Tôi nhớ lần cuối cùng mình đi chùa và cầu nguyện một cái gì đó là dịp tết Nguyên Đán năm 2018. Tôi thủ thỉ với Bụt là: Bụt ơi, nếu Người muốn con sống một cuộc đời không lãng phí, xin Người hãy cho con thật nhiều khó khăn.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong 4 năm qua, tôi biết là Bụt linh nghiệm. Mỗi một năm đi qua là một đổ vỡ lớn:
Năm 2018 chứng kiến đổ vỡ sâu sắc trong mối quan hệ con cái – cha mẹ, cũng vì mối bận tâm này mà tôi phát nguyện tu tập. Tôi tìm đến sự hỗ trợ của một vị Bụt và lần đầu tiên tôi cảm thấy tâm mình được cởi trói. Tôi có thể thôi mặc cảm tự ti về những lỗi lầm mà tôi không gây ra.
Năm 2019 thì đổ vỡ trong mối quan hệ người học – tri thức. Từ chỗ có niềm tin tuyệt đối vào vẻ đẹp của tri thức, tôi nhận ra rằng tri thức có rất nhiều bạo lực, người chơi hệ tri thức là người chơi được trao quyền rất lớn để làm tổn thương người khác trong khi họ cũng không biết được họ đang làm như thế. Sau khi thấy được thực tính của tri thức cũng như giới hàn lâm, tôi nảy nở trong lòng những niềm thương lớn. Tôi không bỏ tri thức (aka bỏ học) mà quyết định ở lại với tri thức trong tâm thế buông bỏ.
Năm 2020 thì đổ vỡ trong mối quan hệ người trao – người nhận. Bi kịch ở chỗ là người trao thì phơi bày hết ruột gan ra để người nhận thích lấy bao nhiêu thì lấy; trong khi đó người nhận còn nhiều hoài nghi, bẽn lẽn, mà cũng hơi bướng bỉnh, thế nên cứ hết lần này đến lần khác từ chối tấm lòng của người trao. Trong tình huống như thế, người trao có thể làm được gì ngoài rèn luyện cho mình cái tâm từ (hiến tặng hạnh phúc) và tâm bi (tha thứ hết những lỗi lầm)? Tôi thấy mình như chơi trò nhặt thóc khỏi gạo, kiên trì, mỗi phút mỗi giờ. Cứ sau mỗi lần bị từ chối là một lần tôi thấy trái tim mình được cơi nới ra rộng thêm một chút. Ngay cả những lúc vụn vỡ nhất thì vẫn có thể nhặt những mảnh vỡ lên, gọi ghém lại, và hiến tặng cho cuộc đời.
Năm 2021 thì chắc là bất ngờ nhất. Tôi gặp biến cố với mối quan hệ bạn bè, với một trong những người bạn thân nhất. Sau biến cố tôi mới nhận ra mình đã không thực hành chánh ngữ cho nghiêm cẩn. Tôi đã chia sẻ với bạn thật nhiều thứ trong cuộc đời mình, tôi thản nhiên nghĩ là bạn hiểu nên cũng không lựa chọn xem mình nên nói gì, không nên nói gì, và nên nói như thế nào. Sự cẩu thả của tôi dẫn đến chuyện bạn có cái thấy sai về tôi và như thế bạn đã đau lòng nhiều khi bạn có được cái thấy đúng. Trong một biến cố gần đây, tôi cũng đã đánh mất chánh niệm đâu đó 15-20 phút, và khi không còn chánh niệm nữa thì lời nói của tôi cũng buông lung phóng dật. Tôi biết là mình đã sai lắm lắm, nhưng tôi không bi luỵ, không dằn vặt, đơn giản là thấy cái sai và bình tĩnh đứng nhìn, cảm nhận và chờ đợi.
Quay về chuyện cầu nguyện, tôi thấy rằng mọi lời cầu nguyện đều đẹp đẽ. Ví dụ như khi người ta cầu chúc cho nhau một sức khoẻ tốt lành, một cuộc sống bình an và ít sóng gió, hay cầu cho nhau một cuộc sống sung túc đủ đầy, thì ấy cũng là cái tâm hướng thiện muốn cho người thương bớt khổ.
Nhưng cũng ngay tại những lời cầu nguyện ấy mà đời sống bị nhìn nhận là bất toàn hoặc bất hạnh. Với những tâm hồn duy mỹ, nào ai muốn ở lại với những bất toàn đó? Nhưng càng mơ, càng cầu nguyện thì càng tạo ra thất vọng, bực bội, chán nản. Thà cứ để trôi theo dòng nước có phải không vui không buồn không?
Nhưng nếu phải cầu nguyện thì mình nên cầu nguyện điều gì? Hãy cầu nguyện cho mình sự tĩnh lặng, im lặng, bình lặng trước mọi sự, vì ấy là điều kiện không chỉ để “bớt khổ” mà còn để “thoát khổ.”