ĐẶT VẤN ĐỀ
Song hành với sự nở rộ của các lớp học kỹ năng trong những năm gần đây là sự mở rộng về nghĩa của khái niệm “giáo dục.” Giáo dục vốn là hoạt động khu biệt nơi trường học thì nay xuất hiện ở khắp mọi nơi, bất cứ khi nào, bao gồm bất cứ hoạt động học tập nào người tham gia có thể lĩnh hội được thêm kiến thức hay kỹ năng (ví dụ: các lớp học vẽ, học viết nhật ký cảm xúc, học thuyết trình, học kinh doanh, học khởi nghiệp,…). Dường như là ở bất cứ nơi đâu có “học” (learn) thì ở đó có “giáo dục.” Những hoạt động học tập này không còn chỉ có chức năng phụ trợ cho các lớp học chính khoá ở trường nữa mà thậm chí còn lấn át chúng và khiến trường học “đổi mới” theo hướng thiên về dạy kỹ năng thay vì dạy “lý thuyết suông.” Các cuộc tranh luận về vai trò, vị trí, ý nghĩa, phạm vi của giáo dục từ đó có cơ hội nổ ra và đôi khi rơi vào bùng nhùng bế tắc. Bế tắc này, theo Frank Furedi, là bởi những người tham vấn vẫn chưa thực sự trả lời được câu hỏi cốt lõi “Giáo dục là gì?”.
GIÁO DỤC LÀ GÌ VÀ Ý NGHĨA?
Theo Hannah Arendt, giáo dục là nơi cái cũ chạm cái mới, quá khứ giao tương lai, thế hệ trước gặp thế hệ sau, và cũng chính là nơi người lớn nhận lấy trách nhiệm trao truyền di sản của quá khứ cho người trẻ. Cũng do vị trí như vậy mà giáo dục được đặc trưng bởi mối liên kết liên thế hệ (intergenerational relationship). Mối liên kết này bền chặt hay lỏng lẻo quyết định tới sự tồn vong của thế giới vì bà tin rằng nếu con trẻ không nắm được, không hiểu về thế giới mà chúng được sinh ra thì chúng sẽ né tránh thời cuộc và khó mà tìm ra được những phương cách phù hợp để tránh những thảm hoạ, chiến tranh, và tiến xa hơn là tái tạo thế giới [1]. Việc người lớn có thể làm cho con trẻ chú tâm tới xã hội đương thời, suy nghĩ, hành động vì tương lai của xã hội đó chính là ý nghĩa của giáo dục.
“Yet there is no getting away from the fact that schooling only becomes education when it mediates a generational transaction through which the young become acquainted with their past and acquire knowledge necessary to understand the present and engage with the future.” ([2], tr. 61)
“Không thể nào né tránh sự thật rằng dạy và học chỉ có thể thực sự trở thành giáo dục khi nó có thể điều phối một kết giao liên thế hệ mà ở đó người trẻ dần làm quen với quá khứ, lĩnh hội đủ kiến thức cần thiết để hiểu về hiện tại và cam kết với tương lai.”
PHẢI LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÁO DỤC BIỂU ĐẠT ĐƯỢC Ý NGHĨA ĐÓ?
Giáo dục lúc này cần hướng về quá khứ chứ không phải tương lai. Việc người lớn cần làm là dạy cho con trẻ biết về lịch sử, về những thay đổi trong tư tưởng nhân loại, về nguồn gốc và sự phát triển của các khái niệm, thuật ngữ, các sự kiện gắn với sự ra đời/diệt vong của các diễn ngôn đương thời. Việc làm như vậy cốt để làm sao con trẻ tiếp xúc được với nguồn tài nguyên trí tuệ (intellectuall resources) tích luỹ từ ngàn xưa và tiếp tục khảo cứu những vấn đề còn dang dở. (xem [2], tr. 59)
Cần phải lưu ý rằng việc kế thừa di sản tri thức này không chỉ là chấp nhận một cách mùa quáng bất cứ thứ gì cha ông để lại, mà còn là quá trình mỗi người tiếp tục chiêm nghiệm, soi xét các vấn đề cũ, tìm ra lời giải hoặc thách thức chúng, từ đó khám phá ra thêm những ngóc ngách mới của vấn đề. Chính tư duy phê phán đó mới là tài sản vô giá mà thế hệ trẻ có thể lưu giữ và đóng góp cho quá khứ cũng như tương lai.
Khi giáo dục hướng về quá khứ, các tri thức không thể gắn trực tiếp với sở thích hay mối quan tâm của con trẻ (như trào lưu giáo dục personalized learning đang theo đuổi) được. Không thể bởi vì trải nghiệm sống của loài người (thể hiện qua lý thuyết, tư tưởng, phát minh) đương nhiên là vĩ đại hơn rất nhiều so với trải nghiệm sống chỉ một vài năm của con trẻ, vậy nên nó không thể nào gắn ngay với mối quan tâm tức thời của trẻ được. Hơn nữa, các tri thức cũng không nên chỉ gắn với sở thích của đứa trẻ vì nếu như vậy thì nhân sinh quan của đứa trẻ chỉ to bằng … chính nó. Như vậy là tước đi quyền được nhìn xa trông rộng của đứa nhỏ. (xem [2], tr. 55)
Tương tự, các tri thức mà có khả năng truyền tải ý nghĩa của giáo dục thì không thể mang tính ứng dụng tức thời. Tính ứng dụng là cái có thể giúp chúng ta thao tác một công việc, một nhiệm vụ trong đời sống hằng ngày nào đó; tuy vậy, đào sâu vào lý thuyết mới là cái giúp chúng ta của sau này có được manh mối cho những câu hỏi hiện sinh lúc bấy giờ. (xem [2], tr. 56)
Một khi hướng về quá khứ, mối quan tâm của giáo dục không còn là việc dạy kỹ năng sống (the art of living) nữa, cũng không còn là việc đào tạo nghề; vì cả hai việc này đều chỉ đang xem con trẻ là những thực tập sinh mang tâm thế thụ động, chỉ đang cố rèn luyện để chuẩn bị “đối phó” với cuộc đời. Theo Furedi, dạy và học như thế chỉ là đang làm nhỏ bé sức vóc của thế hệ trẻ. Thay vào đó, con trẻ cần được giảng giải tường tận về thế giới và chính chúng sẽ là những cư dân mới đầy tự tin và trách nhiệm. (xem [2], tr. 59)
TẠI SAO GIÁO DỤC HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI LẠI KHÔNG ỔN?
Học tập để thích nghi với các biến động trong tương lai là mục tiêu giáo dục của thế kỷ XXI. Mục tiêu này có vấn đề ở chỗ là nếu cứ khăng khăng thay đổi trong khi không hề dựa trên di sản tri thức, đạo đức từ quá khứ thì làm sao ta có thể biết được rằng thay đổi đó có cần thiết hay không? Cũng tương tự như việc làm nghiên cứu khoa học/nhân văn, nếu không khảo cứu những công trình nghiên cứu trước đó thì làm sao chúng ta có thể biết rằng ý tưởng của mình là mới mẻ và có ý nghĩa nào đó cho ngành học?
Nguy hiểm hơn, thực hành giáo dục hướng tới tương lai rất mâu thuẫn với ý nghĩa nội tại của giáo dục bởi ở đó người lớn đã tự cho mình cái quyền quyết định con trẻ cần học gì và không cần học gì. Thay vì cung cấp cho chúng nguồn tài nguyên trí tuệ dồi dào từ quá khứ và để chúng tuỳ ý sử dụng, người lớn vạch ra những mục tiêu học tập cụ thể và kì vọng rằng con trẻ cần phải đạt được những mục tiêu đó. Con trẻ do đó bị tước đi quyền được tìm hiểu quá khứ, quyền được chiêm ngưỡng thế giới rộng lớn bao la mà chúng được sinh ra, quyền được chiêm nghiệm và gánh vác tránh nhiệm duy trì thế giới ấy. (xem [2], tr. 52)
THỜI ĐIỂM NÀO LÀ THÍCH HỢP CHO GIÁO DỤC?
“But education, as distinguished from learning, must have a predictable end. In our civilization this end probably coincides with graduation from college rather than with graduation from high school, for the professional training in universities or technical schools, though it always has something to do with education, is nevertheless in itself a kind of specialization. It no longer aims to introduce the young person to the world as a whole, but rather to a particular, limited segment of it.” ([3], tr. 192)
Khác với “learning”, Arendt cho rằng “education” cần phải có điểm kết thúc. Điểm kết thúc này nếu khớp theo chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam thì tương đương với tốt nghiệp lớp 12, bởi sau đó, dù học sinh theo học đại học hay trường nghề thì vẫn là một dạng đào tạo ngành nghề và chỉ tập trung vào một chuyên môn cụ thể. Khi chỉ được đào tạo một chuyên môn cụ thể thì hoạt động dạy học không thể truyền tải tính toàn thể của thế giới, do đó mất đi cái ý nghĩa của giáo dục.
BÌNH LUẬN CŨNG NHƯ LỜI KẾT
Khi biết được rằng làm giáo dục là phải được kế thừa và tiếp nối các tri thức hàn lâm thì chắc sẽ có người đặt câu hỏi rằng: Liệu như vậy thì có sang chảnh quá không? Liệu có khả thi cho nhóm học sinh có hoàn cảnh trung bình tới khó khăn không? Đúng là làm giáo dục kiểu này khó mà khả thi, bởi trước những năm 1960 thì chỉ có giới quý tộc mới có cơ hội được đàm đạo triết học, lịch sử; tuy vậy, khó không có nghĩa là không làm được. Muốn có được cả hệ thống giáo dục phổ thông đều làm giáo dục thì phải trải qua rất nhiều thế hệ cùng tích luỹ. Việc cần làm mà có lẽ những người làm chính sách đương đại sẽ không cảm thấy thuyết phục chính là xây dựng lại một chương trình học hướng về quá khứ (và hiện tại, chứ không phải sự bấp bênh của tương lai) như đã đề cập ở trên.
P/s: Mình hơi lăn tăn về từ “world” – thế giới mà Arendt dùng, không biết nó chỉ tới thế giới loài người hay là thế giới vạn vật. Câu hỏi này chắc phải đọc thêm nhiều nữa để có thể trả lời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Muốn hiểu sự khác nhau giữa “tái tạo” và “sáng tạo”, xin mời đọc thêm bài viết https://donhuquenh.com/tiktok-suc-sang-tao-va-kha-the-cua-su-hoc/[2] Furedi, F. (2009). Wasted: Why education isn’t educating. Continuum.
[3] Arendt, H. (2006). Between past and future. Penguin Books.