Trước giờ page thường đề cập tới các phẩm chất sư phạm (ví dụ như phẩm chất chính trị [1], phẩm chất phản tư [2]) chứ ít khi viết về các hình thái sư phạm , bởi lẽ các hình thái sư phạm có thể xuất hiện trong muôn hình vạn trạng chứ không bị giới hạn vào bất cứ dạng thức cứng nhắc nào. Tuy vậy, việc giới thiệu các hình thái sư phạm có lẽ cũng là cần thiết để mọi người có thể hình dung về cách thực hành sư phạm “chuẩn mực” và dựa vào đó để đánh giá, hoàn thiện các thực hành sư phạm của bản thân.
Với mục đích trên, bài viết này sẽ giới thiệu 03 ví dụ của hình thái sư phạm mà thầy Jan Masschelein đã nếu ra trong bài thuyết giảng nghỉ hưu của thầy vào tháng 9/2022 vừa qua [3]. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra các phẩm chất sư phạm xuất hiện trong 03 hình thái sư phạm kể trên và, dưới góc nhìn sư phạm, đưa ra nhìn nhận về sự chuyển biến trong làm nghề của JVevermind và Trấn Thành trong YouTube video có tựa đề “Mình suýt gạt tay trúng má Trấn Thành” (đăng tải vào ngày 15/05/2023) [4].
HÌNH THÁI SƯ PHẠM (pedagogical forms): 3 VÍ DỤ
Mối quan tâm về các hình thái sư phạm đương nhiên không phải là một ý nghĩ chớp nhoáng tự nhiên xuất hiện trước mắt thầy Jan và các cộng sự, mà là một lời hồi đáp trước thực trạng công cụ hoá và thương mại hoá giáo dục. Công cụ hoá giáo dục không chỉ đặt trường học trước nguy cơ bị tha hoá thành các nhà máy học tập (learning factories), mà đã thực sự “ép buộc” trường học vận hành như một nhà máy, với quy trình sản xuất công nghiệp dựa trên tiêu chuẩn định lượng sẵn có. Đứng trước thực trạng này, thầy Jan nêu lên tầm quan trọng của các hình thái sư phạm mà ở đó không có sự xuất hiện của bất cứ quy trình sản xuất hay tiêu chuẩn định lượng nào. Tóm lược của 03 ví dụ như sau:
1. Oikoten (Từ nhà ra thế giới)
Oikoten là tên của một sáng kiến bắt đầu vào năm 1982 bởi một nhóm tình nguyện viên làm việc với nhóm thanh niên bất mãn chế độ. Bấy giờ nhóm thanh niên đang được quản thúc trong một ngôi trường giáo dưỡng mà một khi đã vào thì không có đường ra. Ý tưởng của sáng kiến này là giao cho các thanh niên một thử thách bộ hành từ Mol (Bỉ) tới Compostella (Tây Ban Nha) trong vòng 04 tháng; nếu trong 04 tháng đó mà họ không vi phạm (quá nhiều) luật thì họ sẽ được trắng án và được trả tự do. Các tình nguyện viên đưa ra ý tưởng như vậy vì họ không thể chấp nhận bản án định mệnh “chôn sống trong Mol” cho các thanh niên. Thay vào đó, họ tin rằng nhóm thanh niên này vẫn có cơ hội sống một cuộc đời tự do trong tương lai, mặc cho các bằng chứng về lý lịch cá nhân hay kết quả nghiên cứu xã hội học đều chứng minh điều ngược lại. Nhóm tình nguyện viên sau đó đã biến niềm tin của họ thành hành động. (Kết quả thì nằm ngoài phạm vi quan tâm của phẩm chất sư phạm nên không được đề cập tới trong bài giảng.)
Một điểm rất hay ở cái tên Oikoten này là ở gốc từ oikos. Trong tiếng Hy Lạp oikos có nghĩa là “nhà,” (home), ám chỉ những trật tự sẵn có của xã hội như kiểu “con vua rồi lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”; từ “ten” là “from.” Cả cụm oikoten có nghĩa là “from home,” là chỉ tới những thực hành nhằm vượt qua cái trật tự sẵn có của xã hội và mở ra các khả thể mới.
2. The hospital school (Ngôi trường bệnh viện)
Ngôi trường bệnh viện là một dự án dạy học các môn văn hoá (như văn, toán, …) dành cho trẻ em mắc bệnh nan y. Ngay khi nghe về dự án này chắc nhiều người sẽ thắc mắc: “Tụi nhỏ đã bị vậy rồi mà còn học hành làm gì nữa, cho tụi nhỏ xem phim ảnh hoặc chơi game qua ngày là được rồi.” Nhưng thầy Jan không nghĩ vậy. Với thầy, một ngôi trường bệnh viện dường như lại là một ngôi trường hoàn hảo vì nó không còn phục vụ cho bất kỳ mục đích rõ ràng nào hoặc dẫn đến bất kỳ điều gì cụ thể. Ý nghĩa của ngôi trường không nằm ở những kết quả bên ngoài nó (ví dụ: bằng tốt nghiệp, cánh cửa vào đại học, hoặc thị trường việc làm); và chính vì vậy, nó bắt đầu tạo dựng ý nghĩa từ bên trong (ví dụ như niềm chú tâm với môn học, khả năng quan sát thế giới xung quanh.)
3. The lecture (Bài giảng/Thuyết giảng)
Sự phổ biến của công nghệ trong những thập kỷ gần đây đã khiến cho hình thức thuyết giảng bị xem là “lỗi thời.” Tuy vậy, cái tinh tuý của thuyết giảng mà các hình thức giảng dạy sử dụng công nghệ không làm được là khả năng mời gọi học trò làm cái gì đó CÙNG NHAU và do đó mang lại sự CỘNG HƯỞNG về mặt tinh thần/trí tuệ. Trong tiếng Hà Lan, bài giảng là hoorcollege, trong đó “hoor” ám chỉ tới “horen” – nghĩa là hearing, “co” có gốc là từ “com” trong tiếng Latin – nghĩa là together, còn “lege” có gốc là từ “legere” trong tiếng Latin – nghĩa là speaking and reading. Vậy từ hoorcollege có nghĩa là hearing-together-the speaking/reading: sự học diễn ra khi chúng ta cùng nhau-nghe-những gì được nói/đọc/viết với tất cả sự chú tâm và lòng hiếu kỳ. Một bài giảng thành công là một bài giảng có thể mang được một học vấn (subject matter) vào tâm điểm của sự chú ý, khiến học vấn đó cất lời và mời gọi những chiêm nghiệm từ quá khứ tới hiện nơi học trò.
03 PHẨM CHẤT CỦA HÌNH THÁI SƯ PHẠM (hay là của sự học study)
03 phẩm chất mà mình sắp nói tới sau đây thực ra đã được mình đề cập nhiều lần trong các bài viết trước của page, tuy vậy mình vẫn muốn nhắc lại vì ấy cũng là những ý chính mà mình rút ra trong bản toàn văn bài thuyết giảng về hưu của thầy Jan. Dù không thể đầy đủ như bản toàn văn nhưng bản tóm lược về hình thái sư phạm nói trên cũng hi vọng là sẽ làm sáng tỏ 03 phẩm chất sau đây:
1. Suspension of the past (Sự ngưng lại của quá khứ)
Bước vào không gian sư phạm là bước vào thế giới của sự có thể (possible). Không có một người thầy chân chính nào lại nghĩ là học trò của mình không thể làm điều gì đó, bởi không gian lớp học là không gian mà mọi nguồn gốc xuất thân hay kết quả học tập trước đó đều bị đặt ra bên ngoài cánh cửa. Mặc dù nghe có vẻ khó tin nhưng người thầy thực sự tin rằng tất cả các học trò đều có khả năng học tập như nhau và cơ hội chuyển hoá/lớn lên cũng là tương đương nhau.
Ví dụ 1 ở trên chính là biểu hiện của suspension of time. Nhóm thanh niên bất mãn chế độ đó vốn đã có một tương lai định sẵn dựa trên lý lịch cá nhân, tuy vậy việc mời gọi họ vào một chuyến bộ hành chính là việc mang họ ra khỏi không gian của “định mệnh” và tạo ra khả thể khác cho cuộc sống của họ.
2. Free time (Hay còn là free-from-the-economic time)
Free time bình thường hay được hiểu là thời gian rảnh rỗi mà ở đó con người sử dụng cho các hoạt động vui chơi giải trí. Nhưng trong bối cảnh sư phạm, free time được hiểu là thời gian phi-kinh-tế, tức là khoảng thời gian mà con người không bị nỗi lo cơm áo gạo tiền và ti tỉ các việc không tên (trong gia đình) bủa vây. Thời gian tự do ấy, con người có thể sử dụng để sáng tạo (ví dụ như các loại hình nghệ thuật dân gian thường xuất phát từ khoảng thời gian nông nhàn đan xen giữa những vụ mùa) và mang tới những lối sống (forms of life) mới.
Ví dụ 2 ở trên chính là biểu hiện của free time. Bởi lẽ nếu cho tụi nhỏ chơi để quên đi cơn đau và những nỗi bất hạnh là đang giết thời gian của chúng, thời gian khi ấy là thụ động. Nhưng nếu mình dùng thời gian ấy để tìm hiểu một học vấn (subject matters) nào đó thì tức là thời gian đã được đối xử như một thực thể sống với tất cả sự sinh động trong nó. Ai mà biết được những đứa trẻ sẽ khám phá ra điều gì trong lúc chúng học, phải không nào?
3. Relation to the world (Liên hệ với thế giới)
Thế giới ở đây là gì? Là tất cả mọi sự mọi vật mà con người có thể tri giác được. Mọi sự mọi vật một khi được mang vào không gian của bài giảng là sẽ khoác cho mình mình một tấm áo mới, là sẽ trở thành học vấn (subject matters). Một người thầy hoặc một người trò chân chính là một người phù thuỷ biến ra phép thuật khiến các học vấn thu hút sự chú ý của mình và khiến họ đặt một vạn câu hỏi vì sao trước vấn đề đó. (Tại sao việc liên hệ với thế giới lại quan trọng thì mời các bạn đọc bài viết [5] và [6].)
Ví dụ 3 về thuyết giảng chính là biểu hiện của mối liên hệ này. Không chỉ dừng lại ở mối liên hệ, một bài giảng hay còn mang tới cảm giác đồng hành (togetherness) và sự cộng hưởng (resonance) hoặc sự lây lan (contagion) khả năng tập trung. Có bạn nào ở đây đã từng trải qua cảm giác hạnh phúc mỗi lần được lên lớp nghe giảng trong khi với cùng bài học đó mà phải xem lại video thì rất là chán và buồn ngủ không?
Lưu ý: Dù mình chỉ lấy 01 ví dụ cho mỗi phẩm chất nhưng 03 phẩm chất này phải xuất hiện đồng thời để có thể tạo ra một không gian sư phạm đúng nghĩa. Các ví dụ kể trên đều có 03 phẩm chất nhưng vì giới hạn độ dài của bài viết nên mình chỉ phân tính 01 phẩm chất tiêu biểu.
LIÊN HỆ TỚI “JV SUÝT GẠT MÁ TT”
Cùng thời điểm mình đọc bài giảng của thầy Jan cũng là thời điểm mà mạng xã hội rần rần YouTube video có tựa đề “Mình suýt gạt tay trúng má Trấn Thành” của JVevermind. Mình đột nhiên nảy ra ý định muốn phân tích case này từ góc nhìn sư phạm.
Oh…… waittt!! Trước khi mình đưa ra câu trả lời của mình thì các bạn thử nghĩ xem những chi tiết nào trong video thể hiện được 03 phẩm chất kể trên nhé! 😆Gợi ý là các bạn có thể tập trung xem từ phút 7:22 tới hết video.
Mình sẽ post câu trả lời của mình sau khi nhận được ít nhất 3 câu trả lời của các bạn nhé!
Câu trả lời:
Trong YouTube video của JV:
Từ phút 7:22 tới 8:15 => having no relation to the world (Thế giới bên ngoài TT chỉ toàn là… lời khen về TT nên quanh đi quẩn lại TT vẫn đang đứng yên tại chỗ chứ không hề vươn ra bên ngoài để chạm tới những gì không phải là bản thân anh.)
Từ phút 8:16 tới 8:49 => having no free time (TT chay quá nhiều show và không có thời gian để nhìn lại bản thân.)
Từ phút 8:49 tới 9:08 => opportunities for suspension of the past (JV có nói về việc đây là khoảng thời gian tốt nhất để TT nhìn lại bản thân và thể hiện niềm tin rằng bất cứ ai cũng đều có cơ hội thay đổi.)
Đoạn còn lại: Biểu hiện của transformation. (Nếu TT thay đổi thì phản ứng với JV sẽ ra sao.)
Nhân video này cũng muốn nói thêm rằng: Các hình thái sư phạm có thể diễn ra ở khắp mọi nơi chứ không chỉ giới hạn trong không gian lớp học, và người học trò có thể tự làm thầy cho chính mình như cách JV tự nhìn thấy cái tôi quá lớn của bản thân và quyết định dành ra 3 năm free time để suy ngẫm về điều đó. Kết quả của sự suy ngẫm này thì mọi người đã đều thấy trên video.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://donhuquenh.com/tai-sao-nguoi-thay-luon-co-pham-chat-chinh-tri/[2] https://donhuquenh.com/hoc-khong-phai-de-tro-thanh-nguoi-tot-ma-la/
[3] https://respaedagogica.be/en/pub/time-regarding-pedagogical-forms
[4] https://www.youtube.com/watch?v=D4kzSU5d4QQ
[5] https://donhuquenh.com/tiktok-suc-sang-tao-va-kha-the-cua-su-hoc/
[6] https://donhuquenh.com/tai-tao-the-gioi-la-gi-va-tai-sao-cach-van-hanh-cua-tiktok-lai-khong-lam-duoc-dieu-do/