Written by Nghĩ về giáo dục

Giáo dục có phải là công cụ để giải quyết các vấn đề xã hội?

ĐẶT VẤN ĐỀ

Vài hôm trước mình được một người bạn hiện đang giảng dạy ở một trường Đại học kể về chuyện bạn nộp hồ sơ cho quỹ tài trợ nghiên cứu của trường. Vì bạn cũng tương đối tham vọng là sẽ có thể xuất bản quốc tế nên đã nộp hồ sơ ở mức tiền tài trợ cao nhất (mức này yêu cầu 01 xuất bản quốc tế và 02 xuất bản trong nước). Ban đầu đề tài của bạn rất được chào đón vì trường Đại học nào cũng cần nghiên cứu quốc tế để thăng hạng, tuy vậy trong quá trình xét duyệt thì đề tài lại bị gây khó dễ và bị hội đồng chất vấn rằng: (Vì số tiền nghiên cứu nhiều nên) liệu có thể thêm một “sản phẩm giáo dục ứng dụng” bên cạnh 03 bài báo được không? 

Bạn nói với mình là có thể sẽ huỷ nộp hồ sơ vì yêu cầu như vậy là hết sức vô lý. Mình cũng có thể hiểu được quyết định của bạn, bởi:  Đóng góp lớn nhất của nghiên cứu trong các ngành nhân văn là đóng góp cho sự hiểu, và từ việc hiểu khác đi thì người ta có thể quyết định sống một cuộc đời khác đi, chứ không phải là tạo ra một thứ gì đó hữu hình đề giải quyết ngay tức khắc các vấn đề xã hội. Sự hiểu đòi hỏi một quá trình lâu dài và thấu đáo, và bằng một cách nào đó chính trong bản thân nó đã có câu trả lời cho “các vấn đề xã hội,” bởi khi ta nhìn một vấn đề khác đi thì cũng có nghĩa là vấn đề ban đầu không còn là vấn đề nữa, hoặc cũng có thể là phẩm chất của vấn đề đã thay đổi và mình sẽ có phương thức đối diện tương ứng. Nói như vậy không có nghĩa là nghiên cứu nhân văn thì không thể tạo ra sản phẩm ứng dụng, tuy vậy sản phẩm ứng dụng không phải là mục tiêu chính của nó và “sản phẩm để giải quyết các vấn đề xã hội” thì thực ra lại còn chính là chủ đề mà nó phê phán. 

Mặc dù hiện tượng nói trên là về tính ứng dụng của nghiên cứu trong giải quyết các vấn đề xã hội nhưng nó cũng là một ví dụ tốt để liên hệ tới hiện tượng giáo dục đang được xem như liều thuốc bách bệnh cho các vấn đề xã hội, biểu hiện cụ thể ra ở tư duy của những người trong hội đồng phản biện nói trên. Họ tin rằng phải thực sự có gì đó sờ nắn được trong lòng bàn tay thì ấy mới là giá trị đích thực của giáo dục. Cách suy nghĩ này đương nhiên không phải là “lẽ dĩ nhiên” mà có một lịch sử hình thành của riêng nó. 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM CÔNG CỤ HOÁ GIÁO DỤC

Khoảng cuối những năm 1960 là thời điểm kinh tế phương Tây rơi vào khủng hoảng. Sản xuất công nghiệp nặng đình trệ, lạm phát tăng cao, chỉ số phát triển kinh tế liên tục giảm, tình trạng thất nghiệp tràn lan. Đứng trước tình hình đó, mô hình kinh tế-xã hội tân tự do (neoliberalism) với tư tưởng vận hành xã hội kiểu mới đã ra đời và soán vị mô hình kinh tế-xã hội tự do phúc lợi (welfare liberalism) trước đó. Thay vì dựa vào những nguồn nhiên liệu “truyền thống” như than đá, sắt, thép, mô hình kinh tế-xã hội tân tự do sử dụng tri thức (knowledge, chứ không phải intellect) để bắt tay vào một công cuộc làm giàu mới. [1]

Tri thức lúc này vừa được xem như nguồn gốc của mọi bất ổn xã hội, mà cũng vừa được xem là giải pháp. Cụ thể, tất cả các tệ nạn xã hội đều được cho là phát sinh từ việc thiếu hiểu biết; cùng lúc đó, mọi tệ nạn cũng được giả định là có thể giải quyết tận gốc nếu như mọi người, từ già tới trẻ, đều tiếp tục bổ túc tri thức cho mình (Xem thêm về diễn ngôn lifelong learning tại danh mục tham khảo, [2]). Cái lòng hiếu học thuần khiết nơi con người vô hình chung đã trở thành nguồn vốn (capital) không bao giờ vơi cạn để tư bản thoả thuê cày cuốc.

Vì có mối quan hệ mật thiết với công việc sản xuất và trao truyền tri thức mà giáo dục lúc này bất đắc dĩ trở thành một mắt xích trong cỗ máy tư bản khổng lồ. Nếu như trước đó giáo dục được coi là môt tích luỹ cá nhân giúp hoàn thiện đức-thể-trí, thì giáo dục bây giờ được coi là một tích luỹ xã hội có mục đích duy trì trạng thái vận hành của nhà nước và nuôi sống nền kinh tế. Giáo dục vì thế đã mất đi tính tự-tại của nó, thay vào đó trở thành công cụ, thành thuốc chữa bách bệnh cho bất cứ vấn đề nào. Cách nghĩ này đã ăn sâu vào tiềm thức của xã hội đương đại tới mức khi có bất cứ một vấn đề nào đó xảy ra (bạo động, bạo lực học đường/gia đình, biến đổi khí hậu, thất nghiệp, …) thì thường trong đầu sẽ nhảy số luôn là chúng ta cần phải giáo dục (lại) ai đó. 

Một ví dụ thể hiện được tinh thần công cụ hoá giáo dục là diễn ngôn “giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững.” Đã có hàng trăm tác giả viết về chủ đề này, chủ yếu là gợi ý các phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh đạt được các chuẩn năng lực được quy định từ trước về sống bền vững (predefined sustainability competences). Những chuẩn đầu ra này thoạt nghe có vẻ thuyết phục nhưng thực ra rất vô lý vì chúng phản ánh những tiêu chuẩn đầu ra trong sản xuất hàng hoá; học sinh lúc này được nhìn như những chú rô bốt, nếu được thiết lập đúng hệ điều hành bền vững thì chắc chắn sẽ có thể sống bền vững. Nhưng thực tế có đơn giản vậy không?

VẬY NẾU GIÁO DỤC KHÔNG PHẢI CÔNG CỤ THÌ LÀ GÌ?

Mình nói như vậy không phải là để phản đối mục tiêu giáo dục để thúc đẩy phát triển bền vững mà là để mọi người cùng nhìn lại tính phức tạp của vấn đề. Vả lại, mình cũng nhân bài viết này để trả lời cho câu hỏi của một bạn độc giả về chuyện cá nhân mình, cũng như chiếc page này, sẽ giúp ích như thế nào cho việc giải quyết các vấn đề xã hội. Câu trả lời của mình là: 

Cá nhân mình hoặc page này không có mục đích giải quyết trực tiếp các vấn đề của xã hội và vì thế cũng không đưa ra giải pháp nào cả. Thay vào đó, mình cố gắng đặt lại vấn đề và mở ra các cách nhìn khác về giáo dục (bản thân mình hay dùng từ ‘sư phạm’ thay cho ‘giáo dục’ thì ấy cũng là một nỗ lực đề nhìn khác đi) và từ đó mỗi người sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình dựa trên tình huống cụ thể mà mỗi người gặp phải, điều kiện và hoàn cảnh của riêng người đó. 

Giáo dục không có đáp án đúng duy nhất, cũng không phải là sự trao truyền chân lý. Giáo dục là những nỗ lực nhìn khác, nghĩ khác đi, và làm khác đi. Quyết định hành động là ở nơi mỗi người. [3][4]

Tài liệu tham khảo:

[1] Evans, P., & Sewell, W. (2013). Neoliberalism: Policy Regimes, International Regimes, and Social Effects. In P. Hall & M. Lamont (Eds.), Social Resilience in the Neoliberal Era (pp. 35-68). Cambridge: Cambridge University Press. doi:10.1017/CBO9781139542425.005
[2] https://donhuquenh.com/hoc-tap-suot-doi-nhu-mot-cu-gay-te/ 
[3] https://donhuquenh.com/giao-duc-co-phai-la-su-trao-truyen-chan-ly/ 
[4] https://donhuquenh.com/khung-hoang-cua-chung-minh/ 

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]