Trong những bài viết trước mình đề cập rất nhiều đến bạo lực và chuyện làm thế nào để có thể “do less harm” (bớt gây hại) cho người khác. Lần này mình xin phép được kể lại những khoảnh khắc của bạo lực mà mình cảm nhận và ghi lại được trong một lớp học mới sáng ngày hôm qua.
Nói qua một chút về bối cảnh của lớp học, lớp có khoảng 15 sinh viên, chỉ có duy nhất mình là sinh viên Châu Á, còn lại là sinh viên Bỉ da trắng. Có 3 giáo sư đứng lớp, tạm gọi là A, B và C, trong đó A đứng giảng chính, 2 giáo sư còn lại ngồi phía dưới cùng với sinh viên và tham gia thảo luận cùng. Tất cả 3 giáo sư đều là người da trắng. Nội dung của lớp học là thảo luận về the philosophical-pedagogical ontology of film (bản thể học sư phạm của phim ảnh) do giáo sư A và B viết.
Tình huống bạo lực 1: Một sinh viên nam đặt câu hỏi cho GS. A. GS. A và bạn học sinh thảo luận qua lại, nhưng sau một lúc bạn sinh viên vẫn chưa hiểu được vấn đề. Mình thấy vậy thì giơ tay đóng góp ý kiến. Bạn nam kia ngoái lại nhìn mình 2s, sau đó quay mặt về hướng bục giảng. Khi mình phát biểu xong, GS. A quay tiếp tục hỏi mình để làm rõ câu trả lời, nhưng bạn sinh viên kia không hề hồi đáp ý kiến của bạn ấy về câu trả lời của mình, sau đó tiếp tục thao thao bất tuyệt về sự không hiểu của bạn ấy.
Tình huống bạo lực 2: Khi mình và GS. B đang trao đổi về một lập luận trong chương sách, mình vẫn chưa hiểu nên muốn hỏi tiếp thì GS. C nhảy ngay vào cuộc hội thoại đặt câu hỏi cho GS. B. Mình bị chưng hửng, ấm ức vì chưa hỏi xong mà đã có người cướp lời (mặc dù sau đó ra chơi mình đã lên hỏi thẳng GS. B để giải đáp thắc mắc).
Tình huống bạo lực 3: Giờ ra chơi mình lên trao đổi với GS. A về chuyện rằng “Con người cần xem những phim khó nhằn như Dogtooth hay Le Fil để nhìn được thế giới một cách chân thực và có thể nhìn được ra bên ngoài cái họ có thể nhìn được.” thực ra chỉ đúng với modern sensibility (cảm quan hiện đại) của phương Tây, chứ những thực hành đời sống non-modern thì không thiết phải như vậy.
Sau đó mình lấy ví dụ về trải nghiệm sống của mình ở Bỉ, mình nói rằng con người ở đây sống mà không thèm đoái hoài đến ai cả và gần như là không có tình người, mình vì thế đã rất mệt nhọc để đương đầu với họ. Cuộc sống của người Bỉ hiện ra trước mắt mình không khác gì một bộ phim. Mà nếu cuộc sống đã phơi bày ra trước mặt mình như thế thì phim chỉ là một trong rất nhiều hoàn cảnh mà mình có thể đối diện? Cô đáp lại “Oh it’s very interesting that you could experience the candidness in such a way.” (Thú vị thật, không ngờ là em có thể trải nghiệm được sự trần trụi của đời sống theo cách đó.)
Ở cả 3 tình huống, dạng thức của bạo lực đều nằm ở sự thờ ơ và thiếu nhạy cảm mà gốc rễ là niềm tin rằng chỉ có tiếng nói của người da trắng và có học hàm học vị cao thì mới đáng tôn trọng, đáng được nghe. Đặc biệt ở tình huống cuối cùng, mình cảm thấy ngộp thở vì bạo lực bởi họ có thể bình phẩm về nỗi đau của người khác theo một cách “thú vị”??!!
Những tình huống như thế này mình gặp nhan nhản trong đời sống hằng ngày. Mình cũng hỏi bạn bè đi học ở các nước khác xem có trải qua tình trạng tương tự hay không. Khá nhiều bạn nói là không, nên mình cũng phải xem xét lại xem tại sao lại như thế. Có 3 lý giải mà mình thấy hợp lý:
(1) sinh viên theo đuổi các ngành hàn lâm thường đến từ các gia đình có địa vị kinh tế-xã hội cao so với mặt bằng chung dân số, do đó tính phân tầng rất sâu sắc, những sinh viên có điều kiện thấp hơn sẽ bị hội kia coi thường; trái lại, cách sinh viên theo đuổi các ngành phi-hàn lâm thì sẽ đỡ hơn vì sẽ có ít nhóm người tự nghĩ mình là quý’s tộc’s;
(2) diễn ngôn về da trắng thượng đẳng đã ăn sâu vào máu;
(3) sự nhạy cảm của bản thân mình, đôi khi mình thấy mình như một cái máy quét bạo lực, vì thế mà luôn bắt trọn được các khoảnh khắc đau lòng.
Đúng là không cần phải chờ đến lúc đòn roi được vung ra, trái tim người ta vẫn có thể luôn bị rỉ máu bởi một ánh nhìn, một câu nói hoặc một giây lặng im.
—–
Bạn có thể đọc thêm về ‘bạo lực trong đời sống hằng ngày’ ở chương sách:
Kleinman, A. (2000). The violences of everyday life: The multiple forms and dynamics of social violence. In V. Das, A. Kleinman, M. Ramphele, & P. Reynolds (Eds.), Violence and subjectivity (pp. 226-241). Berkeley/Los Angeles/London: University of California Press. DOWNLOAD