Hồi còn nhỏ, mình hầu như chẳng bao giờ gọi ông bà bên mẹ là “ông bà ngoại”, mình luôn gọi là “ông vãi” “bà vãi”. Ba tiếng “ông bà ngoại” đến mãi sau này mới xuất hiện trong từ điển tiếng Việt của mình, bởi khi tiếp xúc với “thành thị” nhiều, mình mới bắt kịp dần với các từ vựng phổ thông hơn.
Trong bốn ông bà nội ngoại, mình ít thân với “bà vãi” nhất. Bởi có thể rằng bà là người vụng về trong giao tiếp nên cuộc hội thoại của mình với bà thường không kéo dài. Ví thử như nếu mình có thể nói chuyện trên trời dưới đất với ông nội cỡ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, thì với bà vãi, dăm ba câu là mình thấy hết chuyện, xong lại len lẻn đi ra chỗ khác chơi.
Hai câu hỏi của bà có tần suất lặp lại lớn nhất là “thế đã ăn cơm chưa” và “hôm nay có ở đây ăn cơm với bà không?”. Nếu mình nói là mình sẽ ở lại thì mặt bà sẽ vui như Thị Nở được mùa, còn nếu mình nói là phải về thì chao ôi bao nhiêu sự tiếc nuối hiện hữu trên mặt bà. Hồi bà còn khoẻ, bà nấu ăn không ngon nhưng lúc nào cũng chăm chút cho mình, nếu mình nói ở lại ăn cơm trưa thì chắc là bà phải bắt đầu nấu từ 9h sáng, cặm cụi đến 11h30, rồi lại nhất định tranh rửa bát. Mình ngoe nguẩy vẫy đuôi xung quanh chực chờ xem bà có sai vặt gì ko, nhưng thường chỉ là vặt hành vặt hẹ lung tung hihi. Được chăm chút như vậy nhưng đã có vô số lần mình phải từ chối ăn cơm, những lúc ấy bà lại tức tốc chạy ra vườn cắt ngay cho mình một quả bí, dăm ba quả mướp, hoặc hái cho mình vài mớ rau mùng tơi.
Hai câu hỏi kia lặp lại nhiều quá, đôi lúc nó khiến mình cáu bẳn và chán ngắt, nhưng rồi mình cũng nhận ra rằng đó chính là “mật chỉ” yêu thương mà bà dành cho mình. Mức độ tình yêu tương đương với các câu như là “Quỳnh lại tăng cân à?” “Ơ hình như mặt Quỳnh nhỏ đi!” “Sao con lười thế!” hay là “đừng có ăn nữa” mà bầm Quỳnh hay nói với Quỳnh *ahuhu. Mọi người bảo “yêu thương thật lòng khó diễn đạt bằng lời nói”, và mình tin là như vậy.
Sáng nay, tự dưng bà ngồi sát lại mình, sau đó nằm kềnh kang kể chuyện tuổi thơ, kể về chuyện lên 3 tuổi mất mẹ, sống với bà ngoại, lên 8 tuổi về nhà ở với bố và dì, kể về chuyện nhà nghèo quá không được tới trường, đâm ra ganh tị với bạn hàng xóm vì bạn được đi học, kể chuyện chăn trâu cắt cỏ trên đồng xa, kể chuyện lấm lem bùn đất và sừng nghé, kể chuyện trẻ ranh nứt mắt về chung một nhà với ông ngoại…
…và mình cứ chìm đắm vào câu chuyện như thế, gặm nhấm bao nhiêu là tấm lòng mà bà ưu ái cho mình, chứ không phải là bất kì một ai khác.
Yêu thương,
Quềnh.
Quê mình, ngày 01.09.2018.