#22 Khủng hoảng của (chúng) mình

Khoảng 1 năm trở lại đây trong lòng (chúng) mình có rất nhiều nỗi bận tâm về giáo dục. (Chúng) Mình vẫn chưa có lời giải đáp nào hết bởi câu trả lời vẫn chưa tới. Trong lúc bế tắc thì mình có gửi thư cho Hoà thượng Thích Viên Minh để giãi bày. Lá thư như sau:

*Lưu ý: ‘Giáo dục’ trong bài viết này hiểu theo nghĩa là việc dạy và học trong khuôn khổ thể chế trường học. 

“Con chào Thầy, 

Con đang có một nỗi bận tâm rất lớn về chuyện bản thân có nên tiếp tục làm giáo dục nữa hay không Thầy ạ. Cũng như bao lần khác, con biết là sự vận hành của pháp sẽ dần dần cho con câu trả lời nhưng con vẫn muốn giãi bày với Thầy. 

Chuyện là trước đây con từng là một giáo viên. Trong quá trình công tác có rất nhiều lúc con cảm thấy mình dường như đang làm hại học sinh nhiều hơn là đang giúp đỡ các bạn ấy bởi vòng xoáy học-thi dường như chỉ làm cho các bạn ấy tiều tuỵ và chán ghét việc học hơn mà thôi. Mỗi lần đi dạy con nhìn thấy các bạn nhỏ rệu rã bước vào lớp là lại cảm thấy xót xa. Con quyết tâm nghỉ việc và hiện đang theo học thạc sĩ ngành Lý thuyết Sư phạm với một triết gia và cũng là một người thầy đáng kính ở Châu Âu – thầy A. Con muốn trả lời cho 2 câu hỏi “Làm giáo dục là làm gì?” và “Thế nào là một người thầy đúng nghĩa?”, và quả thực khi con gặp được thầy A vào năm học thứ 1 thì con có câu trả lời cho cả 2 câu hỏi trên. Con tin vào thầy A vì con thấy lý thuyết của thầy ấy rất gần với tinh thần vô ngã vị tha của Bụt. Từ đó con có thêm niềm tin rằng bên cạnh con đường tu đạo thì giáo dục và trường học có thể mang lại tuệ giác cho những người “phi tôn giáo” hơn là chỉ đào tạo ra những cỗ máy phục tùng cho nền kinh tế và lợi ích chính trị. 

Tuy vậy, trong năm học thứ 2 này, khi con ngấm dần các lý thuyết sư phạm của thầy A và xúc chạm với những thực hành giáo dục hết sức phản sư phạm tại chính lớp học của thầy và các Giáo sư trong Khoa thì con cảm thấy trước tiên là bị đau và sau đó là bất lực. Ở lớp học của thầy A, khi thầy đang cố gắng hết sức để giúp sinh viên hiểu ra rằng một trải nghiệm học tập là phải làm cùng nhau, là phải gắn kết với nhau, thì ở bên dưới lớp vẫn có rất nhiều bạn bị hắt hủi do nạn phân biệt chủng tộc. Thầy A đứng ngay ở đó nhưng thầy cũng chẳng nhận ra và thầy cũng không bảo vệ được học trò. Còn ở các lớp học khác, hầu hết các GS đều rao giảng rằng giáo dục sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội, rằng chúng ta phải hành động, nhưng tất cả những gì các giáo sư làm là bị cuốn vào nhịp thời gian của năng suất lao động, của điểm trác và thi cử, của áp lực xuất bản sách/báo; họ chẳng có một chút thời gian nào để nghĩ cho thế giới, huống chi là hành động. Bên cạnh đó, chủ yếu sinh viên đi học cũng là chỉ lấy cái bằng Tây hoặc để tìm kiếm cơ hội ở lại châu Âu, chẳng ai thiết tha gì đến giáo dục. Khi con đề cập vấn đề này với thầy phụ trách chương trình học của Khoa thì thầy nói lại với con là: “Cảm ơn em nhưng tôi không tin vào những điều em nói.” Toàn thân con đau lắm Thầy ạ.

Càng gần tới lúc tốt nghiệp và đi tìm những cơ hội việc làm kế tiếp, con càng cảm thấy mình cứ nên chấp nhận rằng giáo dục vốn là công cụ của nhà cầm quyền – đúng như nguồn gốc ra đời của nó – thì hơn. Thầy ơi, con có nên chấp nhận rằng giáo viên cũng giống như bất kỳ công việc nào khác (chỉ để đến trường 8 tiếng và cuối tháng nhận lương) để con đỡ đau hơn không? Dù gì việc học cũng chỉ diễn ra khi người học muốn học, nhưng mà người học đại trà phần lớn đều thờ ơ, con không nên cố đấm ăn xôi phải không Thầy?

Con cảm ơn Thầy đã lắng nghe con.”

——

Thầy Viên Minh đáp: 

“Giáo dục thực sự có con đường khác ngoài cái gọi là “giáo dục” hiện hành trên thế giới. Giáo dục thật sự là mở ra chứ không phải buộc vào. Mở ra tầm nhìn về chính mình và cuộc sống. Cuộc sống mới là trường học vĩ đại nhất giúp mỗi người trải nghiệm những bài học đích thực của chính mình. Trí tuệ không phải là góp nhặt kiến thức vụ lợi mà là trực nhận sự thật với tâm hồn tỉnh thức trong sáng. Giáo dục không đúng chỉ làm vấy bẩn những tâm hồn đang trong sáng đó. Lương tri con đang giúp con thấy ra điều này hơn cả những giáo sư tiến sĩ chuyên ngành mà con từng học!”

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]