Ở trong tiếng Việt, hai từ learn và study đều có nghĩa là “học.” Hồi xưa cũng có lần cô giáo tiếng Anh của mình phân biệt hai từ đó, cô bảo learn có nghĩa là học ở đâu cũng được, còn study thì có nghĩa là việc học diễn ra ở trường. Cách hiểu đó cũng có thể là “đúng” ở một khía cạnh nào đấy.
Tại thời điểm này, mình phân biệt hai từ learn và study theo tham chiếu về khả năng chuyển hoá (the ability to transform):
- Learn thì không hàm chứa trong nó khả năng chuyển hoá còn study thì có.
- Learn không hàm chứa tính giáo dục còn trong study thì có.
- Learn dựa trên sự tuyến tính trong nấc thang học hành, nghề nghiệp, còn study dựa trên sự đứt gãy của nhận thức bên trong, vì thế có thể dẫn dắt đời sống đi theo hàng trăm hàng nghìn cách khác nhau.
Nếu dựa trên khả năng chuyển hoá, learn và study có thể xảy ra ở khắp mọi nơi. Ở trường học – môi trường vẫn thường được coi là có tính giáo dục nhiều nhất – đôi khi lại là nơi mà learning diễn ra nhiều nhất. Tương tự, trong đời sống hằng ngày, bỗng vô tình ta va đập vào một câu nói nào đó khiến ta bừng tỉnh và bỗng dưng đặt một dấu hỏi chấm lớn cho sự tồn tại của mình thì ấy lại là một khoảnh khắc của studying.
Một phép thử đơn giản xem mình đang learn hay đang study là ghi chép lại những điều mình không thể nào chấp nhận nổi. Sau một thời gian thì xem lại ghi chép đó, nếu mình vẫn không chấp nhận nổi những điều đó thì tức là mình chỉ tiếp tục learn thôi. Nếu mình đã chấp nhận được những điều trước đây mình không ưa nổi thì tức là đã có cái gì đó chuyển hoá bên trong, mình đã trở thành một con người khác.
Đời sống là hữu hạn, do đó study nên được ưu tiên hơn learn. Tuy vậy, đi tìm sự study ở đâu thì đòi hỏi một sự chú tâm lớn, một quyết tâm lớn và một khả năng chịu đau tốt. Bởi, như một con rắn lột da, study biến ta thành con người khác.
Quềnh.
P/s: Ở bài viết kế tiếp, tôi sẽ viết về lifelong learning (học tập suốt đời) – một diễn ngôn phổ biến trong những thập kỷ gần đây – và mối nguy hiểm của nó.