Written by Nghĩ về giáo dục

Liệu việc học có luôn tốt?

Kế tiếp bài viết “Người thầy có thể làm gì để giáo dục đạt được tính trưởng thành?” [1], tôi muốn giãi bày một trải nghiệm giáo dục có tính trưởng thành mà tôi đã trải qua để các bạn có một hình dung cụ thể tính trưởng thành là như thế nào. 

Khi mới tốt nghiệp đại học, tôi có một niềm tin sắt đá rằng việc học (learning) sẽ giúp con người hiểu biết hơn và tử tế hơn. Tôi bám vào hình mẫu trí thức tri thức và đạo đức đầy mình của cô tôi để củng cố niềm tin ấy. 

Đứt gãy (disruption) xảy ra khi cuộc đời đưa đẩy tôi chơi thân với một người bạn (mà giờ đây tôi có thể nghĩ về bạn như một người thầy). Người bạn đó đã học xong bậc tiến sĩ và đang cựa quậy muốn bước chân ra khỏi sự học bởi bạn thấy nó bạo lực quá. Bạo lực ở đây có thể được hiểu là: sự học không những không giúp con người ta mở rộng trái tim mà ngược lại càng trở nên ích kỷ và hẹp hòi. 

Tôi tò mò về quan sát đó của bạn. Sau rất nhiều giờ trò chuyện, bỗng bạn đặt câu hỏi cho tôi: 

“Rút cuộc thì học để làm gì nhỉ?”

Tôi đơ người. Hoang mang bủa vây. Chẳng phải học để hiểu biết hơn và tử tế hơn đó sao? Nhưng hiểu biết hơn liệu có là cơ sở cho sự tử tế không? Vừa có vừa không. Bởi, sau khi chính mình kinh qua tính bạo lực của sự “hiểu biết hơn”, tôi mới phân biệt được có vô vàn kiểu “hiểu biết hơn.”

Có kiểu “hiểu biết hơn” sẽ chỉ khiến con người quàng thêm những gông cùm vào cổ, mà đa phần là như thế [2]. Còn có những “hiểu biết hơn” sẽ chuyển hoá thành tuệ giác khi nó giúp người học nhận ra vô thường vô ngã. Kiểu hiểu biết hơn thứ nhất gắn với learn, còn kiểu hiểu biết hơn thứ hai được gắn với study. Study thì có tính đứt gãy (disruption), còn learn thì không. 

Sau khi tìm được một nẻo đường hướng về vô thường vô ngã của sự học hàn lâm [3], tôi quyết định tiếp tục việc học. Nhìn từ bên ngoài, tôi đi học thì vẫn là đi học, nhưng ở sâu bên trong thì tôi có những chuyển hoá như sau: 

  • Tôi đi học nhưng không còn bám chấp vào ý niệm cần phải học giỏi nữa. Đi học thì tôi cố gắng hiểu bài, hiểu được tinh thần của môn học, mục tiêu học là qua môn chứ không mong đạt điểm cao. 
  • Tôi không cảm thấy việc học của mình có gì là xịn xò hơn các việc khác (mặc dù tôi luôn biết ơn rằng việc học giúp tôi bóc tách được nhiều lớp nghĩa của các hiện tượng đời sống hơn). Mọi con đường đều có thể dẫn tới sự nhận biết vô thường vô ngã.
  • Tôi nhận thấy sự học không có gì là to tát. Việc học được ca tụng chẳng qua là bởi thiết chế xã hội khoa cử và sự lên ngôi của nền kinh tế dựa vào sự mua bán tri thức (the knowledge economy).
  • Tôi có thể ngưng việc học (learn) bất cứ lúc nào.
  • Tôi cảnh giác với bất cứ lời nói, hành vi nào của tôi, bởi rất có khả năng vì dựa vào một ý niệm nào đó mà tôi đang thực hành bạo lực.

Ấy là sự gián đoạn mà tôi đã trải qua trong những năm tháng tuổi hăm ba, hăm bốn. Sau gián đoạn, đúng là tôi đã lột da, thay máu cho ý niệm học hành của mình. 

Các bạn có trải nghiệm tương tự nào không?

P/s: Ở bài viết kế tiếp, tôi sẽ phân biệt sự học theo kiểu learn và kiểu study. 

————————————————— 
Tài liệu đọc thêm:
[1] https://donhuquenh.com/nguoi-thay-co-the-lam-gi-de-giao-duc-dat-duoc-tinh-truong-thanh/ 
[2] https://donhuquenh.com/khung-khong-khung-dong-khung-va-dap-khung/ 
[3]https://donhuquenh.com/con-duong-tam-linh-va-con-duong-hoc-thuat/ 

Click to rate this post!
[Total: 4 Average: 3.5]