Written by Nghĩ về giáo dục

Cứ cầm phấn là thành giáo viên?*

Khoảng mấy tháng trước mình có làm freelance tuyển dụng phụ giúp một chị bạn chuyên phân phối nhân lực cho các trung tâm tiếng Anh online, nhờ vậy mà mình có biết thêm được về thị trường nhân lực giảng dạy tiếng Anh ở khắp các vùng miền. Các ứng viên tham gia phỏng vấn và ứng tuyển chủ yếu là từ 20 tới 25 tuổi (tức là sinh viên năm 3, 4 đại học hoặc mới ra trường không quá 3 năm) và chủ yếu xuất phát từ các ngành kinh tế, thương mại, marketing, du lịch, tài chính. Khi được hỏi về chuyện tại sao lại muốn đi dạy tiếng Anh thì chủ yếu các bạn đều đưa ra 2 câu trả lời chính là:

(1) Em thường rảnh buổi tối nên muốn đi dạy để kiếm thêm thu nhập vì em đã có chứng chỉ ngoại ngữ.

(2) Em muốn theo nghiệp (career!) dạy tiếng Anh vì em thấy mình có thành tựu khi học sinh đi thi đạt điểm cao và vì em có chứng chỉ ngoại ngữ. 

Điểm chung giữa 2 câu trả lời trên là ở chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế – tấm thẻ thông hành vào thế giới luyện thi và hay được lầm tưởng (hoặc ảo tưởng) rằng đó là tất cả mọi thứ về giảng dạy tiếng Anh. Thật may là trong số các bạn mình phỏng vấn thì có một nửa số đó hiểu rằng bản thân vẫn cần trau dồi rất nhiều để có thể đi dạy được, nhưng cũng có những bạn hết sức kiên định với niềm tin rằng chỉ cần có chứng chỉ tiếng Anh là đủ để đi dạy. 

Cách nhìn nhận như vậy không phải lỗi ở bản thân các bạn ấy mà là một quá trình dịch chuyển về nghĩa của professionality. Trước đó khi muốn làm nghề thì người ta cần phải học chuyên sâu về một mảng nào đó trong nhiều năm liền, nhưng dưới sự ảnh hưởng của quá trình chuẩn hoá (standardization) thì những con số lại có quyền năng hơn hàng giờ lao động, học tập trong quá trình đào tạo nghề. [1] 

Ví dụ khi học ngành sư phạm, sinh viên sẽ thường được nghe nhận xét trên rất nhiều khía cạnh, như giáo án (về format, về mục tiêu bài học), về kỹ năng xử lý tài liệu (ví dụ như làm sao để hiểu được thông điệp mà tài liệu đưa ra), về tổ chức hoạt động trong lớp học (ví dụ như việc kết hợp trò chơi), và về nhịp độ bài học; trong khi đó cách dạy theo hơi thở luyện thi thì chú trọng tới chuyện làm thế nào để trả lời câu hỏi cho đúng và để đạt được điểm cao. 

Yếu tố quan trọng nhất khi dạy học, hay khi làm bất cứ việc gì, là phải biết được mục đích của nó. Sau đó là biết đường đi nước bước để hiện thực hoá mục tiêu đó, và sau đó là thử đi thử lại cho tới khi các công đoạn được chắp nối với nhau mà không để lại mối nối. Và sau khi đã làm thuần thục các mối nối thì cần (một, hoặc nhiều lần) nhìn lại xem tổng thể đã ổn chưa, đã thể hiện được thông điệp (hay chính là mục tiêu bài học) mà mình muốn truyền tải chưa. 

Chỉ riêng việc học cách làm nghề sao cho nhuần nhuyễn đã là một chuyện không dễ dàng gì, mà kèm theo nó lại là cam kết đạo đức với chính bản thân người giáo viên và với học sinh [1], và nếu đi xa hơn nữa là cam kết về chuyện tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tái tạo lại thế giới [2]. Đâu là các giá trị đạo đức sư phạm mà tôi theo đuổi? Liệu những cái tôi dạy học sinh có “đúng” hay không? Làm thế nào để tôi biết là tôi đang không làm “sai”? Ấy là những câu hỏi thường trực mà một người giáo viên phải đối diện trong quá trình làm nghề. Và nghề giáo (teaching profession/craft) sẽ không còn đủ đầy nữa khi mà khía cạnh đạo đức bị gạt qua một bên và bị ép nhường chỗ cho bằng cấp, thi cử, chứng chỉ, và chuẩn hoá. 

Cá nhân mình thực ra không phản đối việc sinh viên/người đi làm chuyển từ các ngành khác sang đi dạy, bởi vì như cô Lynn Fendler có nói rằng: “The crucial thing, though, is not why we become teachers in the first place, but what kind of teachers we become.” (Lựa chọn trở thành giáo viên thực ra không quan trọng, cái quan trọng là bạn nỗ lực để trở thành người giáo viên như thế nào.) [3] Cái mình phản đối là cái tư duy làm nghề ngây thơ và bị tối giản hoá tới báo động. Chiếc áo không làm nên thầy tu, và viên phấn (a.k.a từ chứng chỉ) cũng không thể nào làm nên người thầy được. 

Tài liệu tham khảo

[1] Reeves, J. (2018). Teacher identity work in neoliberal schooling spaces. Faculty Publications: Department of Teaching, Learning and Teacher Education. 370. https://digitalcommons.unl.edu/teachlearnfacpub/370 

[2] https://donhuquenh.com/tai-sao-nguoi-thay-luon-co-pham-chat-chinh-tri/

[3]Fendler, L. (2011). Edwin and Phyllis. Studies in Philosophy and Education, 30, 463–469. 

*Bài viết này đã được chỉnh sửa về văn phong do bài viết cũ có những câu từ mang tính bắt nạt và đó không phải là thông điệp chính của bài viết. Tác giả bài viết trân trọng cảm ơn tài khoản Facebook Phung Ha Thanh vì đã phê bình và đóng góp để tác giả hoàn thiện bài viết. Các bạn quan tâm có thể đọc dưới phần bình luận của bài viết: https://www.facebook.com/photo/?fbid=631575058987896&set=pb.100064062221278.-2207520000.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]