Thuở còn đi học đại học, tôi chỉ được dạy duy nhất một loại nghiên cứu, ấy là nghiên cứu khoa học, hiểu theo một cách khác thì là nghiên cứu xã hội học. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là bảng hỏi và phỏng vấn, thường gắn với nghiên cứu định lượng và định tính. Dù chẳng ai nói với ai, ai cũng hiểu ngầm rằng khi làm khoá luận tốt nghiệp thì nên làm một cái gì đó có con số, tức là thiên về hướng định lượng, như thế thì những ‘nhà nghiên cứu’ sơ sinh mới có chỗ mà bấu víu vào chứ không trôi nổi lang thang.
Sau này, khi công việc yêu cầu việc đọc nhiều hơn các bài nghiên cứu, tôi dần nhận ra sự lạnh lùng của những con số. Nó cứ trôi tuột đi khỏi tâm trí, dù mình đã nỗ lực để ghi chép, tóm tắt, và đặc biệt là nó không cho mình một cảm xúc gì. Mới gần đây thôi, nhờ rất rất nhiều nhân duyên đưa đẩy, mình mới có thể gọi tên ra được những cái mình vừa giãi bày ở trên. Có đọc thêm những bài báo học thuật viết theo lối kể chuyện/tự truyện thì mới biết rằng những câu chuyện riêng tư khởi sinh nên một bài báo đẹp đẽ đến nhường nào. Mỗi bài báo ấy không phải chỉ là những cái thấy vu vơ vào một ngày lung linh nắng, cũng không phải là những âu sầu chợt hiện trong một chiều mưa phùn, ấy là những trăn trở rất dài lâu, rất gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống của một con người. Trước khi trở thành ‘nhà khoa học’ hay cái tên gọi gì gì đi chăng nữa, ta chẳng phải là một con người hay sao?
Đọc các bài viết của cô G., thầy D., chú Đ.B.C., cô L.F., lúc nào cũng thấy tình người dào dạt. Họ quan tâm đến cuộc sống của con người, mà ở đây là số phận của chính họ, từ đó lan ra những mảnh đời khác. Tôi nhớ có lần mình đã cảm thấy cực kỳ khó chịu khi nghe một người bạn lý giải cho mục đich sống của bạn rằng “Số đông nghĩ vậy nên mình cũng làm theo như thế”. Số đông là một con số, và sự khách quan ấy có thể đã làm lầm lạc đi rất nhiều con người riêng tư.
Chẳng phải chỉ riêng trong học thuật, trong nghệ thuật cũng thế, những tác phẩm đẹp đều là những tác phẩm rất cá nhân. Ví dụ như Dự án We never fall của Trần Nam về số phận của những người nông dân bươn chải nơi phố thị; những người nông dân ấy không phải là người xa lạ, mà chính là cha là mẹ là anh em của họ, họ làm tác phẩm để kể câu chuyện đời mình. Nếu nói về tác phẩm ‘đẹp’ theo hướng tiêu chuẩn của tùng-cúc-trúc-mai thì có lẽ là nó ‘không đẹp’, nhưng cái câu chuyện được kể đằng sau nó thì tạo ra được cái rung cảm, mà cái rung cảm ở đây là cái đẹp (chí ít là với mình).
Cái phần hiển lộ sờ sờ ra bên ngoài luôn là cái có thể bị phớt lờ, vì nó cứ mờ nhạt như không. Ví thử như cái chuyện lựa chọn nghề nghiệp, người ta cứ đổ xô đi làm giáo viên vì cái nghề đó ‘ổn định’, ‘dễ lấy chồng’, và (hình như là) ‘có đạo đức’, như thế thì quyết định đó chẳng có gì mà đẹp. Nói chuyện với MH thì mới biết là MH có nhiều trăn trở như thế, từ việc đổi vị trí trong lớp học từ vị trí ngồi lên vị trí đứng, từ việc làm gì bớt vô ích, đến việc có quay trở lại trường học nữa hay không, rồi đi đến một suy nghĩ rằng có thể sẽ còn nhiều dính líu đến trường học. Ấy là một hành trình dài đấu tranh nội tâm dự dội, và người ta đã sống một cuộc đời sâu sắc, chứ không cho cái gì là điều đương nhiên.
Gần đây tôi có đọc được một bài báo trên Tạp chí Tia Sáng, đại ý bài báo nói rằng việc dạy và học ở đại học thì không nên là sự giới thiệu và truyền thụ kiến thức, giảng viên có thể vẫn phải làm cái việc tổng hợp kiến thức nhưng đó chỉ là cơ sở cho những suy ngẫm của riêng giảng viên với vấn đề. Ở giảng đường đại học, sinh viên luôn được dạy về đạo văn một cách rất hình thức, ví thử như diễn đạt lại câu gốc như thế nào thì tránh được lỗi đạo văn, chứ ít khi được dạy về cách thức tư duy độc lập để phân tích tổng hợp vấn đề như thế nào thì không bao giờ mắc lỗi đạo văn. Cái có giá trị, do đó, lại là một câu chuyện rất riêng chứ chẳng khách quan chút nào.
Tôi đã dần quên đi những con số, nhiều khi thấy ghét, nhiều khi thấy phẫn nộ với chúng (ai mà có biết về cái chuyện quân đội Mỹ đếm xác lính trong chiến tranh Việt Nam để phân thắng bại thì mới thấy cái trò đếm số nó nhức nhối cỡ nào.) Tôi thất thểu đi tìm những câu chuyện riêng riêng để tìm về tính người.
Quềnh.