Written by Nghĩ về giáo dục

Học không phải để trở thành người tốt mà là …

Trong phần lớn quãng đời đi học của mình, tôi thường được dạy rằng mục tiêu của việc học là để trở thành người tốt (cho xã hội). Chắc cũng vì thế mà những diễn ngôn về ‘truyền cảm hứng’, ‘lan toả điều tích cực’, hay ‘đưa ra lời khuyên’ đang rất được ưa chuộng. Ngay những người bạn đồng niên mà tôi học cùng chương trình thạc sĩ bây giờ cũng rất hăng hái đưa ra lời khuyên/giải pháp khi chúng tôi thảo luận về các vấn đề xã hội, mặc dù chương trình theo đuổi định hướng phê phán (critical) và lịch sử (historical).

Tôi nghĩ cách hành xử như thế thì rất là dễ bởi nó giả định rằng người đưa ra lời khuyên nghiễm nhiên là “người tốt”. Không những thế, nó còn giả định tính không phụ thuộc giữa người đưa ra lời khuyên và hiện tượng/sự việc, hay nói một cách nôm na là “Ôi, tôi có liên quan quái gì đến cái vấn đề này đâu.”

Hai giả định này đương nhiên là nguy hiểm vì chúng cổ xuý cho sự nông cạn và thờ ơ nằm sâu sâu bên trong những người đó. Bởi để đưa ra lời khuyên được thì buộc một người phải nhìn hiện tượng theo lối nhị nguyên, có đúng có sai. Nhưng thực tế thì đặc quánh các vỉa tầng của (các miền) nghĩa, làm sao ta có thể kết luận nhanh chóng là cái gì đúng cái gì sai? Như vậy thì chính cái người đưa ra lời khuyên cũng đang vướng mắc vào vô minh của tư duy nhị nguyên, làm sao họ có thể đưa ra một lời khuyên “đúng đắn” đươc? Hơn nữa, nếu người đó chỉ nhìn sự vật theo lối đúng/sai, thiện/ác, thì vô hình chung họ chỉ nắm được cái bên ngoài của hiện tượng chứ không bỏ công bỏ sức đào sâu nghiên cứu xem sắc thái và tính riêng biệt trong hiện tượng đó ra sao, như vậy là đang thờ ơ chứ còn sao nữa.

Vấn đề được đặt ra bây giờ là: Nếu không phải học để trở thành người tốt thì để làm gì?

Câu trả lời của tôi là: Học là để trang bị cho mình khả năng phản tư, để biết mình đang ngu muội ở đâu, và từ đó bớt tổn thương/gây hại cho những người xung quanh.

Vậy làm thế nào để nhận diện những ‘lớp màn vô minh’ bao vây suy nghĩ, lối sống của chúng ta? Dựa vào hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi thấy có 2 lối đi như sau:

  1. Đọc và hiểu “discourse” (diễn ngôn) của Michel Foucault. Dựa vào lăng kính của diễn ngôn, ta có thể nhận diện được một số kiểu nghĩ ngợi, nói năng mà rất có thể đang chi phối con người ví dụ như neoliberalism (chủ nghĩa tân tự do) ở thế kỷ 21. Nghĩ theo kiểu tân tự do thì biểu hiện là thích đi đo đạc, chuẩn hoá, và tin rằng những kết quả định lượng ấy phản ánh ‘sự thật’ hay là ‘điều đúng đắn’. [1]
  2. Quán chiếu theo “lòng tham” và “sợ hãi” theo con đường đạo Phật. Mỗi khi mình làm gì đó mình thử nghĩ xem mình làm điều đó vì mình tham muốn gì đó cho mình hay mình đang sợ hãi điều gì. Cái này thì phải nhìn thật sâu sâu sâu mới thấy được vì biểu hiện bên ngoài có thể là rất đẹp đẽ. Ví dụ, khi một người nói yêu người kia thì phải xem xét xem tình yêu đó có xuất phát từ mong muốn trao tặng cuộc đời mình cho họ, hay là chỉ yêu để mình cảm thấy có giá trị và khoả lấp được cảm giác cô đơn? [2]

Khi tôi phản tư theo hai cách trên, tôi cảm thấy sợ hãi và rụt rè trong mỗi hành động của mình. Tôi mất rất nhiều thời gian để suy xét xem cái gì là đúng đắn, đôi khi tôi cũng chẳng biết cái gì là đúng. Khi không còn biết cái gì là đúng, tôi đâm ra dành nhiều thời gian hơn để hiểu cho người khác, để cảm thông cho họ, và như thế có lẽ là khiến họ bớt hoang mang?

Kết lại, với tôi thì mục đích của việc học không nên là để trở thành người tốt hay người có ích vì như thế nó ngầm giả định rằng tất cả mọi người sau khi tốt nghiệp (cấp 3, đại học, cao học) đều có thể “khẳng định” mình là người tốt. Tuy vậy, như tôi nói ở trên, nếu một người nghĩ về mình là người tốt thì sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ. Do đó, việc học nên là để nhận ra mình sai ở đâu và sửa, hay nói cách khác ấy là để ‘tu thân’. Cái thân này có định tĩnh trong lành sáng suốt thì mới mang đến bình an cho người khác được, nhỉ?

Quềnh

Tài liệu tham khảo:

[1] Fendler, L. (2010). Michel Foucault. Continuum.

[2] Bài giảng của Hoà thượng Thích Viên Minh về lòng tham và sợ hãi: http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=phapthoai&function=detail&page=1&id=507

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]