôi khi còn ngược đường vì ‘sống hạnh phúc’ đôi khi tạo thêm chất liệu cho bản ngã, trong khi ‘sống giác ngộ’ là thực hành vô ngã.

Quềnh.

(Một chút tâm tư ngày Thầy Nhất Hạnh viên tịch. A Di Đà Phật!)

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]