Như đã nói ở bài viết Tại sao người đó cứ không hiểu cho tôi? , hiểu về chính mình có lẽ là sứ mệnh lớn lao nhất của một con người. Những câu hỏi như “Tôi là ai?”, “Tại sao tôi được sinh ra?”, “Tôi đang làm cái khỉ gì với cuộc đời này đây?”, dù đến sớm hay muộn, có lẽ đều xuất hiện ít nhất là một tích tắc nào đó giữa những cô đơn, rối bời, chán nản, hay cảm giác trống trải mênh mang.
Tuy quan trọng, câu hỏi này thường bị làm ngơ bởi (1) nó yêu cầu một sự bền bỉ vì câu trả lời là riêng của mỗi người, không thể vay mượn được, (2) nó yêu cầu dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn, để ném mình vào những không gian mà tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ đều là vô nghĩa, (3) nó yêu cầu khả năng chịu đau vì đối diện với những xấu xí của bản thân là đau đớn, (4) đánh lạc hướng bản thân bởi những thứ bên ngoài thì dễ hơn là ép mình phải đi vào trong, (5) nó không kiếm ra tiền :p.
Nhưng đương nhiên, nếu một người tìm ra mình thì cái họ nhận được là phúc lạc, là tự do, thậm chí là niết bàn, bởi quá trình đi tìm mình thì đồng nhất với quá trình đi tìm bản thể của vũ trụ. Còn gì lớn lao hơn nữa chăng?
Trong quá trình đi tìm mình, một người buộc phải cắt đi những phần không-còn-là-họ-nữa để sau cùng gạn lại những gì là cốt lõi nhất, là họ nhất. Tôi đã chứng kiến mình cắt đi những ung nhọt của việc thích kiểm soát mọi thứ theo kế hoạch . Tôi đã từng tự hào về khả năng lên kế hoạch thần sầu của mình. Sau nhiều lần trách móc bản thân vì kế hoạch bị chệch đi trăm phương ngàn hướng, tôi nhận ra mình cứ thuận theo tự nhiên có lẽ lại hơn. Bây giờ thì tôi vẫn lên kế hoạch, nhưng tôi cộng trừ vào đó rất nhiều khả năng khác để nếu có gì bất trắc xảy ra thì tôi vẫn an yên.
Cô bạn thân của tôi cũng mới trải qua những khủng hoảng như thế. Bạn tôi đã rất tự hào về đức tính chăm chỉ của bạn ấy, cho đến khi biến cố xảy ra, bạn ấy không thể làm việc được trong nhiều tháng liền. Những tháng ngày ấy là khổ đau bởi toàn bộ tâm trí bị thôi thúc để tìm cho ra bằng được xem “Tôi là ai?”, nếu tôi không còn là sự chăm chỉ nữa thì tôi là ai? Là ai?
Cá nhân tôi thấy rằng có mấy cách sau đây là giúp ích cho sự nghiệp hiểu về chính mình:
(1) Ném bản thân vào một không gian sống mà thế giới quan của họ hoàn toàn khác lạ với mình. Lưu ý là sống ở nơi mới chứ không phải đi du lịch đây đó. Khi không còn gì thân thuộc để bấu víu, biết đâu đấy điều kì diệu sẽ xảy ra?
(2) Nghĩ xem đức tính nào mà mình tự hào nhất, đẩy nó lên cao trào, sau cao trào sẽ là trạng thái bật lại như sợi dây chun bị kéo quá giãn. Khủng hoảng xảy ra và đối diện nó.
(3) Tìm kiếm người mình yêu (không quan trọng họ yêu mình), thực hành yêu người đó. Khi yêu một người, xu hướng tự nhiên sẽ là bộc lộ bản thân mình, quan sát xem mình được chấp nhận ở phương diện nào, bị phủ nhận ở phương diện nào. Bất an xảy ra và đối diện nó.
Tất cả những cách trên đều hướng đến một mục tiêu chung là sự đứt gãy. Sau đứt gãy sẽ là những khởi đầu mới.
Nói thì to tát vậy nhưng thực ra việc tạo ra cơ hội học tập cho mỗi người là không khó bởi Thượng đế đã sinh ra một người thì Ngài chắc chắn có ý đồ muốn người đó học được bài học gì đó. Ngay khi một người có ý chí đi tìm kiếm bản thể, rất nhiều cơ hội sẽ tự động mở ra, việc của mình chỉ là trở nên nhạy cảm để nhận biết nó, đón nhận nó và đi theo nó. Đừng suy tính thiệt hơn, biết là sợ hãi nhưng hãy tiếp tục thở vào thở ra.
Quềnh
Em thích câu này nhất: “Đừng suy tính thiệt hơn, biết là sợ hãi nhưng hãy tiếp tục thở vào thở ra.”
<3