Written by Tương giao với đời

Và em đã biết thương mẹ

Thương ai đó quả là một công việc nhọc nhằn, mặc dù không nhất thiết cứ phải nhọc nhằn thì mới là thương. Thương sẽ đỡ vất vả hơn nếu như người ta có dư cái gì đó để mà cho; còn nếu không, thương sẽ là bào mòn thân thể – thứ duy nhất mà người ta có và người ta có thể bắt nó tuân theo ý muốn chủ quan – để đổi lấy những mẻ cua cá, những hộp sữa Milo, một ngôi nhà đủ rộng để có một phòng học riêng, và những thì giờ tập trung suy nghĩ cho cái người mà họ thương. Quá trình thương ấy rất là khốc liệt, những cơ thể gầy gò rất có thể là biểu hiện của việc gánh trên vai quá nhiều niềm thương. 

Nếu thương ai đó và được họ hiểu cho thì còn là may mắn. Còn đâu thì toàn là nỗi tủi hờn không biết san sẻ với ai, khi mà cái người mình hết lòng thương cứ nhất nhất không chịu hiểu cho mình rằng mình đang thương họ. Đôi khi tủi hờn tích góp lại nhiều quá, biến thành những cơn giận dỗi vu vơ, và đôi khi biến thành những gán mác đầy cay đắng. Tình thế đâm ra là người thương cũng buồn, mà người được thương cũng chẳng thể hé nổi nụ cười. 

Không phải người được thương hững hờ, thực ra họ cũng rất khao khát được tỏ bày. Nhưng than ôi, vẻ ngác ngơ cùng muôn vàn nỗi niềm riêng tư ngăn họ cất lời. Họ biết rằng người thương còn đang bận lo cho họ nhiều quá, thời gian đâu mà lắng nghe những chuyện “cỏn con”. Và thế là họ thu mình lại, lạnh tanh, như thể rằng vẻ lạnh tanh ấy có thể giấu giếm đi hết sự mong manh đến tận cùng sâu thẳm, cứ như thể những cú vả tới tấp của cuộc đời chẳng thể khiến họ xi nhê dù chỉ 1cm. 

Người thương và người được thương đều bền bỉ cả. Họ cứ bền bỉ thương và chờ đợi một ngày nào đó người còn lại sẽ hiểu cho mình. 

Và ngày đó cũng đến, sau 12 năm ròng rã. Một ngày Quỳnh có thể mở camera khóc oà trước mặt Mẹ và có thể giãi bày được lý do tại sao Quỳnh khóc. 12 năm vừa qua, nước mắt gửi gắm vào một thùng sổ, giấy vụn, ướt nhẹp.

Thế là Quỳnh không cần phải sống với nỗi lo lắng hình như mình là đứa con duy nhất trên đời không thương mẹ. Thế là Quỳnh có thể không cần phải hoàn thành luận văn thạc sĩ về tình tử-mẫu mà Quỳnh đang làm, bởi cái đó cũng chỉ là một phần của câu hỏi “Rút cuộc mình có thương Mẹ không?”. Quỳnh cũng có thể không cần phải sinh con, như cách Mẹ hay nói “Rồi sau này con sinh con thì con sẽ hiểu được lòng mẹ.”

Đã từ mấy tuần trước, chứ không phải từ hôm nay, Quỳnh đã có thể bước đi trên mặt đất với sự tự do của một con người không còn xung đột với chính sự sống của mình. Sự sống của Quỳnh được bào ra từ cơ thể mẹ. 

Đây có lẽ là sinh nhật vui nhất trong cuộc đời Mẹ. Hôm trước Mẹ bảo Quỳnh rằng mấy chục năm qua Mẹ chỉ đợi có đến ngày Quỳnh hiểu cho mẹ. Cuộc đời mẹ thế là mãn nguyện, không còn có gì để mà trông mong hơn nữa. 

Mừng tuổi thanh niên Mẹ, dù vắt mũi chưa sạch và tóc còn xanh mướt nhưng rất hay đòi lên chức. Chắc là phải nhờ cậy đến Bết. Việc nặng nhường mẹ, việc khó nhường em. :p

Click to rate this post!
[Total: 2 Average: 5]