Tôi nhận ra rằng cảm giác phiền não, bực dọc, hay tủi thân trong một mối quan hệ rất hay đến từ câu hỏi “Tại sao người đó không hiểu cho (cảm giác của) tôi?”
Cái ước vọng được thấu hiểu là một ước vọng chính đáng. Chỉ cần ai đó hiểu mình là ngay lập tức mình cảm thấy được thương. Nỗ lực tìm kiếm ai đó hiểu mình suy cho cùng chính là nỗ lực tìm kiếm cảm giác được yêu.
Tuy vậy, tôi cho rằng tìm kiếm một ai đó hiểu mình là một chuyện khá “hên xui”. Không phải ai cũng có may mắn gặp gỡ được một người hiểu họ và xây đắp một mối quan hệ lâu dài. Nếu không “hên”, rất có thể một người sẽ bị cuốn vào những tình cảnh hết sức cô đơn.
Vậy tại sao mình phải chơi trò hên xui đó mà không tự làm chủ cuộc chơi này? Câu hỏi được đặt ra lúc này là: Tại sao phải tìm kiếm một người hiểu mình? Liệu mình đã hiểu về chính mình hay chưa? TẠI SAO KHÔNG PHẢI LÀ MÌNH HIỂU MÌNH VÀ LÀM CHO MÌNH ĐƯỢC HIỂU?
Nếu một người hiểu rõ về mình, họ có rất nhiều tự do, có rất nhiều lựa chọn, vì họ có thể giải thích bản thân họ với bất cứ người nào mà họ có cơ hội gặp gỡ. Điều đó đồng nghĩa với việc người đó có khả năng yêu rất nhiều người, vì họ luôn làm họ được hiểu, tức là họ luôn làm họ được yêu.
Thay vì “Sẽ có ai đó trên trái đất này hiểu mình và chúng ta sẽ tạo thành cặp đôi hoàn hảo” thì sẽ là “Sẽ chẳng có ai hiểu mình đâu nên mình phải tự hiểu lấy bản thân mình trước đã.” Một người hiểu về bản thân mình thì không thể nào không gặp người hiểu họ, vì họ sẽ luôn có cách để giải thích cho người kia và khiến họ được hiểu.
Tình yêu trong họ tuôn chảy không phụ thuộc vào đối tượng, gặp ai cũng có thể yêu được và được yêu. Sự tự chủ trong việc hiểu chính mình là thái độ tự chủ để lèo lái cuộc sống của mình. Phúc lạc có đó và tự do có đó.
Quềnh.