Mấy hôm trước mình đăng lên story facebook một tấm ảnh mặc váy dài ôm sát. Ấy là lần đầu tiên mình có can đảm mặc chiếc váy ra đường và đăng ảnh lên mạng xã hội.
Với mình, việc bộc lộ cơ thể đã từng hết sức khó khăn, không chỉ bởi mình cảm thấy bị bó nghẹt bởi định kiến giới, tiêu chuẩn phổ quát về cơ thể đẹp, mà còn bởi trải nghiệm bị trêu chọc bởi những người quen hay người lạ trên đường phố. Bạn nào chơi với mình lâu thì sẽ biết phong cách ăn mặc “bao tải” của mình: dài và lụng thụng, cơ bản là che được cái gì thì che bằng hết. Mình sợ bị tấn công về cả mặt ngôn ngữ và ánh nhìn.
Hành trình tu của mình là quá trình dài đằng đẵng để vượt lên nỗi sợ ấy. Mình may mắn đọc được những cuốn sách giúp mình phá được ngã chấp về những định kiến cơ thể. Mình gặp được những người lần lượt giúp mình đi những bước nhỏ để hiểu rằng cơ thể này không có tội lỗi gì hết.
Trong một khoảnh khắc tu, mình đã THẤY cơ thể này là linh thiêng. Như một ngôi đền vậy. Bụt, Chúa, Thượng Đế, hay cơ thể, là một.
Tính linh thiêng giải phóng mình khỏi tất cả các định kiến và phán xét. Nó làm mình cảm thấy dịu dàng với những lời khen/chê khiếm nhã. Nó cho mình khả năng nhạy cảm để đối diện với những thay đổi dù là nhỏ nhất trong/trên cơ thể. Nó cho mình tự do để quyết định các hành vi liên đới.
Cơ thể là hiện hữu linh thiêng. Cho đến khi thấy được điều này thì mình mới cảm được các bức hoạ khoả thân và mới hiểu được tại sao người phụ nữ khoả thân trong bức hoạ Sacred and Profane Love (Titian, 1514) lại là Tình yêu linh thiêng. Cũng giống như việc hiểu được tại sao Gustave Courbet lại đặt tên cho bức hoạ khoả thân của ông là Nguồn gốc của thế giới (L’Origine du monde) (1866).
Quềnh.