Written by Nghĩ về giáo dục

#37 Tại sao không gian học tập trực tuyến lại xâm phạm các nguyên tắc vận hành sư phạm?

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong thời đại khoa học công nghệ, việc ứng dụng công nghệ vào học tập và giảng dạy không còn xa lạ với giáo viên và học sinh nữa. Tuy vậy, từ khi COVID-19 diễn ra, các giải pháp công nghệ như Zoom, Teams, Google Meet, v…v… không chỉ đóng vai trò bổ sung, hỗ trợ cho việc dạy và học nữa mà đã dần trở thành một thực tại mới của giáo dục và thay đổi cách giáo dục truyền thống (mà trường học là đại diện) diễn ra. Sau COVID, rất nhiều trường học và cơ sở giáo dục đã lựa chọn chuyển hẳn sang phương thức đào tạo trực tuyến. Một mặt, sự thay đổi này được đón nhận tích cực từ nhóm người yêu thích công nghệ và tin rằng công nghệ đã và đang mang lại nhiều giải pháp ưu việt cho cuộc sống hiện đại, mà cụ thể là công nghệ đã cung cấp những phương án khả thi nhằm đối phó với các tình huống bất ổn về kinh tế xã hội như trong thời COVID. Mặt khác, việc sử dụng các nền tảng hội nghị trực tuyến (video conferencing technologies) cũng vấp phải nhiều e ngại từ việc không đảm bảo được chất lượng dạy và học, khó duy trì kỷ luật và ý thức học tập của học sinh, và còn nhiều những hạn chế khác so với một lớp học truyền thống. Giải pháp trực quan lúc này là làm sao để thúc đẩy hoạt động học tập trên không gian trực tuyến và duy trì kết quả học tập. Tuy vậy, cách đặt vấn đề (cũng như giải quyết vấn đề) dựa trên kết quả đầu ra này đã khiến chúng ta xao nhãng khỏi trọng tâm của giáo dục là nằm ở ‘tính sư phạm.’ Theo bài báo xuất bản năm 2022 của GS. Joris Vlieghe [1] thuộc Đại học KU Leuven, việc chuyển đổi hoạt động học tập ở trường học sang không gian trực tuyến (sau đây xin gọi tắt là ‘việc học online’) đang đe doạ ‘tính sư phạm’. Vì sao GS. J. Vlieghe lại đưa ra nhận định như vậy?

04 NGUYÊN TẮC VẬN HÀNH SƯ PHẠM CĂN BẢN (4 basic pedagogical operations)

Dựa theo lý thuyết của bốn nhà sư phạm/triết học nổi bật của thế kỷ XX là Hannah Arendt, Bernard Lahire, Benard Stiegler, và Michel Serres, GS. Vlieghe nhấn mạnh vào việc ‘chia sẻ tình yêu với thế giới chung’ như là một đặc tính của giáo dục ở góc nhìn sư phạm. Đặc tính trên được thể hiện qua bốn nguyên tắc vận hành sư phạm căn bản như sau:

  1.  (Người thầy) có tình yêu với (những điều cụ thể trong) thế giới (và có khả năng truyền đạt tình yêu đó tới con trẻ).
  2. (Không gian học tập và sự hiện diện của người thầy có khả năng) chỉ ra cho con trẻ thấy thế giới này là của chung.
  3. (Không gian học tập và sự hiện diện của người thầy có khả năng) tạo dựng sự chú tâm của con trẻ với thế giới.
  4. (Không gian học tập và sự hiện diện của người thầy có khả năng) tạo ra trải nghiệm (khi là một) học sinh và tạo ra cảm thức thế hệ giữa các học sinh.

PHÊ BÌNH CỦA GS. VLIEGHE VỀ VIỆC HỌC ONLINE

Theo GS. Vlieghe, không gian học tập trực tuyến và sự hiện diện của giáo viên ở một góc màn hình là không đủ sức nặng để kéo con trẻ ra khỏi không gian riêng tư (của gia đình, của dòng họ, của bản thân,…) để nhìn ra ‘ngoài kia,’ cảm thụ vẻ đẹp của nó và yêu lấy nó. Cụ thể, GS. Vlieghe phê bình phương thức học tập trực tuyến dựa trên bốn nguyên tắc vận hành sư phạm trên như sau:

1. (Người thầy) có tình yêu với (những điều cụ thể trong) thế giới (và có khả năng truyền đạt tình yêu đó tới con trẻ).

Yêu một số chủ đề, sự vật, sự việc cụ thể trong thế giới là phẩm chất tiên quyết của người thầy. Tại sao phải là ‘yêu’? Vì nếu bản thân người thầy không yêu một điều gì đó, không bỏ công bỏ sức, bỏ tâm bỏ trí vào đó thì làm sao họ có thể tin rằng nó đáng giá để mà truyền lại cho thế hệ trẻ? Tại sao phải là một số chủ đề, sự vật, sự việc ‘cụ thể’ vì nếu không ‘cụ thể’ thì có nghĩa là cái gì cũng yêu, mà cũng có thể là chẳng yêu cái gì. Nếu không yêu thứ gì thì người giáo viên chỉ có thể là người điều phối (facilitator) chứ không thể là người thầy được. Việc dạy học tốt là khi người thầy có thể khiến con trẻ chú tâm vào học-vấn (subject-matters), nhưng nếu bản thân người thầy đã không thành tâm với môn học thì liệu rằng học trò có cảm thấy hứng thú với môn học đó hay không?

Không thể phủ nhận rằng tình yêu của người thầy với thế giới cũng có thể truyền đạt qua màn hình, nhưng các bạn nghĩ là bao nhiêu phần trăm sẽ được truyền tải? Nếu như thầy và trò bị ngăn cách bởi một màn hình, học trò chỉ nhìn thấy gương mặt của thầy với diện tích trung bình là 13 inch (có thể chỉ còn dưới 2inch nếu thầy trình chiếu Powerpoint) thay vì nhìn thấy toàn bộ cử chỉ, dáng điệu, ánh mắt, lời nói, cách thầy viết bảng và cảm nhận trực tiếp tất cả những điều đó.

2. (Không gian học tập và sự hiện diện của người thầy có khả năng) chỉ ra cho con trẻ thấy thế giới này là của chung.

Sự nhận biết rằng chúng ta đang chung sống cùng nhau trên thế giới này là vô cùng quan trọng. Nó quan trọng vì con người, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cần phải chung tay tái tạo thế giới và đảm bảo tính sinh (natality) của vạn vật. (Xem thêm tại [2]). Làm sao để giúp con trẻ nhận biết được thế giới này là của chung? Chỉ có cách là kéo chúng ra khỏi những không gian riêng tư, mà phải làm chuyện đó theo một cách vật lý nhất đó là kéo chúng từ nhà tới trường, đặt ở lớp học một tấm bảng to, viết lên bảng những điều mà người thầy tâm huyết và CHỈ ra cho chúng thấy đây chính là những ‘gia tài’ mà thế hệ trẻ cần gìn giữ và phát huy. Những ‘gia tài’ này lớn lao hơn mỗi cá nhân và cần sự góp sức của cả một thế hệ để bảo tồn và tái tạo.

Nhìn lại không gian học tập trực tuyến, học sinh ngồi ở nhà, có thể bật camera hoặc tắt camera, có thể lựa chọn học hoặc không, không có ánh mắt dõi theo nào của giáo viên, cũng không có áp lực nào từ bạn bè rằng nếu mình mất tập trung thì sẽ ảnh hưởng tới bạn. Giáo viên có thể chỉ trên Powerpoint rằng vấn đề này là quan trọng. Nhưng tỉ lệ và vị trí của chiếc màn hình so với dáng hình của con trẻ lúc này sẽ làm thay đổi bản chất của sự trao truyền, rõ ràng là rất khác biệt khi so sánh với tỉ lệ và vị trí của bảng đen so với học sinh ngồi trên lớp học. Bản chất của sự trao truyển lúc này sẽ là: trên màn hình có tri thức mà mình sẽ cần cho sự phát triển cá nhân, tri thức này không hề lớn lao hơn mình và cũng chỉ có tầm quan trọng tương đương với bất cứ thứ gì khác mà mình cũng nhìn thấy trên màn hình. Trong tình huống này, đứa trẻ vẫn có thể học, vẫn tốt nghiệp, vẫn tìm được một công việc ưng ý, vẫn có thành công, nhưng ấy khả năng cao là việc con trẻ tạo dựng thành công riêng cho bản thân mà thôi.

3. (Không gian học tập và sự hiện diện của người thầy có khả năng) tạo dựng sự chú tâm của con trẻ với thế giới.

Theo cách tâm lý học luận giải, khả năng tập trung của con trẻ chỉ rơi vào khoảng 15 phút và sau đó là cần chuyển đổi hoạt động học tập để làm mới khả năng tập trung đó. Tuy vậy, khả năng tập trung cũng có thể được nhìn nhận theo góc độ sinh thái (ecological), tức là sự chú tâm không nhất thiết phải là một biến cố định của mỗi cá nhân mà là một phẩm chất có thể nuôi dưỡng qua các hoạt động tập thể mà mọi người cùng nhau góp sức để chăm sóc thế giới này. Do vậy, việc có thể ngồi bên nhau trong một không gian lớp học hoặc giảng đường là điều kiện vật lý cần có để bồi dưỡng khả năng tập trung. Ví dụ nhé, các bạn đã bao giờ trải qua tình huống tâm hồn treo ngược cành cây xong đột nhiên giật mình vì thầy cô nhìn bạn, hoặc khi các bạn cùng lớp phát biểu. Ấy chính là khoảnh khắc mà sự chú tâm của bạn được triệu hồi, mặc dù sau đó có thể tâm hồn bạn lại tiếp tục rong chơi. Nhưng ít nhất là ai đó đã nhắc bạn. Thêm vào đó, không khí học tập trên lớp học cũng khiến cho bạn tỉnh táo hơn. Có phải là bạn sẽ cảm thấy dễ buồn ngủ khi học một mình ở nhà hơn là học với chúng bạn ở trên lớp hay không?

Khi học online một mình, không có bạn bè xung quanh, không có lực đẩy của không khí tập thể, không có thầy cô dõi ánh nhìn theo, đã vậy còn có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh khiến con trẻ phân tâm, vậy thì sự chú tâm của con trẻ sẽ đi về đâu?

4. (Không gian học tập và sự hiện diện của người thầy có khả năng) tạo ra trải nghiệm (khi là một) học sinh và tạo ra cảm thức thế hệ giữa các học sinh.

Tại sao con trẻ cần có một cảm thức thế hệ? Ấy là để nhận trách nhiệm, khi chúng trở thành người lớn. Khi trẻ cùng độ tuổi cùng nhau tới trường, cùng tham gia bài giảng như nhau, chúng sẽ nhận thức được rằng chúng cũng chỉ là một phần của xã hội này, cũng như bao người khác. Bản thân chúng không có gì đặc biệt, cũng không phải là tâm điểm của gia đình và dòng họ. Chúng cũng sẽ dần hiểu được rằng bạn bè mới cũng có những nhu cầu, sở thích cá nhân và bản thân chúng phải biết học cách dung hoà để tồn tại. Giáo dục là cho tất cả mọi người chứ không riêng gì ai. Tâm điểm ở đây không phải là con trẻ, mà là thế giới.

Đối với việc học online, cảm thức thế hệ rất khó hình thành khi mà con trẻ không chạm được vào bạn bè đồng trang lứa của chúng. Không được kết nối bằng da bằng thịt với bạn bè mới, thầy cô mới, con trẻ vẫn sẽ ‘bị tắc lại’ trong không gian riêng tư của gia đình và chưa thể nghĩ xa và rộng ra được thế giới xung quanh.

Tóm lại, với những phê bình trên, GS. Vlieghe không có ý bài trừ không gian học tập trực tuyến mà đón nhận nó như một thực tại mới của giáo dục và cũng mời gọi các nhà giáo dục cùng nhau suy ngẫm và tìm ra hướng tiếp cận tới thực tại giáo dục này, làm sao để vẫn có thể duy trì được mục tiêu ‘sharing love for the common world.’

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ (LÀ MÌNH)

Mình đồng ý với quan điểm của GS. Vlieghe rằng công nghệ đang làm cho việc truyền tải tình yêu với thế giới tới con trẻ gặp nhiều khó khăn hơn. Ví dụ trực quan là các video chia sẻ kiến thức thịnh hành nhất thì thường là các video nói về phát triển bản thân (học chánh niệm, tập gym, yoga, ăn kiêng, học đầu tư, …) với lập luận là nếu bản thân một người tốt lên thì thế giới cũng sẽ tốt lên. Nhưng thế nào là ‘tốt lên’ và ‘thế giới cũng sẽ tốt lên’? Liệu ‘thế giới tốt lên’ có phải là một ảo ảnh? Cái ‘thế giới’ đang được nhắc tới là thế giới nào? Liệu có giống với ‘thế giới’ mà GS. Vlieghe nhắc tới hay không?

Theo quan sát của mình, việc chuyển đổi không gian học tập từ trường học sang trực tuyến có khả thi khi mà thầy và trò đã có những tiếp chạm từ trước. Tiếp chạm này khiến người học hình dung được là thầy mình có mối quan tâm về cái gì và mình có bị thu hút bởi chủ đề đó hay không. Còn nếu không có sự tiếp chạm nào diễn ra trước đó thì khả năng cao là người học sẽ cảm giác lạc lõng, bơ vơ, không biết mình thuộc về đâu, mình tồn tại để làm gì, huống chi là nghĩ tới việc quan tâm tới thế giới.

Một ưu/nhược điểm nữa của hình thức học trực tuyến là khả năng mời gọi học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau, và như thế cũng làm mờ ranh giới giữa người lớn – con trẻ, bởi ai cũng thành người học (learner). Nếu người lớn cũng chỉ nhận mình là một learner giống như con trẻ thì ai sẽ nhận trách nhiệm với thế giới?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Vlieghe, J. (2022). Sharing Love for a Common World On and Off Screen. A Pedagogical and Technocentric Account. Journal of New Approaches in Educational Research, 11(1), 1-14. Download tại đây: https://files.eric.ed.gov/fulltext/EJ1325550.pdf
[2] https://donhuquenh.com/tai-tao-the-gioi-la-gi-va-tai-sao-cach-van-hanh-cua-tiktok-lai-khong-lam-duoc-dieu-do/

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]