Tôi nhớ là mình tiếp xúc với nhạc Trịnh Công Sơn từ khi còn nhỏ tuổi, nhưng việc lắng nghe những lời ca trong khoảng thời gian dài không phải lúc nào cũng mang tới những sự hiểu. Có những tháng ngày khó ngủ, tôi thường nghe vài lần bài Cát bụi rồi thiếp đi lúc nào không hay. Không ít hơn một lần tôi ao ước mình hiểu được những lời ca ấy. Tôi tự hỏi liệu rằng mình phải sống bao nhiêu cuộc đời thì mới có thể hiểu được những mảnh tim gan đọng lại trong từng con chữ.
Rồi thì ngày ấy cũng đến, sớm hơn tôi tưởng. Ấy không phải là một sự hiểu tường minh, vì chẳng ai có cái năng lực xuyên thấu cả một cuộc đời cả. Tôi vui vì mình bắt đầu mò mẫm được vào cái không gian mà bốn bức tường nhúng đẫm màu thi vị. Một sợi dây kết nối được giăng.
Bắt đầu là từ khi nào nhỉ? Từ câu chuyện của những người thuyền nhân mà tôi lượm lặt được trong bộ Hồi kí của Sư cô Chân Không, từ bài hát Đêm chôn dầu vượt biển mà Khánh Ly thể hiện và từ bộ phim Thuyền nhân của đạo diễn Hứa An Hoa, tôi hiểu hơn về bối cảnh mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly sống hồi đó để rồi thấy được nỗi cô đơn bình yên vô hạn trong khúc nhạc.
Nếu như tôi của những ngày trẻ liên tục chối bỏ những kết hợp từ nhăn nhó thì tôi của bây giờ đã cảm thấy nhiều phần dễ chịu. Thưởng thức cái thú ngôn từ trong thương ca của Trịnh Công Sơn cũng giống như ngồi nhâm nhi vẻ chộn chạo bất toàn tròn trịa trong những câu thơ của Nhã Thuyên. Người đọc không hiểu thì đừng vội gán cho nó là ‘không hay’ hay ‘vô ích’, bởi cái thi từ đó đôi khi được dứt ra từ linh hồn của người viết, nó có quyền năng ngồi kề bên một vài tâm hồn cô đơn mà lại có khả năng chôn vùi cả tấm thân mỏng manh của người nghệ sĩ. Nhưng sau cùng thì sao chứ? “Có thể là một lối đi: không chỉ cá nhân, nghệ thuật và thơ ca trở nên thân thiết hơn, riêng tư hơn, riêng tư hơn nữa, để vào sâu hơn, tới trơ trọi.” (tr.17, Từ thở, những người lạ)
Người nghệ sĩ bày biện một mớ ngôn từ, khi thì co rúm lại, mà có lúc lại kéo dài ra tới vô tận, mở lối, mời gọi, mặc cho một sự tuỳ ý đi vào đời sống của họ. Ấy đôi khi là một sự xởi lởi, một lòng hiếu khách, chứ chẳng phải để xây ngăn những bức tường như mọi người vẫn nghĩ.
Quềnh.