Nếu như ngành tâm lý học cố gắng gán mác cho cảm giác đau là một trạng thái tiêu cực, con người cần tránh càng xa các điều kiện gây ra đau khổ càng tốt, thì tôi có suy nghĩ khác đi một chút. Với tôi, cảm giác đau là một trạng thái tự nhiên, đôi khi là cần thiết để học được cái gì đó (học theo nghĩa study chứ không phải learn, xem thêm tại [1]).
Thường thì learn không gây ra đau đớn, mặc dù cũng có trong đó những vất vả nhất định. Nhưng nó không thể đau vì nó vẫn cho phép người học được sử dụng các nguồn tài nguyên thuận tiện để nghĩ ngợi và nói năng. Thuận tiện tức là tất cả những gì ta có thể nghĩ đến. Để cho dễ hiểu thì mỗi người có thể tự ghi âm lại hội thoại của họ trong một tuần, và như thế họ biết được toàn bộ thế giới của họ rộng được đến đâu. Sau khoảng một năm, lại làm công việc tương tự, nếu cách nói năng vẫn y như vậy (dù có chuyển công tác hay chuyển môi trường sống) thì ta có thể biết được vùng thuận tiện của mình ở đâu.
Study thì gây ra đau đớn, vì nó buộc học trò phải nghĩ được ra bên ngoài vùng thuận tiện – nơi mà không một kinh nghiệm cá nhân nào trước đó của họ có thể giúp họ định hình họ đang đi “đúng” hướng hay không. Và như thế trạng thái chênh vênh sẽ tới, đau sẽ là kế tiếp, phải là cảm giác đau thể chất chứ không chỉ tồn tại ở dạng buồn man mác của tinh thần. Đau vì quá trình thử và sai có thể gây tổn thương cho mình hoặc những người mình yêu. Tôi có 2 ví dụ thế này:
(1) Bài tập khó nhất trong chương trình thạc sĩ mà tôi trải qua là: “Nghĩ ra một đề tài trong phạm vi lịch sử giáo dục và viết một bài luận không quá 15 trang mà ở đó em thể hiện được em đang chống/giải huỷ chủ nghĩa thực dân.” Chủ nghĩa thực dân là một chủ đề hoàn toàn mới với tôi, làm thế nào mà tôi biết được cái gì đang là thực dân còn cái gì thì không, và nếu tôi biết được thì liệu tôi có giải huỷ được nó không hay là tôi lại đang củng cố cho nó. Tôi phải dùng phương pháp luận mà thầy tôi gợi ý như thế nào trong khi tôi cũng chẳng hiểu về nó lắm, đọc lại 4-5 lần vẫn chưa hiểu. Vậy thì viết thế nào đây? Nhưng vẫn phải viết mà.
Bằng tất cả sự ngây thơ, tôi bắt tay vào viết. Nhưng vì ngây thơ nên kiểu gì tôi cũng viết sai mà thôi, và tôi sai thật. Sai thì phải xoá đi tất cả những gì mình đã viết và bắt đầu lại với từng câu cú nhỏ nhất. Công việc đó làm tôi kiệt sức. Được cái là tôi không bao giờ chán nản, tôi biết tôi đang thay da đổi thịt và tôi hào hứng với chuyện đó. Rút cuộc thì tôi cũng viết xong, bài viết của tôi vẫn chưa giải huỷ được chủ nghĩa thực dân như yêu cầu đề bài, nhưng việc kiên trì suy nghĩ về nó khiến tôi tiếp tục chiêm nghiệm trong nhiều tháng ngày tiếp theo. Đến một ngày tôi nhận ra giải huỷ chủ nghĩa thực dân là như thế nào, tôi thấy cuộc đời mình có thêm thứ mùi của tự do.
(2) Bạn tôi mới sinh con đầu lòng. Việc làm quen với em bé trong những tháng đầu tiên làm mẹ cũng thật nhiều khổ đau: Bạn phải liên tục đưa ra quyết định về em bé trong khi không một kinh nghiệm trước đó nào có thể giúp được bạn. Với bài tập của tôi, nếu tệ quá tôi có thể nghỉ học, nhưng bạn thì không thể rời bỏ con, vì thế mà áp lực càng tăng lên. Bạn tôi áp dụng phương pháp này, phương pháp kia với mong muốn tốt nhất cho con, thế mà đến một lúc bạn tôi nhận ra em bé như đang bị cầm tù trong thời gian biểu, trong những vòng chăn cuộn chặt hay trong những bản nhạc ru ngủ. Nước mắt cứ thể lăn dài, nức nở. Sau một thời gian thì bạn tôi cuối cùng cũng tìm ra được cách nương theo con và đỡ khổ cho mình. Cũng như tôi, bạn có thêm một chút tự do.
Kết lại, study kiểu gì cũng gây ra đau đớn và đau khổ thì lại là điểm bắt đầu của quá trình study, hay quá trình chuyển hoá. Vậy nên nếu muốn học đúng nghĩa thì có thể chủ động tìm kiếm những vùng bên ngoài vùng thuận tiện, hoặc quan trọng hơn là: một khi thấy vất vả thì đừng cố tìm kiếm trạng thái thoải mái ngay lập tức.
Quềnh.
Đọc thêm tại:
[1] https://donhuquenh.com/learn-khac-gi-voi-study/