Tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ có một ngày tôi rung động và cảm phục trước sự “ít học”. Trong cái thế giới bé nhỏ của mình, tôi cứ tưởng rằng một học giả uyên thâm nào đó hay một nhà thơ nào đó mới đủ sức để lay động lòng người. Mà muốn uyên thâm hơn, muốn giỏi giang hơn thì phải học. Việc học vì thế được xem như là một chuyện nên làm, kiểu như là học được thêm chừng nào thì mở mang chừng đó và trạng thái “có học” thì thường được tôn trọng hơn là “ít học”. Tuy vậy những trải nghiệm sống trong một năm trở lại đây khiến tôi phải suy nghĩ nghiêm túc lại về chuyện “có học” liệu có phải là một chuyện tốt hay không.
Có một chuyện thế này. Hơn hai năm trước tôi gặp Bánh Xèo. Vì Bánh Xèo là bạn của bạn thân của tôi nên tôi cứ giữ mối quan hệ xã giao vậy thôi chứ không nghĩ rằng hai người có thể thân thiết với nhau hơn được vì mối quan tâm của tôi thì hơi ‘sách vở’ một chút trong khi Bánh Xèo thì chẳng quan tâm lắm. Có một buổi ba người đi ăn với một bạn nữa, trong khi tôi với hai bạn kia tranh cãi tơi bời khói lửa về câu hỏi “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?” thì Bánh Xèo ngồi ngả đầu vào lưng ghế, không nói gì, thi thoảng chỉ cười dịu dàng một cái. Lúc đó tôi thấy khó hiểu lắm, tôi hỏi bạn tôi là tại sao lại hẹn hò với một người “không có chính kiến” như thế! Bạn tôi trả lời là Bánh Xèo hiền thì hiền thật nhưng không phải là không có chính kiến đâu. Hừm, từ đó về sau tôi cũng hay để ý nhưng không phát hiện ra lần nào Bánh Xèo thể hiện rõ ràng quan điểm cả.
Có điều là: Bánh Xèo thương bạn mình hết mực và quý mến mình chân thành (trong khi mình thì âm thầm xấu tính với Bánh Xèo như vậy đó!)
Mãi tới gần đây mình mới nhận ra con người đẹp đẽ của Bánh Xèo – cái đẹp có liên quan tới không-khung. Còn về phần mình, mình nhận ra cái sự xấu xí của mình là do quá trình đập-khung và đóng-khung liên tục.
Trong khuôn khổ bài viết này, mình dùng khái niệm khung (frames) với nghĩa là những ý niệm mà xã hội kiến tạo nên, hay nói một cách khác, khung là cách con người tri nhận về thế giới mà họ đang sống. Nắm rõ các khung có thể là một điều tốt vì nó giúp một người tham gia hoặc làm chủ “luật chơi”, nhưng nó cũng cùng lúc đóng-khung một con người vào trong cái thế giới nhỏ bé đó. Mà thực ra là ngay cả khi nới rộng khung thì suy cho cùng vẫn là một thế giới rộng lớn được đóng khung. Cái chuyện ‘sách vở’ chính là việc tìm hiểu về khung, thông qua những tri thức mới mà có thể đập-khung cái cũ và cơi nới cái khung mới, tuy vậy vẫn không thể thoát khỏi những cái khung!!!
Ôi chao ôi, thế thì mới có chuyện tôi đóng-khung ngay cho Bánh Xèo là ‘không có chính kiến’. Trong khi đó, vì Bánh Xèo ít quan tâm đến ‘sách vở’, Bánh Xèo ít bị ảnh hưởng bởi những chiếc khung và Bánh Xèo có thể dễ dàng chấp nhận được cách hành xử của mọi người (trong đó có tôi). Tôi chưa bao giờ thấy Bánh Xèo bực bội hay nghĩ xấu về ai cả, lúc nào Bánh Xèo cũng nói đỡ lời cho một ai đó mỗi khi tôi và bạn tôi nổi cơn xấu tính. Có những chuyện trớ trêu hơn nhiều mà tôi nghĩ một người đàn ông Việt Nam bình thường sẽ không bao giờ dung thứ thì kỳ lạ là Bánh Xèo vẫn hết mực hiểu cho bạn tôi và không ít lần làm cho chúng tôi cảm thấy xấu hổ về sự hẹp hòi của chính mình. Tôi nhận ra vẻ đẹp của “ít học”. Tôi nhận ra sự nông cạn của “có học”. Tôi cố gắng thực hành bỏ-học (unlearn) – hay nói một cách khác là cố gắng giũ bỏ những định kiến, chầm chậm, chầm chậm.
Kết lại, và cũng là lời cảnh tỉnh cho chính tôi: Việc học là tốt vì nó có thể giúp con người đập-khung và sống một đời sống rộng rãi hơn. Tuy vậy nó có thể là một cạm bẫy vi tế vì có khi người học chỉ đang gia trì cho những chiếc khung cứng nhắc và kiên cố chứ không phải làm cho đời sống phong phú như họ vẫn nghĩ.
Quềnh.