Hà Nội ngày 26/08/2020
Chị thương mến,
Theo em hiểu thì buông bỏ không phải là cắt đứt mọi sợi dây liên hệ với những người xung quanh, không phải là sống phóng túng bừa bãi như lối sống YOLO (You Only Live Once) mà đang được cổ xuý trong giới trẻ, mà là buông bỏ sự sở hữu, hay còn gọi là cái “bản ngã”, cái “tôi” hay cái “của tôi”.
Thoạt nghe thì sẽ thấy điều này rất vô lý, nhưng khi quán chiếu sâu hơn một chút ta sẽ nhận ra là cái “tôi” này không phải là một thứ cố định, tồn tại bất biến, hay có bản sắc. Theo đạo Bụt, cái “tôi” hiện hữu này là hiện hữu của đủ các nhân-duyên trên đời. Bây giờ mình thử nghĩ xem, nếu không có khí quyển, nếu không có nước, nếu không có các loại vật chất, nếu không có cây cối và thức ăn thì liệu có tồn tại cái thân thể này không? Khi mình bóc tách các hạt vật chất trong cơ thể này ra thì “tôi” không còn là “tôi nữa”. Do vậy, cái “tôi” và cái “không tôi” tồn tại cùng lúc, ấy là lý do tại sao Bụt lại giảng về chuyện “không có cũng không không”. Sự tồn tại của cái “tôi” cũng là sự tồn tại của cả vũ trụ, vũ trụ này không nằm ngoài tôi, và tôi thì nằm trong cái vận hành chung của cả vũ trụ.
Hiểu được như thế là bước đầu dẫn tới giải thoát khỏi khổ đau, bởi khổ đau là vọng niệm của “cái tôi”, khi “cái tôi” không còn thì lập tức “khổ đau” sẽ biến mất.
Trong quá trình tu tập, em đã quan sát được rất rất nhiều khổ đau xuất phát từ cái ý niệm “của tôi”, em xin kể chị nghe quá trình em chuyển hoá khổ đau thành hoan lạc:
Ví dụ 1: Đứa con này “của tôi” và những nổi khổ về con cái
Ủa đương nhiên khi người cha người mẹ sinh thành ra đứa bé, đứa con đó đương nhiên là của họ rồi nhỉ? Nhưng câu hỏi cần phải đặt ra ở đây là: “Liệu đứa con này thật sự có phải “của tôi” hay không?” và “Tôi có quyền năng tuyệt đối sở hữu đứa trẻ hay không?”. Theo góc nhìn của đạo Bụt thì câu trả lời là Không, bởi lý do sau đây: Cuộc sống này là luân hồi, con người cũng nằm trong vòng luân hồi, một (thứ tạm gọi là) linh hồn sẽ phải trải qua triệu triệu kiếp sống để học các bài học và trưởng thành chừng nào tới giác ngộ thì mới thôi, tuỳ vào nhân-duyên mà ở từng kiếp sống sẽ có những biểu hiện khác nhau, khi thì là cái cây, khi thì là hòn đá, khi thì là đám mây, khi thì là con chó, mục đích đều là học được những bài học cần thiết. Do đó khi một em bé ra đời thì em bé đó là biểu hiện của một linh hồn, linh hồn đó được vũ trụ sắp xếp để tái sinh vào một hoàn cảnh cụ thể thông qua một người nam và một người nữ, chứ không phải sự giao hợp nam nữ là khởi nguồn của một sinh linh. Nói theo một cách dễ hiểu hơn thì em bé sinh ra qua bố mẹ, chứ không sinh ra từ bố mẹ. Điều quan trọng hơn là, em bé không phải một tờ giấy trắng, mà rất có thể em bé là một linh hồn đã trưởng thành, thậm chí còn trưởng thành hơn nhiều so với linh hồn của bố và mẹ. Nói như vậy để hiểu là, vai trò của bố mẹ với con cái không phải là dạy bảo-nghe lời mà là mối quan hệ cùng nhau học tập và chiêm nghiệm cuộc sống. Các bố mẹ thường cho mình là sống lâu hơn nên suy xét mọi chuyện đúng đắn chín chắn hơn, và đưa ra lời khuyên cho con mình. Khi thấy con mình làm trái ý thì họ lại phiền lòng, nhưng thực ra điều đó là không cần thiết. Khi con cái có quyết định khác mình, ta có thể hỏi con xem logic của bạn ấy là gì, tại sao bạn ấy lại muốn hành động như thế, và không biết chừng bố mẹ còn thấy lý giải của con hợp tình hợp lý hơn lý giải của mình. Đứa trẻ là một cá thể độc lập, việc buông bỏ suy nghĩ “đứa con này của tôi và tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về đứa trẻ” là để giảm bớt áp lực cho bố mẹ. Khi bố mẹ hiểu rằng họ chỉ là một nhân duyên nhỏ xíu đóng góp vào sự hiện diện của đứa trẻ thì họ sẽ tôn trọng con cái mình hơn, sẽ dành thời gian để cùng học tập với con cái họ chứ không cần tới roi vọt và đe nẹt nữa.
Chốt lại ví dụ này là: việc buông bỏ con cái là việc buông bỏ suy nghĩ “con cái là của mình”, và thay bằng suy nghĩ “con cái là với mình”, mình rất yêu con và mình không mong chờ sự báo đáp, như vậy ta vẫn sống với nhau mà có thể giảm thiểu được khổ đau.
Ví dụ 2: Bài báo này “của tôi” và những nỗi dằn vặt trong học tập
Trước đây mình có viết chung bài báo với một tác giả, mình có đóng góp nhiều hơn cho bài báo nên tên mình sẽ được để lên trước khi bài báo được xuất bản. Tuy nhiên lúc đó mình đã có suy nghĩ rất nhỏ nhen rằng mình hoàn toàn có thể rút bài báo ra để tự xuất bản, vì mình thấy phần nhiều là công sức của mình. Nhưng đương nhiên mình không làm thế được, vì như thế chẳng khác nào một đứa vô liêm sỉ. Mình cứ tự dằn vặt bản thân, suốt cả tuần liền. Ngày nào cũng phải đối diện với suy nghĩ “Bài viết này là của tôi cơ mà!!!”, mình bực bản thân đến phát điên lên được. Thế rồi mình bắt đầu quán chiếu về những nhân duyên hợp thành bài báo. Mình cực kỳ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng hoá ra hạt mầm cho bài báo đã có cách đây 7 năm. Nếu như năm đó mình không say mê vấn đề X thì có lẽ mình đã không đi tìm vài chục cuốn sách viết về X để đọc, nếu như mình không gặp người Y thì có lẽ mình vẫn còn bị lối viết X làm cho mù quáng, nếu sau khi gặp Y mình không tiếp tục đọc và tìm tòi về các dẫn chứng chứng minh là X sai thì có lẽ mình vẫn không có đủ kiến thức để viết bài, và nếu như tác giả đó không rủ rê mình viết bài thì có lẽ bài báo đó đã chẳng bao giờ hiện hữu. Mình nghĩ được thế xong mình nhẹ hết cả lòng. Hoá ra bài báo không phải “của mình” mà chỉ thông qua mình để đến với bạn đọc mà thôi. Sau lần đó, mình đã viết một bài thơ để sám hối.
Ví dụ 3: Cơ thể này “của tôi” và sự chuẩn bị cho cái chết
Như đã nói ở trên, cơ thể này của tôi nhưng thực ra cũng không phải của tôi. Cơ thể này là “vô thường”, tức là luôn luôn biến đổi, mỗi một ngày có nhiều tế bào sinh ra tức là cũng có nhiều tế bào đang chết đi. Nói là con người sống thêm một giây cũng đúng mà con người chết đi một giây cũng đúng, vì là khoảnh khắc được sinh ra cũng là khoảnh khắc bắt đầu chết đi. Khi hiểu về sự cận kề và tự nhiên của cái chết như thế thì sẽ cảm thấy bớt sợ chết đi. Mình vẫn chăm bẵm cái thân thể này mỗi ngày nhưng điều đó không có nghĩa là mình lưu luyến nó. Lưu luyến là bám chấp, là bản ngã. Tương tự, mình vẫn làm những việc mà cấu trúc xã hội này yêu cầu như làm việc, kết hôn, sinh con, mua nhà, mua xe nhưng mình không bị bám chấp vào nó, mình không suy nghĩ rằng nhà của mình, xe của mình, vì rút cục thì cái đó cũng là do nhân duyên hợp/tan tạo thành. Ngày nào cũng quán tưởng về cái chết thì sẽ khiến nỗi lo sợ trở về hư không dần dà biến mất, vì chết không phải là kết thúc, mà chỉ là một điểm mà sự chuyển hoá từ dạng này dạng khác diễn ra.
Kết lại: Buông bỏ không phải là không làm gì, mà là vẫn làm nhưng không coi nó là lẽ sống của đời mình và cũng không coi nó thuộc sự sở hữu của mình. Buông bỏ trong các mối quan hệ có nghĩa là dù lựa chọn ở bên cạnh người đó hay không bên cạnh người đó thì cũng không oán trách họ, không giận họ, không đổ lỗi cho họ. Mà cái việc không trách không giận này phải đến từ sự hiểu lẽ vô thường và luân hồi, chứ không phải là một sự cao thượng kiểu như “không thèm giận”, như thế thì chẳng học được bài học gì cả. Nỗi giận hờn và oán trách vẫn sẽ còn đập đi đập lại, quan trọng là mình liên tục phản tư, liên tục quán chiếu những sự kiện đó trong vô thường và luân hồi. Buông bỏ trong học tập có nghĩa là vẫn đào sâu nghiên cứu nghiền ngẫm nhưng không bám chấp vào các lý thuyết đó, thực ra khi bắt đầu nhận ra cái hay của các lý thuyết thì cũng là lúc đang bám chấp, nhưng nếu chuyên tâm tu tập thì một thời gian sau sẽ không còn cảm thấy vướng mắc vào những lý thuyết đó nữa, không có lý thuyết đó cũng không sao, mà ngừng học thì cũng cảm thấy thanh thản.
Em mong chị luôn được tốt lành.
Em Quỳnh