Written by Nghĩ về giáo dục

#7 Tính giáo dục nằm ở khả năng suy tư

Nét đặc trưng của giáo dục có lẽ là khả năng mời gọi con người suy tư (to contemplate), hoặc suy nghĩ (to think) về một vấn đề nào đó, bao gồm cả chính họ. Tương tự như việc soi gương, nếu một người có khả năng phân thân, đặt hai cơ thể đối diện nhau và chờ đợi một cuộc hội thoại của chính họ về chính họ, thì ấy chính là biểu hiện của quá trình phản tư (self-reflect) và tự giáo dục (self-education). 

Bình thường con người chúng ta nhìn đôi bàn tay như một công cụ lao động: bàn tay cày cấy, bàn tay gánh nước, bàn tay nấu cơm, và bàn tay sửa chữa. Nhưng khi chúng ta đặt chúng lên trước mặt, nhìn ngắm chúng, giải phóng chúng khỏi những giờ lao động, thì rất có thể đôi bàn tay sẽ trở thành một thực thể biết nghĩ (thinking being). Bàn tay trong những bức hoạ của thế kỷ XIX hoặc trong những nét vẽ trên hang động Chauvet ở miền Nam nước Pháp cách đây hơn ba chục nghìn năm [1] là những đôi bàn tay có khả năng tạo ra những nhịp giãn về không-thời gian và mở ra điều kiện khả thể cho một cái-nhìn (gaze) mới thế giới, hay về chính người xem [2]. 

Sở dĩ những nét vẽ bàn tay được triết hoá như vậy bởi, khác với Chiếc hang triết học của Plato mà tôi đề cập trong bài viết trước [3], những con người sơ khai KHÔNG bước ra khỏi hang để tìm kiếm ánh sáng (light) hay chân lý (ultimate truth); thay vào đó, họ bước vào trong hang, tự tạo ra nguồn sáng, và tái trình hiện cuộc sống theo một cách khác đi [4]. Đôi bàn tay vốn chỉ là một bộ phận đương nhiên trên cơ thể thì giờ đây biến hoá thành một tác phẩm nghệ thuật.  Những con ngựa, con trâu, vốn dĩ chỉ là những con thú bay nhảy ngoài hang thì giờ đây được tái hiện sống động trên vách hang. Những con người sơ khai có thể đã ngồi túm năm tụm ba bên ánh lửa bập bùng và cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm của họ trên vách đá. Đứt gãy (disruption, [5]) đã xảy ra: Thế giới được tái trình hiện đứng song song và thách thức thế giới hiện hữu. Những bức hoạ NÓI gì với họ? Họ đã suy tư, đã nghĩ những gì?

Dẫu rằng cách diễn giải trên có thể chỉ dừng lại ở tưởng tượng (phantasia, [2]), nó chứa đựng triết lý giáo dục về một không-thời gian ngắt quãng khỏi thời gian quả lắc đồng hồ – một thời gian ngưng đọng mà ở đó con người có cơ hội kiến cách NHÌN khác đi và NGHĨ khác đi:

The images offered for thinking and for exploring different ways to deal with oneself and the world, at a distance.” ([4], p. 207)

Thực vậy, mục tiêu cuối cùng không phải là tìm đến một chân lý tuyệt đối, mà là cùng nhau nghĩ, cùng nhau nhìn lại chính mình và khai mở những cách nhìn khác về thế giới này.

Quềnh.

————————————-

Tài liệu tham khảo

[1] Chauvet cave: Preserving prehistoric art https://www.youtube.com/watch?v=3OLaNtKoJFk

[2] Mondzain, M. J. (2007). Hôm spectator. Paris: Bayard.

[3] Bàn về Phúng dụ chiếc hang: https://donhuquenh.com/giao-duc-co-phai-la-su-trao-truyen-chan-ly/ 

[4] Masschelein, J. (2014). Pedagogue and/or philosopher? Some comments on attending, walking, talking, writing and … caving. In Waks, L. J. (Ed.). Leaders in Philosophy of Education (pp. 197-210). Rotterdam: Sense Publishers.

[5] Bàn về sự đứt gãy: https://donhuquenh.com/nguoi_thay_p1/ 

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]