Written by Tự tình với... sách

Vị ngọt của mầm đá

Mình vừa đọc xong 3 cuốn sách.

Cuốn thứ nhất là: Ngoại ô (Nguyễn Đình Lạp) – Sách anh Tùng tặng sinh nhật mình hồi năm ngoái.
Cuốn thứ hai là: Đất lề quê thói (Nhất Thanh) – Cuốn này thì tự mua ở Nhã Nam, nhân dịp đi tìm cuốn Quê hương tôi (Tràng Thiên) mà không tìm được.
Cuốn thứ ba là: Văn học Việt Nam Dòng riêng giữa Nguồn chung (Trần Ngọc Vương) – Cuốn này là Minh Hằng cho mượn, trong một nỗ lực xoá mù chữ cho Như Quỳnh. 

Ngoại ô (Nguyễn Đình Lạp), Đất lề quê thói (Nhất Thanh),
và Văn học Việt Nam Dòng riêng giữa Nguồn chung (Trần Ngọc Vương)

Mình hết sức ngỡ ngàng khi phát hiện ra 3 cuốn sách này có mối liên hệ thực sự mật thiết tới nhau, vì thời điểm mình bắt đầu đọc mỗi cuốn đều là không có chủ ý và không nghĩ rằng chúng có thể liên quan nhiều tới vậy.

Cuốn thứ nhất là cuốn dễ đọc nhất, thuộc dòng Phóng sự tiểu thuyết, tái hiện lại khung cảnh địa lý nhân văn của một ô cửa ngõ Hà Nội cuối những năm 30 của thế kỷ XX. Cuốn thứ hai là tổng hợp các phong tục Việt Nam xưa-nay, cuốn này cũng dễ đọc. Mức độ khó tăng dần cho tới cuốn thứ ba, thuộc dòng sách chuyên khảo về văn-sử-triết học. Mình chưa đọc cuốn nào mà não cần hoạt động hết công suất như cuốn thứ ba. Đọc tiếng Việt mà cứ ngỡ là đọc tiếng Lào, có câu dài những 10 dòng, mình đọc lại 2 lần, sau đó phải ngồi xác định chủ ngữ vị ngữ trạng ngữ bổ ngữ, mãi mới hiểu lơ tơ mơ ý nghĩa của nó. Thú thật là, mỗi chương mình đều phải đọc ít nhất là 3 lần, nhiều nhất là 5 lần, chưa kể thêm 1 lần ngồi tóm tắt lại, thì mới nắm được sơ sơ nội dung của bài. Nhưng đúng là xơi mầm đá cũng có cái hay của riêng nó, càng xơi càng thấy ngọt lịm trong lòng. 

Nếu như cuốn thứ nhất là đĩa xôi vò hạt sen được phục vụ tươm tất trên bàn ăn, thì cuốn thứ hai đưa cho các vị thực khách công thức chế biến món ăn đó; tinh tế hơn một bậc, cuốn thứ ba là hồn cốt, là lời giải thích hết sức tỉ mẩn vì sao những người đầu bếp tài hoa đã nấu món xôi vò hạt sen theo cách này mà không phải cách kia. 

Ngoại ô được viết cách đây ngót 100 năm, nhưng mình vẫn thấy nguyên vẹn những hình ảnh đó trong cuộc sống thường nhật của mình. Đất lề quê thói, xuất bản lần đầu năm 1970, phân nửa các phong tục vẫn được thực hành theo lối 500 năm về trước. Văn học Dòng riêng giữa nguồn chung, xuất bản lần đầu năm 1997, viết về quá khứ, nhưng đồng thời tái hiện lối sống “hiện đại” mà 1000 năm trước người ta sống y chang như vậy. 

Ở lớp đĩa xôi vò hạt sen, cái ý nhị, cái duyên dáng nhất của Ngoại ô là cách xưng hô mà thời nay không còn mấy ai dùng. Chữ “Nhà” để chỉ người chồng trong “Nhà đứng làm gì đấy?” (Ngoại ô, tr.49) sao mà tình cảm quá đỗi. Nó gợi một cảm giác ấm áp và thân thuộc đến nao lòng, nghe xong làm gì có ai không muốn được vỗ về trong căn nhà ấm áp đấy cơ chứ. Cái duyên dáng còn nằm ở tục mời trà mời trầu khi có khách quý tới nhà, trong lòng chủ nhà thì khấp khởi bồn chồn có lời muốn thưa với khách lắm rồi, nhưng mà cứ phải “Miếng trầu là đầu câu chuyện” đã thì mới phải phép (Đất lề quê thói, tr.97). Hay khi xóm làng tụ họp nhằm giải quyết việc chung,  cái tình dường như vẫn được coi trọng hơn cái lý: “Nhưng bác chỉ biết chỗ lý mà quên hẳn chỗ tình.” (Ngoại ô, tr.186) 

Một vài ví dụ trên để thấy rằng xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, về hồn cốt, đậm đặc tư tưởng Nho giáo: vợ chồng với nhau vẫn nên “tương kính như tân”, có nét duyên dáng đấy, nhưng mà có phần là biểu hiện thâm nghiêm của “lễ” – tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống xã hội đều phải nhát nhất tuân theo những định ước hiếu, hỷ (Văn học VN…, tr.443); hay khi với khách khứa, tuyệt nhiên là không được suồng sã; thế còn trong cách cư xử với hàng xóm thì phụ thuộc vào thế giới quan mô hình gia đình (theo GS. Trần Ngọc Vương), nghĩa là hạnh phúc hay bất hạnh xảy ra với một con người cụ thể lại có quan hệ mật thiết với các thành viên khác của cả gia tộc, láng giềng với nhau thì coi nhau như tình thân, có trách nhiệm ngầm bao bọc che chở cho nhau, chữ “tình” ra đời là vì vâỵ. 

Nhưng cũng vì lẽ đó mà hình như con người ta quên mất việc sống của chính mình. 

Thể diện là cái to như con bò, còn bản thân cuộc sống của họ như thế nào thì chẳng ai đoái hoài! “Khốn khổ nhất là cái lời dị nghị bâng quơ của những người làng mạc vẫn bay đến tai bác luôn.” (Ngoại ô, tr.58), hay “Bác không nói gì nữa, lẩn thẩn nghĩ tới những tiếng đồn xôn xao về con gái mình.” (Ngoại ô, tr.220) Tiếng đồn đẩy một thanh niên 20 tuổi xuống cái ao bèo trong đêm tối tăm lạnh ngắt, tiếng đồn hoá điên và bức tử một người cha tần tảo; nhưng cũng trong cái tiếng đồn ấy, một thiếu nữ 17 tuổi được thôi thêm sức mạnh quyết tâm bỏ nhà bỏ cửa bỏ lại hai từ “bất hiếu”, chạy theo tiếng gọi của con tim. 

Tôn ti trật tự, một cách thể hiện của con người chức năng (theo GS. Trần Đình Hượu) cũng làm cho cuộc sống thêm vài phần rắc rối: “Anh em chả có bao lăm người, mình cũng phải ăn ở cho trên ra trên, dưới ra dưới.” (Ngoại ô, tr.53) “Để tôi phải nói với bác trưởng và bác cai gái đã… Kể thì một mình bác trưởng cũng đủ, bác cai tuy là bề trên nhưng là phận gái và ở xa xôi, ta tiệp diệp đi cũng được.” (Ngoại ô, tr.83) Trong xã hội Nho giáo, mỗi một con người có một chức năng trong chuỗi quan hệ, và đạo đức của họ là hoàn thành chức năng ấy (Nhà nho tài tử, tr.87) Ở đây, người nói đã thực hiện được đúng chức năng là phận bề dưới của mình, tự động tước bỏ khả năng trí tuệ của mình, cầu viện ý kiến của phận bề trên – người anh, người chị. Ấy là còn chưa kể tới tư tưởng trọng nam khinh nữ “nhưng là phận gái… ta tiệp diệp đi cũng được.” Ơ thế là thế nào!

Cũng không thấy gì làm lạ nếu vẫn bắt gặp những hình ảnh trên trong cuộc sống những năm 20 của thế kỷ XXI. Một người lớn nói với đứa nhỏ: “Trẻ ranh, biết gì mà nói!”, hay một người mẹ nhảy bổ lên: “Không, mẹ không đồng ý đâu nhé! Đừng có mà vớ vẩn.” khi con gái họ nghiêm túc trình bày ý định sống đơn thân, hay một bạn nam rất vô tư nói với bạn nữ là: “Con gái là không nên đi hát karaoke.” Đấy không phải là kì vọng về một con người chức năng trong Nho giáo thì là gì?

Đọc được chút ít, hiểu được thêm chút ít để biết được là mình và xã hội mình còn lâu lắm lắm nữa mới tiệm cận được với cái mác hiện đại mà nghìn loa phát thanh đang rêu rao. Nói gì thì nói, từ những năm được coi là đổi mới tới giờ, mới được cỡ 40 năm chứ mấy, ngằm nghè gì với lịch sử Nho giáo những già 7 thế kỷ. Nói như vậy, không có nghĩa là mình phủ nhận các giá trị truyền thống.

Đọc để hiểu hơn, đọc để thấy thông cảm hơn với thế hệ trước, rằng phần đa trong số họ vẫn đang nằm trọn vẹn trong ý thức hệ đó, đọc để bao dung hơn, bình tĩnh hơn, và học cách hướng những người xung quanh mình, mà trước tiên là những người thân của mình, theo hướng quan tâm tới chính bản thân họ hơn là cái thể diệntôn ti trật tự

Ăn mầm đá, chờ lâu, nhai lâu, nhưng đúng là ngọt thiệt 😀

Tài liệu tham khảo:

  1. Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Công ty Văn hoá & Truyền thông Nhã Nam, ấn bản 2018.
  2. Trần Đình Lạp, Ngoại ô, Công ty Văn hoá & Truyền thông Nhã Nam, ấn bản 2017. Ấn bản đầu do Hàn Thuyên thực hiện năm 1941.
  3. Trần Ngọc Vương, Văn học Việt Nam Dòng riêng giữa Nguồn chung, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, ấn bản 2018.
  4. Trần Ngọc Vương, Nhà nho tài tử, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, ấn bản 2018.
Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]