Written by Nghĩ về giáo dục

Tiktok, sức sáng tạo, và khả thể của sự học

Tháng trước mình và một bạn có tranh luận về khả năng sáng tạo trên không gian Tiktok. Luận điểm của bạn là: Tiktok tạo điều kiện cho giới trẻ sáng tạo và thay đổi thế giới; còn luận điểm của mình là: Chắc gì đã vậy!

Luận cứ của bạn (theo cách hiểu của mình) là: Những trò đùa nghịch (mà trông hơi ngớ ngẩn) trên Tiktok là mầm mống của sáng tạo, sau đó trích dẫn các tên tuổi lớn (như Marx, Khổng tử, …) để chứng minh là những người này cũng đã từng nghịch ngợm và sau này đều đã có những cống hiến vĩ đại cho nhận loại.

Về phần mình: Mình đồng ý rằng việc nghịch ngợm (đồng nghĩa với quá trình thử-sai liên tục) là xúc tác của sáng tạo. Tuy vậy, có 2 điều cần lưu ý ở đây rằng: (1.1) Các tên tuổi lớn mà bạn kể ra đều sinh ra trong gia đình học thức, tức là họ đã tích luỹ được một lượng tri thức nhất định về thế giới, và khi họ nghịch thì tức là họ đang thử nghiệm trên một nền tảng quá khứ đồ sộ và hiểu biết thấu đáo về bối cảnh lịch sử đương thời. Theo một cách nào đó, họ đang thách thức quá khứ và mở ra các khả thể mới cho thực tại và tương lai. (1.2) Quá trình thử-sai của họ không chịu sự giám sát liên tục của xã hội mà diễn ra trong âm thầm cho tới ngày nó đạt được độ chín muồi nhất định và được công chúng quan tâm. Mình sẽ giải thích thêm ở mục (2.2) bên dưới.

Vì mình không dùng Tiktok nên cũng không xem được hết các thể loại content, nhưng phần lớn những video mà mình có cơ hội được xem thì không có cái gốc như lưu ý (1.1) (các video về cuộc sống hằng ngày là một ví dụ điển hình), và luôn chịu sự giám sát chặt chẽ của dư luận như lưu ý (1.2), vậy nên mình thấy Tiktok chưa hẳn đã tạo điều kiện cho sự sáng tạo.

Cuộc tranh luận của hai bên không đi tới đâu cả vì hai bên có cách nghĩ rất khác nhau, sau đó một bên đã chủ động dừng phản hồi khi cảm thấy đã đến lúc. Lý do không tìm được tiếng nói chung có lẽ là do hai bên có hai cách hiểu hoàn toàn khác nhau về “sáng tạo và thay đổi thế giới.” Dưới góc nhìn sư phạm, mình hiểu “sáng tạo và thay đổi thế giới” đồng nghĩa với “transform and renew the world” (hiểu theo Hannah Adrent); còn mình đoán (và chỉ là đoán thôi vì mình chưa đủ căn cứ để kết luận) bạn hiểu là “innovate and changing the world” trong đó innovations được hiểu là thành công trong việc hiện thực hoá và thị trường hoá các ý tưởng mới.

Thế nào là transform và renew the world thì mình đã nói sơ lược ở (1.1), nếu để kỹ hơn thì cần một bài viết khác. Trong phạm vi của bài viết này mình sẽ bàn thêm về study như là một điều kiện cần để “transform and renew the world.” Luận điểm của mình là: Tiktok thì có vẻ như là hạn chế study hơn là tạo điều kiện cho study. Sau đây là 2 luận cứ:

(2.1) Study cần một sự chú tâm bền bỉ (prolonged attention); trong khi Tiktok đang cố gắng phân mảnh hoặc làm lố sự chú tâm đó (hyper-attention) và cùng lúc thuần hoá (tame) người dùng vào kiểu attention này. Thực tế này có lẽ sẽ đỡ hơn một chút với nhóm content creator vì ít nhất họ cũng cần tập trung tìm hiểu xem những content creator khác làm cái gì, cố gắng học theo và làm tốt hơn. Để làm tốt hơn thì cũng cần nhiều attention. Còn lại thì nhóm người xem Tiktok thuần tuý thường là được đặt vào cách vận hành này.

(2.2) Study đòi hỏi tính tàng hình (invisibility); trong khi Tiktok và mạng xã hội nói chung luôn khơi gợi tính hiện hình (visibility), hiểu nôm na là có hiện hình thì sản phẩm mới được công chúng biết đến và mới bán được hàng. Một đứa trẻ có thể tìm tòi và sáng tạo mỗi ngày, nó có thể thử những điều ngốc nghếch, và nó hoàn toàn có thể lớn lên lành mạnh với việc giữ gìn những điều ngốc nghếch trong không gian mà nó thấy an toàn. Ngược lại, nếu đứa trẻ đó suốt ngày bị dòm ngó, mà ở đây là nó dòm chính nó (ở đây có thể liên hệ với governmentality của Foucault) thì làm sao nó có thể yên thân, yên tâm mà lớn lên được.

Vì hai lý do trên, mình nghĩ rằng Tiktok đang tạo ra nhiều hiểm nguy hơn là cơ hội cho sự học (study).

P/S: Không biết có bạn nào ở đây xem Tiktok và gặp một nội dung nào thuần tuý style Tiktok mà thoả mãn được lưu ý (1.1) và (1.2) không thì giới thiệu cho mình với chứ mình cũng tò mò lắm. Các sản phẩm âm nhạc thành công như Thị Mầu của Hoà Minzy gần đây thì không tính nhé, vì mình sẽ xếp nó vào lĩnh vực âm nhạc và chỉ sử dụng Tiktok như một kênh quảng bá thôi.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]