Written by Nghĩ về giáo dục

#26 Learn, study, và liên hệ với Đạo Phật

Trong một bài viết trước đây [1] mình có đề cập tới sự khác biệt của hai thuật ngữ “learn” và “study” và nhận được câu hỏi rằng liệu có thể tìm đến tài liệu nào để hiểu rõ hơn về sự khác biệt kỳ thú này. Khi ấy mình không có câu trả lời. Những gì mình viết ra là dựa trên một chi tiết trong bài giảng trên lớp của Giáo sư chứ mình chưa tiếp cận được tài liệu.

May thay, mình cuối cùng cũng gặp được cơ sở lý thuyết cho “learn” và “study” khi đọc về lý thuyết sư phạm của Giorgio Agamben [2]. Horray! Nếu bạn quan tâm thì có thể đọc toàn văn ở link trích dẫn ở tài liệu tham khảo, còn sau đây là một số tóm tắt và phản tư của mình:

Bối cảnh

Lý thuyết sư phạm của Agamben được đặt trên bối cảnh là sự lên ngôi của diễn ngôn “life-long learning” (học tập suốt đời). Để hiểu hơn về tính chất và hệ quả của life-long learning, bạn có thể đọc ở bài viết “Học tập suốt đời như một cú gây tê” của mình nhé [3].

Learning là gì?

Theo Agamben, learning luôn cần có đối tượng, hay có thể hiểu là một môn học hay một kỹ năng, trong đó người học (được yêu cầu) rèn luyện để đạt được hiểu biết về đối tượng đó. Sau khi đã xác định được đối tượng học tập, learning sẽ bắt đầu diễn ra khi một người nảy sinh ý định (intention) thu nạp đối tượng đó. Intention là bước đầu tiên. Sau intention là một chuỗi kinh nghiệm (experiences) bao gồm nghe giảng, làm bài tập, thuyết trình, hoạt động nhóm, cốt sao để thụ đắc được càng nhiều tri thức về đối tượng đó càng tốt.

Bước cuối cùng, và cũng là mấu chốt của learning, là quá trình kiểm tra đánh giá (assessment) được thực hiện bởi một giám sát viên ngoại tuyến (tức là người không trực tiếp giảng dạy môn học đó). Mục đích của bước kiểm tra đánh giá này là để định lượng (quantify) tiến bộ của người học và thu thập bằng chứng về sự tiến bộ đó (evidence). Một ví dụ hết sức phổ biến và rõ ràng của learning là các bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ/quản lý/tài chính, vân vân và mây mây.

Trong quy trình ba bước này, vai trò của giáo dục (education) chỉ nằm vỏn vẹn ở bước số hai (experiences). Vô hình chung giáo dục được xem như một cầu nối giữa ‘ý định học tập’ (intention) và ‘thành quả học tập’ (evidence) mà trong đó evidence là cái được coi trọng nhất. Nhưng nếu giáo dục bị giản lược thành một bước trung gian (a means to another end) thì có gì đó sai sai, bạn nhỉ?

Tại sao phải là study?

Dùng từ study thay vì learn là một nỗ lực chống phá diễn ngôn life-long learning. Study mang lại sức nặng cho education như là một thực hành có ý nghĩa của riêng nó chữ không phải là công cụ của những người chẳng liên quan gì đến việc dạy và học. Cá nhân mình khi dùng từ study thì luôn gắn nó với pedagogy (sư phạm) chứ không muốn gắn nó với education (giáo dục) vì cứ nhắc đến giáo dục là người ta sẽ nghĩ ngay tới giáo dục để làm cái a, b, c, x, y, z gì đó. Sư phạm thì có nhiều đất cho study hơn.

Quay lại với Agamben, study là sự học mà không hề hướng tới thành quả (evidence), thậm chí không quan tâm đến evidence. Study nằm ngoài tất cả các thang đo, nhưng không có nghĩa là nó cổ xuý cho việc không học hành gì cả. Đối tượng học vẫn có đó, nhưng nó không bị chi phối bởi các hình thức kiểm tra đánh giá, và do đó có thể mở ra các “cách dùng” khác. Ví dụ như trong một lớp học luyện thi, người thầy hoàn toàn có thể gạt cái mục đích luyện thi sang một bên mà hướng học trò tới cái subject matters, một khi đã thuần thục cái subject matters thì những bài kiểm tra đánh giá không còn là nỗi ám ảnh nữa.

Phản tư

Khi mình nêu ví dụ rằng study có thể đạt được khi thầy-trò không bị chi phối bởi kiểm tra đánh giá thì mình cũng cùng lúc ý thức được thực tế là rất khó khăn. Có khi là giáo viên không bị chi phối nhưng học sinh thì lại cứ nhắc nhở thầy hoài vì áp lực đồng trang lứa; bạn con đạt được chứng chỉ này rồi mà con thì chưa. Hoặc có khi là học sinh không bị chi phối nhưng giáo viên lại dẫn dắt trò đi theo hướng kiểm tra đánh giá, vì chính sách của hệ thống giáo dục, vì quy chế nhà trường, hoặc vì những mưu sinh cuộc sống.

Dù đẹp đẽ nhưng study vẫn được giới hàn lâm học sĩ phương Tây xem là mơ mộng hão huyền. Học (learning) mà đạt được thành quả thì rất dễ hiểu, dễ hình dung, vì nó định lượng được mà. Nhưng học (study) mà để mở ra các khả thể khác thì mênh mông vô định quá, lòng kiên nhẫn để chờ tới ngày thay da đổi thịt (transformation) thì có hạn, người ta không biết phải đi về đâu cũng là điều dễ hiểu.

Đi về đâu?

Nhắc tới study là nhắc tới khả năng chuyển hoá, hay còn gọi là sự biến đổi từ bên trong. Biến đổi về kiến thức thì dễ đo đạc, chứ chuyển đổi về nhận thức, tâm tính hay tinh thần (spiritual) thì khó nắm bắt và cần nhiều thời gian. Có hai gợi ý về điểm quy chiếu của study như thế này:

  • Chữ tình: Nếu learning nhấn mạnh vào evidence và tính chuyển nhượng (transferability) của thành quả học tập, thì study hướng đến tính riêng biệt (peculiar) và không thể thay thế (irreplaceable). Theo cách vận hành của learning thì bất cứ người nào có chứng chỉ/bằng cấp X đều có thể làm việc tại vị trí Y trong công ty Z, kiểu như một mắt xích trong một bộ máy vận hành lớn và bất cứ mắt xích nào cũng có thể thay thế được bằng một mấu tương tự. Nhưng với study thì không phải thế. Study là để hiểu được sự kết nối giữa vạn vật và trở về gắn kết và cắm rễ vào những điều gần gũi thiêng liêng. Chẳng có mỗi quan hệ giữa hai người/vật nào là giống nhau, và vì thế sự mất đi của một mắt xích có thể sẽ là một mất mát không thể thay thế.
  • Chữ ngộ: Đạo Phật với tinh thần nguyên thuỷ có tính chuyển hoá mạnh hơn rất nhiều so với study, mặc dù study cũng phần nào truyển tải được khả năng chuyển hoá đó. Ở khả thể này, study quay về đối diện với chính mình, liên tục quan sát, liên tục tỉnh thức, liên tục bóc tách các lớp vô minh. Study này không học thêm bất cứ điều gì, mà chỉ buông bớt ra bởi vì bên trong nó đã đầy đủ và trọn vẹn. Study này chủ yếu là quá trình tự học, bởi căn cơ trình độ của mỗi người là khác nhau chứ khó lòng có trường lớp nào dạy được.

Kết lại

Vì không nói rõ ra từ khi thành lập page nên mình cũng muốn nhân cơ hội này bày tỏ quan điểm của page là theo cách học study. Dù mình biết không phải ai cũng có điều kiện hoàn cảnh tốt để study (vì study cần rất nhiều thời gian phi lao động), mình vẫn cặm cụi viết những dòng này để thắp một ngọn lửa hi vọng rằng tất cả mọi người, trong một quãng đời nào đó, đều có cơ hội study say đắm tới mức thuần thục một subject matters nào đó mà không bị nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây. <3

Quềnh.


Tài liệu đọc thêm:

[1] https://donhuquenh.com/learn-khac-gi-voi-study/
[2] Lewis, T. E. (2018). Giorgio Agamben. In P. Smeyers, Ed.; 1st edition 2018, International Handbook of Philosophy of Education. Springer International Publishing. https://doi.org/10.1007/978-3-319-72761-5
Link download book chapters:

[3] https://donhuquenh.com/hoc-tap-suot-doi-nhu-mot-cu-gay-te/

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]