Written by Tương giao với đời

Dị biệt kề bên nhau

Tối qua đi ăn với N, T, và Đ. 4 người, mà thực ra là 3 người vì T ko đóng góp ý kiến gì, đã có một cuộc trò chuyện khá lý thú để mà từ đấy mình biết rằng Nho giáo đã làm ngu đi bao nhiêu con người trong cái xã hội Việt Nam này. Chẳng có gì để chê trách, vì hoàn cảnh lịch sử không mở ra không gian cho con người được tiếp xúc với những điều khác với bình thường, và kết cục là trong giới hạn khả năng suy nghĩ liên tưởng của họ thì cũng chỉ có một đáp án đúng mà thôi. 

Khi bàn luận về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, Đ nói rằng cuộc sống này (có thể hiểu là cuộc sống của riêng Đ) nên có 2 mục đích: Thứ nhất là phụng dưỡng cha mẹ, Đ cụ thể hoá mục tiêu này bằng câu nói: hãy thành công trước khi bố mẹ mình già đi; thứ hai là để lại di sản cho con cháu. Đ lý giải rằng làm được hai việc đó thì mình mới sống trọn vẹn. Con cái thành công thì cha mẹ mới có thể hạnh phúc. Khi được hỏi tiếp về định nghĩa của “thành công”, Đ trả lời “thành công” được đo đạc bởi tiền tài, danh vọng, và hạnh phúc. 

Mình và N thì không đồng ý với quan điểm này. Bọn mình cho rằng hạnh phúc của cha mẹ không phụ thuộc vào và cũng không nên bị phụ thuộc vào thành công của con cái. Tiền tài danh vọng là những cái không gắn liền với bản thể hạnh phúc, hạnh phúc là tự thân, nếu con cái tự chịu trách nhiệm được cho cuộc sống của mình (chịu trách nhiệm ở đây xin đừng hiểu lầm là chỉ về tiền bạc) và tự cảm thấy hạnh phúc thì đó là một niềm hạnh phúc của cha mẹ rồi. Nói ra những điều này không phải để cổ xuý lối sống ích kỷ và phủ nhận trách nhiệm của con cái với cha mẹ. Bọn mình có niềm tin rằng nếu là con người với con người thì sẽ nảy nở tình thương, con thương cha/mẹ vì con thấy những nỗi khổ của cha mẹ, con thương cha/mẹ trong tình thương giữa con người với con người, chứ không phải vì chức danh “cha” và “mẹ” kìm cặp con trong một niềm thương có điều kiện. 

Đ tin vào đa số, tin vào tính khách quan, đa số mọi người hành xử như vậy thì cái giá trị chi phối cách hành xử được chấp nhận là đúng, còn thiểu số có thể là không đúng do đó không nên tuân theo. Vì tin vào đa số nên sẽ tin vào số liệu, được quy chiếu trong thuyết thực chứng luận (positivism). Thật khó để không lấy hệ quy chiếu từ những con số vì cuộc sống của Đ gắn liền với chúng. 

Mình và N thì tin vào cá nhân, tin vào tính chủ quan, và tin vào bối cảnh lịch sử tạo tác ra hành động. Bọn mình ủng hộ cho thuyết kiến tạo (constructivism), mọi giá trị đều là sản phẩm của kiến tạo. Ví dụ như một nhóm người trong xã hội Việt Nam tin rằng để có hiếu với cha mẹ thì con cái bắt buộc phải thành công, phải làm ông nọ bà kia, như thế cha mẹ mới nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Niềm tin ấy được tạo dựng từ lý tưởng “học để làm quan” trong Nho giáo, hay cũng liên quan tới tính “danh chính ngôn thuận”. Một niềm tin như thế không cho phép con người được quan tâm tới cuộc sống cá nhân họ, vô hình chung nô lệ hoá con người từ đời này qua đời khác. Theo tiến trình lịch sử, niềm tin này hoàn toàn có thể bị đạp đổ và thay thế bằng những giá trị mới. 

Khi nghe mọi người tranh luận, mình cảm nhận được sâu sắc mối liên hệ giữa ngôn ngữ và suy nghĩ. Ngôn ngữ không phải chỉ để biểu đạt suy nghĩ, mà ngôn ngữ chính là suy nghĩ. Ví dụ khi nghe N kể một câu chuyện, Đ có phản ứng là “Ôi chị ấy suy nghĩ tiêu cực nhỉ!”, “tiêu cực” ở đây là suy nghĩ của Đ chứ không phải suy nghĩ của “chị ấy”. Bản thể não bộ xử lý thông tin thành hai mảng sáng/tối, trắng/đen, tốt/xấu, đúng/sai thì thông tin tiếp nhận đầu vào nào cũng sẽ phân cực ra như vậy. Thật là thú vị khi có được ví dụ trực quan như thế trong khi quan sát chính mình và những người xung quanh. 

Ba người có những quan điểm thật là khác nhau. Đ thì hướng tới tiếng nói chung, mình với N thì hướng tới việc học cách chấp nhận những tiếng nói riêng chứ không hướng tới việc tìm ra giải pháp. Đây là một cơ hội rất tốt để lắng nghe, để biết về những khác biệt, và đề rèn luyện sự kiên nhẫn.

Chưa đổ máu tức là đã thành công rồi! 

Quềnh.

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]