“Gửi chị T.,
Em nghiệm ra rằng (một trong những) cách thoát bẫy của cách tư duy Tây Phương là đi vào nó, đọc nó, thực sự hiểu nó, và rồi tự nghiệm ra xem nó có những ngã chấp như thế nào. Tự nghiệm xong xuôi thì quá trình thoát bẫy cũng xong xuôi.
Tuy việc tìm hiểu về tư duy phương Tây quan trọng là vậy nhưng rất khó để có cơ hội học nó một cách thấu đáo trong bối cảnh Việt Nam. Hầu hết môn triết ở các trường đại học thì chỉ giảng cho có lệ, hơn nữa chỉ giảng triết học Mác-Lê nin, thậm chí còn giảng “sai” vì bị buộc giảng theo lối giáo điều. Các bản dịch triết học ra tiếng Việt (ví dụ: bộ sách của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn) thì không hề dễ hiểu, bởi dù đã cố gắng hết sức, dịch triết và đọc triết vẫn là một cuộc căng não (nhất là khi ở Việt Nam lại có một kiểu nói năng, thực hành triết học rất khác).
Em quyết định đi châu Âu và chọn trường KU Leuven cũng vì lẽ đó. Các ngành xã hội nhân văn của trường đều học theo lối triết-sử, vì vậy mà em có cơ hội học rất rất nhiều về các tư tưởng trong 2300 qua, bắt đầu từ cụ Plato cho đến Aristotle và cho đến triết gia gần đây nhất là Wittgenstein, Foucault, Cavell,…. Trước hết em thấy choáng ngợp vì gia tài chữ nghĩa của các cụ đồ sộ quá, sau đó là cảm giác thích thú, sau đó là bình tĩnh lại để đối sánh với giáo lý của Bụt.
Đến giờ thì em khá chắc là triết học Tây Phương, dù đã đi một hành trình rất dài và có sự dịch chuyển đáng kể từ lối nhìn đa nguyên (hoặc duy tâm, hoặc duy lý, hoặc duy nghiệm,…) – tức là chia năm xẻ bảy thế giới – sang lối nhìn hợp nguyên (constitutive ontology) – tức là đã nhìn thấy tính tương giao (interrelationship) giữa vạn vật (ví dụ: Bruno Latour, Tim Ingold, …), thì nó vẫn chưa thể toàn vẹn như lời dạy của Bụt. Chưa toàn vẹn ở chỗ nó vẫn ở trong thành trì của lý luận chứ chưa phải một lối sống.
Sau khi định vị được triết học phương Tây thì em mới biết là thầy Nhất Hạnh đề cập rất nhiều đến các triết gia (như Descartes, Gadamer,…) trong các bài Pháp thoại của thầy. Thầy so sánh rất dễ thương chứ không có ý ghét bỏ gì cả. Thế mới thấy được là một người học giả (scholar) có thể không biết về người hành giả (buddhist), chứ một người hành giả thì biết rất rõ một người học giả, bởi vì quá trình tu là quá trình diệt đi tất cả các bám chấp của người học giả.
Người học giả có cái bế tắc của họ bởi bất cứ khi nào họ lựa chọn dựa vào một lý thuyết nào đó để công nhận sự tồn tại có ý nghĩa của mình thì tức là họ dính vào bám chấp và gia tăng chất liệu cho cái ngã. Lý thuyết mà họ dựa vào càng được nhiều người trích dẫn thì họ càng có cớ để biện minh cho cái tôi của họ. Cái vòng kiềm toả vì thế mà càng lớn lên chứ không tiêu đi.
Ngược lại, người hành giả ý thức được về vòng kiềm toả. Người hành giả đi vào quá trình bóc tách hoặc nhận diện các lớp nghĩa trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Mỗi một câu nói chuyên chở trong nó nhân duyên nào, cái thấy sai nào. Khi đã ý thức rõ về mỗi từ ngữ mình nghĩ hay mình nói, người hành giả vô hình chung đang thực hành chánh niệm và chánh ngữ. Khi người hành giả hiểu về những gì cấu thành nên “cái tôi” của mình, người hành giả thực hành diệt ngã.
Ấy là cái quyền năng mà một người hành giả có được, đi vào nó, thấy nó và buông bỏ nó. Giống như chuyện trước khi tu thấy núi là núi, trong khi tu thấy núi không còn là núi, sau khi tu đắc thì núi vẫn là núi. Triết học Tây phương khi không còn chuyên chở trong nó sự huyền hoặc thì nó cũng như bát cơm hằng ngày ta ăn và nước ta uống. Vậy thôi.”
Em Quềnh.