Nhân một buổi thảo luận gần đây với một người bạn về chuyện trường học có thể làm những gì, mình có ghi chép ra đây 2 vấn đề/bài học mà mình và bạn đều thấy quan trọng, tuy nhiên chưa được chú trọng trong giáo dục công lập ở Việt Nam. (Bọn mình đều học trường công từ tiểu học tới đại học nên không biết các trường tư thục hay quốc tế thì như thế nào.)
Trước khi nhắc tới 2 bài học thì mình cũng muốn gửi lời cảm ơn tới chuyên Ngữ, các bài học này được va đập lại thường xuyên trong cuộc sống sau này của mình nhưng khởi điểm bắt đầu thì là chuyên Ngữ (nhân tiện PR cho trường luôn không ta? hehe).
Bài học thứ nhất: Tạo ra một môi trường đa dạng, cho phép nhiều sự thật (multiple truths) cùng tồn tại
Bước chân vào trường chuyên Ngữ là bước chân vào một vùng đất mà sự đa đạng được tôn trọng và nâng niu. Khác với cấp 2 của mình, nơi mà tính cách của các bạn mình cũng hao hao như mình và những bạn có hành vi hơi khác số đông một chút sẽ bị đem ra tuyên dương hay chấn chỉnh, ở chuyên Ngữ thì mỗi cá nhân mang một màu sắc khác nhau. Các bạn có những tính cách rất lạ lùng và được khuyến khích để biểu hiện ra. Có bạn thì chua ngoa kinh khủng khiếp, cứ động vào nó là nó chửi đổng lên cho mà coi, lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, chưa thấy hình đã thấy tiếng; có đứa thì lặng im không nói một lời nào, từ đầu năm học tới cuối năm học cứ như một bóng ma tàng hình trong lớp, tóc che hết 2/3 mặt luôn; có đứa thì mắt lim dim mơ màng, cả ngày chìm đắm trong những suy tưởng gì đó, thi thoảng lại lườm một ai đấy làm người khác sợ hết hồn; có đứa thì cứ giờ ra chơi nào cũng phải đi sờ mó các bạn trong lớp rồi trêu trọc thì nói mới chịu được; có đứa cực kỳ vô duyên mà cũng có đứa cực kỳ tốt bụng. Mình còn biết có đứa lên bar xập xình tối ngày và nhiều đứa thì yêu đương loạn xì ngậu, ôm nhau các thứ các thứ trong trường. Rồi thì sao chứ, bọn nó chơi tốt, học vẫn tốt và cho đến bây giờ thì mọi thứ đều ổn cả. Từ việc quan sát các bạn, thế giới quan của mình được nới rộng ra rất rất nhiều, mình dần dần cảm thấy dễ chịu với những điều khác biệt và mở lòng với những dị biệt.
Bọn mình đều nghĩ chấp nhận sự đa dạng có liên quan tới chuyện sống tử tế. Bọn mình đồng ý với nhau rằng để sống tử tế hơn thì một người nên bắt đầu tự làm lung lay những niềm tin thâm căn cố đế trong họ, sau một vài câu hỏi thì có thể đưa đến kết luận là: “ồ, mình chắc gì đã tử tế”, cho dù là vẻ bên ngoài thì trông có vẻ như vậy, chẳng phải mọi người vẫn đồng ý rằng cứ làm điều “tốt” thì là tử tế đó sao?
Mình đã từng chơi với một vài người mà họ luôn nghĩ họ tốt, mình cũng thấy đúng là như thế thật, ủa nhưng sao mỗi lời họ nói ra đều làm mình đau đớn? Ở thời điểm đó mình không thể nào lý giải nổi chuyện gì đã diễn ra, giờ mình mới hiểu ra rằng chính cái suy nghĩ tuyệt đối về lòng tốt trong họ đã vô thức loại trừ và xoá nhoà sự hiện diện của các tồn tại khác trong cuộc đời họ. Mình và lối suy nghĩ của mình vì thế mà ra rìa, thử hỏi không đau lòng sao được, vậy mà lúc đó vẫn cứ luôn suy nghĩ rằng họ làm đau mình chỉ vì họ muốn tốt cho mình mà thôi??!!
Tóm lại với bài học số một này là chuyện có cơ hội tiếp xúc với sự đa đạng, dần dần chấp nhận những khác biệt, cho tới lúc có khả năng giũ bỏ niềm tin rằng suy nghĩ của bản thân là duy nhất đúng. Một khi giũ bỏ được thì mới có thể kiên nhẫn lắng nghe, chấp nhận và không phán xét những lối sống khác và đồng đời giảm thiểu thương tổn cho những người khác.
Bài học thứ hai: Tạo ra nhiều thời gian không-tới-lớp cho học sinh
Ở chuyên Ngữ mình chỉ học mỗi buổi sáng, các buổi chiều và tối được tự học và nghỉ ngơi. Mình thấy như thế rất là sung sướng, chứ không phải chạy đôn chạy đáo như các bạn học sinh bây giờ, ngày 3-4 ca học để phục vụ cho các thể loại bài thi, thi hết cái này đến cái khác. Mình thì thời điểm đi học thêm nhiều nhất là 7 tiếng/1 tuần (2 buổi văn + 1 buổi toán), còn lại toàn tự học + tự chơi. Nghĩ lại hồi đó thấy may mắn kinh lên được, một phần vì không có tiền đi học thêm, một phần vì thấy mấy cái bài tập trong SGK và phiếu bài tập đều có thể tự xử lý được thế nên không có nghĩ tới chuyện phải đi học thêm. Có nhiều thời gian không-tới-lớp có nghĩa là (1) học sinh sẽ chủ động tự xây dựng thời gian biểu cho mình, khung giờ nào học, khung giờ nào chơi, mà chơi cái gì, đại loại là trông chơi chơi thế nhưng thực ra rất quy củ, (2) có thời gian chơi tới bến :))), 3 năm cấp 3 kinh nghiệm cày drama Tung Của với Hàn Xẻng xong tới giờ cho xem cũng không muốn xem lại nữa, ngán lắm luôn :))), khoảng thời gian chơi tới bến này sẽ tạo tiền đề cho khả năng tập trung cao hơn cho những nhiệm vụ cần thiết hơn sau này, tránh trường hợp trẻ không chơi, già đổ đốn, nhờ :))))
Có lần mình được một em nhỏ hỏi về chuyện thi vào chuyên Ngữ. Em hỏi mình là: “Chị ơi, học ở chuyên Ngữ thì có được thi học sinh giỏi không ạ?”, mình thật thà trả lời là “Có đấy, nhưng chưa chắc là em có thể vào đội tuyển, vì các bạn ở thành phố giỏi lắm.” Em bé ngay lập tức phản ứng: “Thế em không thi chuyên Ngữ nữa đâu, không được thi học sinh giỏi thì thi vào đó làm gì.” Lòng mình chùng xuống, cuộc hội thoại đó tới giờ vẫn ám ảnh mình và sẽ còn ám ảnh mình dài lâu…Nếu chuyện tới trường chỉ là để phục vụ cho thi cử thì hẳn nó phải chán lắm lắm.
Kết lại, với bọn mình, trường học có thể chuẩn bị cho học sinh một tư duy cởi mở bằng việc khuyến khích và tôn trọng những điều khác biệt, hơn nữa có thể cho phép nhiều không gian tự học + tự chơi cho học sinh. Mình không hiểu sao mọi người lại không yên tâm về chuyện con cái mình tự học + tự chơi để rồi cứ phải nhồi nhét các bạn nhỏ vào các lớp học thêm hết sức cực khổ? Nếu có hạnh phúc tự thân trong khi học và khao khát được học thì chẳng phải sẽ tốt hơn bị ép học hay sao?
P/S: Con viết ra cái này cũng là để hồi đáp cho những lời than phiền muôn thuở của mẹ về chuyện mất bao nhiêu tiền nuôi Như Quềnh đi học Hà Lội từ cấp 3 mà điểm thi đại học của Như Quềnh vẫn thấp hơn các bạn ở quê một vài điểm và thu nhập hiện tại của Như Quềnh vẫn kém các bạn một vài chữ số hàng chục triệu.^^ Được mỗi cái là lúc nào cũng vui :))))