(Bài viết này là phát triền thêm của bài “TikTok, sức sáng tạo, và khả thể của sự học” nên mong là các bạn dành chút thời gian đọc bài đó trước.)
TÁI TẠO THẾ GIỚI LÀ GÌ?
Theo Hannah Arendt, tái tạo thế giới (renewing the world) được biểu hiện trước hết qua tính sinh (natality) của vạn vật. Mọi vật đều được sinh ra và chết đi theo vòng đời của nó và vì thế, thế giới luôn thay da đổi thịt bằng những thế hệ kế tiếp. Nhìn sâu hơn thì có thể thấy là thế giới luôn được làm mới mỗi ngày, từ việc các tế bào sinh ra và chết đi cho tới quá trình trưởng thành và lão hoá, chứ không chỉ có hai mốc sinh tử.
Tuy vậy, sự xuất hiện vật lý của con người là chưa đủ để chống lại tính tử (mortality). Đối với Arendt, mỗi người cần Hành Động để vượt thoát lên sự hư hoại của thân xác và chứng tỏ rằng việc mình được sinh ra là có ý nghĩa. Mục tiêu Hành Động hướng đến là những tư tưởng hay tri thức có khả năng tồn tại lâu hơn một kiếp người, là những mầm sống cách mạng giúp đập khung [1] và dịch chuyển hệ hình, dù chỉ là từ những mầm sống rất nhỏ và có thể người ta sẽ phải đợi vài ngày, vài tháng, có khi là vài thế kỷ, để nhìn thấy được hình hài của sự dịch chuyển đó. [2]
TÁI TẠO THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?
Cách 1: Tiếp tục sinh sản, mặc dù điều này không có ý nghĩa gì lắm đối với “sứ mệnh” chống lại tính tử. Cách này không được Arendt bàn tới.
Cách 2: Từ góc nhìn Triết học Chính trị [2]
Như đã nói ở trên, Hành Động là cách mà con người tự tái sinh trong chủ ý. Hành Động biểu hiện khi một nhóm người cùng-nghĩ, cùng-nói, cùng-làm và nảy sinh các ý tưởng mới nhằm giải quyết các vấn đề chính trị xã hội đang diễn ra trong cộng đồng mà họ sinh sống. Trong nhiều trường hợp, Hành Động được gắn với chuyện giải phóng con người khỏi áp bức, tiêu biểu là các cuộc cách mạng lật đổ chính quyền cũ và thay đổi mô thức vận hành.
Để Hành Động có thể diễn ra, nhóm người đó cần một không gian Tự Do, nơi mà “các công dân phải được giải phóng khỏi các lo toan về mưu sinh và về đời sống hàng ngày, chỉ còn tập trung vào các công việc chung của thành quốc mà thôi.” ([2], tr. 74) Điều này cũng chính là điều kiện của sự học study [3], chừng nào nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn còn treo lơ lửng trước mặt một người thì khó lòng nào người đó có thể nghĩ đến chuyện study và transform.
Cách 3: Từ góc nhìn Triết học Ngôn ngữ [4]
Stanley Cavell cho rằng không cứ phải ‘giải phóng khỏi áp bức’ mới đang là tái tạo thế giới, mà chuyện đó có thể làm được thông qua ngôn ngữ (hay cụ thể hơn là từ vựng, ngữ pháp). Bởi khi người lớn dạy trẻ nhỏ nói thì đó không chỉ là dạy cách gọi tên đồ vật hay biểu đạt cảm xúc suy nghĩ, mà còn là lối sống (forms of life) của cộng đồng đó:
“Instead, then, of saying either that we tell beginners what words mean, or that we teach them what objects are, I will say: we initiate them, into the relevant forms of life held in language and gathered around the objects and persons of our world.” ([4], p. 178)
Vì ngôn ngữ gắn chặt với tâm thức, mỗi cách nói năng khác nhau đều hàm chứa trong nó cách một cộng đồng hình dung về thế giới mà họ đang sống. Do vậy, việc một người thay đổi từ vựng và ngữ pháp (dù trong ý thức hay vô thức) là chỉ báo rõ nhất về việc thế giới của họ đang thay đổi.
VỊ TRÍ CỦA GIÁO DỤC?
Dưới góc nhìn này, giáo dục được xem là địa hạt mà ở đó thế hệ trước thể hiện trách nhiệm và sự ân cần của mình với thế hệ sau, cốt là để duy trì tính sinh cho thế giới. Mục tiêu của giáo dục, do đó, là tạo điều kiện tối đa cho khả thể làm mới thế giới này, không phải là can thiệp thô bạo, mà là:
“attend to the child, being mindful of what the child currently can do, and what he or she is becoming capable of.” ([5], p. xliii) (“chú tâm tới đứa bé để hiểu xem tại thời điểm này em bé có thể làm gì và có khả năng làm gì trong tương lai.”)
Nếu muốn tái tạo thế giới theo Cách 2, người lớn cần tạo ra cho trẻ những không gian mà ở đó nỗi lo mưu sinh không phải là ưu tiên hàng đầu. Nếu muốn tái tạo thế giới theo Cách 3 thì người lớn cần giới thiệu cho trẻ những trường từ vựng, mà quan trọng hơn là các diễn ngôn nằm ngoài diễn ngôn đang bao lấy cuộc sống của trẻ. Nhưng cái cần thiết ở đây là người lớn nên tự làm điều đó với bản thân trước, nếu không thì những lời hướng dẫn lại trở nên giáo điều.
TẠI SAO CÁCH VẬN HÀNH CỦA TIKTOK LẠI KHÔNG TÁI TẠO ĐƯỢC THẾ GIỚI?
Mời các bạn đóng góp suy nghĩ nhé. Gợi ý: Hãy dựa vào 3 từ khoá sau đây để trả lời:
– Không gian tự do khỏi các lo toan mưu sinh (liên hệ Cách 2)
– Cộng đồng cùng-làm, cùng-nghĩ (liên hệ Cách 2)
– Diễn ngôn “mới” (liên hệ Cách 3)
Mong nhận được phản hồi từ các bạn. ^^
——————
Tài liệu tham khảo:
Bài viết trước: https://donhuquenh.com/tiktok-suc-sang-tao-va-kha-the…/
[1] https://donhuquenh.com/khung-khong-khung-dong-khung-va…/
[2] Nguyễn Thị Từ Huy (2022). Các khái niệm chính trị của Hannah Arendt. NXB Đà Nẵng
[3] https://donhuquenh.com/dieu-kien-cua-su-hoc-study-not-learn/
[4] Cavell, S. (1979). The claim of reason: Wittgenstein, skepticism, morality, and tragedy. Oxford University Press.
[5] Mollenhauer, K. (2014). Forgotten connections: On culture and upbringing (trans.: N. Friesen). Routledge.