Hà Nội, ngày 24.08.2020
Dear Quyết thối,
Tu tập là một hành trình cần rất nhiều sự dũng cảm. Nếu em đọc cuốn Đường xưa mây trắng của thầy Nhất Hạnh thì em sẽ hiểu được Bụt (Buddha) đã dũng cảm ra sau, đã trải qua những khó khăn nào để tới gần hơn với giác ngộ. Theo như những gì chị hiểu và trải nghiệm qua tu tập thì sự dũng cảm đến từ 3 phương diện:
- Dũng cảm buông bỏ
- Dũng cảm đối diện với bản thân mình
- Dũng cảm để đi một mình
Hoa trái của việc tu tập không đến từ việc cầu nguyện các thánh thần ban phước lành, mà đến từ việc hiểu rõ hơn những vận hành mang tính nhân-quả trong vũ trụ này. Khi một người khổ, họ cần có sự an ủi và như thế họ đi tới chùa hoặc nhà thờ. Nhưng điều đó chỉ trấn an họ được một lát thôi chứ chẳng thể nào an yên được mãi, vì cuộc sống này là một chuỗi những sự kiện/hành động (karma) mà có thể làm phiền lòng bất cứ ai. Do vậy, cầu nguyện chỉ là một giải pháp tức thời và hời hợt. Thay vào đó, một người có thể lựa chọn tu tập đàng hoàng. Khi đọc các tác phầm [1] mà chị giới thiệu cho em hôm trước, em sẽ thấy là các bậc giác ngộ đều chia sẻ chung rằng những cái mình có thể tri nhận được bằng năm giác quan và trí óc trong đời sống này đều là những cái thấy “sai”. Hãy nghĩ tới ví dụ này, khi em bước đi trên mặt đất bao la, em sẽ thấy Trái Đất này thật lo lớn phải không? Nhưng khi một phi hành gia bay trong vũ trụ thì sao? Liệu họ có còn cảm thấy Trái Đất rộng lớn? Sự thật là không. Vậy quan sát nào đúng hơn? Chẳng có cái nào đúng hơn cái nào cả. Do vậy, bài học đầu tiên cần hiểu khi học về đạo Bụt là việc buông bỏ cái thấy sai của mình. Đọc tới đây chắc chắn em sẽ băn khoăn là có những điều em thấy đúng và có những hành động mà em chắc chắn là mình đã làm theo lẽ phải thì làm sao mà sai được? Hãy dừng lại vài phút và suy nghĩ xem nó có đúng/sai theo cách vận hành của vũ trụ hay không? hay chỉ là đúng/sai theo một tư tưởng nào đó trong xã hội mà thôi? Ví thử như việc em đi chùa cầu nguyện cho một năm mới dồi dào sức khoẻ thì sẽ là “đúng” trong đời sống này phải không? Nhưng khi mình quy chiếu nó vào trong quy luật của vũ trụ thì sẽ thấy nó “sai”, vì mọi thứ đã có trật tự của nó, giờ cầu sức khoẻ là để chống lại luật sinh-diệt hay sao? Vậy bây giờ, ngay cả khi em nghĩ mình “đúng”, thì thực ra quan niệm đó cũng chưa hẳn đã đúng. Khi em nhận biết rằng mình có thể sai, em sẽ không còn than thân trách phận rằng tại sao ông trời quá đỗi bất công với mình, hay than rằng tại sao mình sống tử tế như vậy mà gặp toàn những điều chẳng lành. Do vậy, bài học đầu tiên là buông bỏ cái cố chấp đúng/sai trong mình.
Cũng phải nói thêm rằng, cái cố chấp đúng/sai là kết quả của tâm trí (mind). Khi thực hành buông bỏ đúng/sai, ta sẽ đi vào giai đoạn vô trí (no mind). Khi đó ta sẽ cảm thấy bấp bênh vô cùng vì ta không còn gì để bám víu nữa. Trước đó ta có tâm trí “thông mình” để bám víu mà nghĩ rằng ta là người thông minh, rằng ta có đó và mọi người nên ít nhất là tôn trọng ta. Nhưng khi ta “vô trí” – buông bỏ những thường niệm về đúng/sai – ta sẽ không còn định nghĩa được mình là ai/cái gì nữa. Ta cảm thấy mông lung và chơi vơi giữa cuộc đời. Những lúc như thế, ta cần có dũng cảm để đối diện với sự thật là “ta chẳng là ai/cái gì” trong đời sống này cả. Ta rút cục là một đám năng lượng trôi nổi trong không gian [2], hoặc là một tập hợp đậm đặc của vật chất, nguyên tử, phân tử [3]. Ấy là sự dũng cảm đối diện với cái không của chính mình.
Khi ta đã hiểu bài học buông bỏ, ta bắt đầu tự đặt câu hỏi với mọi thứ xung quanh. Liệu ta có cần nai lưng đi làm để kiếm tiền, để mua nhà, mua xe, đầu tư hay không? Nếu ta không màng tới những thứ đó thì sao? Xã hội này sẽ gào thét rằng: phải có nhà lầu xe hơi thì mới là thành công chứ, sống như thế này chẳng khác nào một kẻ thất bại. Vì xã hội cứ gào vào tai ta những điều như thế, ta quyết định nghỉ chơi với xã hội và ta sẽ không còn cảm thấy thoải mái với bạn bè ta như trước nữa. Dần dần ta phải học cách chơi một mình. Mà một mình thì (ban đầu/tạm thời) sẽ cô đơn. Dần dà đi vào Đạo thì sẽ thấy tình yêu và tình thương nảy nở trong lòng và sẽ thấy tròn đầy, nhưng ban đầu sẽ luôn là sự cô đơn. Thế nên mới phải dũng cảm vượt qua giai đoạn đó.
Chị mong là em có một chút hiểu hơn về đạo Bụt sau khi đọc lá thư này.
Chị của em,
Quỳnh uỳnh uỳnh
Danh mục tài liệu tham khảo
[1] Đường xưa mây trắng (Thích Nhất Hạnh), Chuyển pháp luân (Lý Hồng Chí), Tình yêu-tự do-một mình (Osho), Sống trong thực tại (Thích Viên Minh)
[2] Hành trình của linh hồn (Michael Newton)
[3] Muôn kiếp nhân sinh (Nguyên Phong)