Vậy là đã đọc xong bộ Hồi ký của Sư cô Chân Không. Riêng sáng nay cứ mê mẩn từng trang sách của Tập 4, lúc nhận ra thì cũng chỉ còn mấy chục trang, nên là đọc hết luôn.
Mình đã có thật nhiều cung bậc cảm xúc khi đọc bộ sách, mỗi trang viết là mỗi kiểu rung động khác nhau:
khi thì thấy Sư cô dí dỏm quá đỗi, kể cả khi viết về những cơn giận, chúng khiến mình cứ ôm bụng cười khúc khích, ôi sao mà cái cách người ta giận nhau cũng trở nên đáng yêu quá đỗi;
khi thì dớ dẩn tới dễ thương trong câu chuyện Sư cô bị bỏ tù nhưng chưa học được chánh niệm nên không biết sống sao cho trọn vẹn với nhà tù;
khi thì thương nhớ đầy vơi, đặc biệt trong những bức thư qua lại giữa thi sĩ Hoàng Cầm và Cần Thơ (giả danh của Sư cô), nó làm mình cũng bồi hồi thơ thẩn nhớ thương dáng hình một người xưa cũ trong hình hài của người hiện tại. Đọc thơ của Lê Thương, thơ của Hoàng Cầm thì như được tưới tắm vào tâm hồn, giá mà thời đi học phổ thông mình biết được những điều này thì mình đã không phải cố gắng nhiều như thế để yêu thơ và cảm thụ văn học;
khi thì lòng đau như cắt, trong những bài thơ của Sư Ông viết về em bé bơ vơ sau cơn lũ hay thuật lại giai đoạn lịch sử thuyền nhân đau thương của đất nước. Mình hoàn toàn không có một chút hiểu biết nào về giai đoạn đó, cho tới khi đọc được hồi ký của Sư cô. Mình cứ vừa đọc vừa ứa nước mắt. Có những lúc chợp mắt mình giật mình thảng thốt thấy cảnh mình vùng vẫy giữa biển khơi mênh mông sóng nước và chết chìm trong cái dồn dập của đại dương.
Rất nhiều rung động với cuốn sách, và cái rung động nhất là sự tỉnh lặng. Tỉnh lặng là sự tĩnh lặng trong tỉnh thức, vì thế nó không phải cái cái lặng im của chết chóc, mà là cái lặng im của sự sống sinh sôi.
Đọc hồi ký của Sư cô thì như là sống trong năng lượng thiền quán, vì ắt hẳn Sư cô đã viết những dòng này với rất nhiều năng lượng từ bi. Ở con chữ nào cũng thấy (sự) hiểu và (sự) thương.Mình vừa đọc sách vừa quán chiếu, thấy mình có thật nhiều hạnh phúc. Không có con người nào tội lỗi cả, chỉ có những cái thấy chưa đúng và những cái thấy u mê làm họ trở nên kém dễ thương.
Mình xin trích lại một đoạn trong bài thơ Em bé lên sáu của thi sĩ Hoàng Cầm, đoạn thơ thật thiền:
“Chị đội bỗng lùi lại
Nhìn đứa bé mồ côi
Cố tìm vết thù địch
Chỉ thấy một con người.”
Mong là bộ sách sẽ đi trăm ngả và mang đến sự tỉnh lặng cho nhiều người.
Trân quý,
Hà Nội ngày sang đông, nắng vàng và trời xanh cao vời vợi
Như Quềnh